skip to Main Content

Những điều cần biết khi giao dịch vàng miếng tại Việt Nam để không vi phạm pháp luật

Ở Việt Nam, thật dễ dàng để mua bán và trao đổi các loại vàng từ vàng miếng cho đến vàng trang sức. Chúng ta gặp rất nhiều những cửa hàng kinh doanh vàng có quy mô từ lớn đến nhỏ. Tại đây, người mua và bán đều tham gia trao đổi mua bán một cách nhanh chóng. Nhưng liệu các hoạt động mua bán đó có đảm bảo tuân thủ theo pháp luật và các quy định của nhà nước về giao dịch vàng hay không? Hãy cùng Investing.vn tìm hiểu những điều cần biết để giao dịch vàng miếng đúng theo quy định của pháp luật tại Việt Nam!

1. Các doanh nghiệp, tổ chức nào được phép kinh doanh vàng miếng?

Pháp luật đã có quy định rất rõ ràng về việc những doanh nghiệp hay tổ chức như thế nào thì được phép kinh doanh vàng miếng. Nhưng trước khi tìm hiểu vấn đề này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số vấn đề liên quan.

Vàng miếng là gì?

Những điều cần biết khi giao dịch vàng miếng tại Việt Nam để không vi phạm pháp luật
Trên miếng vàng sẽ có dập một số thông tin cơ bản

Vàng miếng là vàng được đúc thành miếng. Trên miếng vàng có dập một số thông tin cơ bản sau:

  • Chữ, số chỉ khối lượng
  • Chất lượng vàng
  • Ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức được Ngân hàng nhà nước cấp phép sản xuất. Hoặc do Ngân hàng nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ.

Những doanh nghiệp, tổ chức nào được phép giao dịch vàng?

Điều 10 Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã quy định rõ hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Để được cấp phép giao dịch vàng, các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cần đáp ứng được những điều kiện sau:

Đối với doanh nghiệp

  • Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
  • Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên.
  • Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 02 năm trở lên.
  • Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên. Thời gian nộp thuế trong 02 năm liên tiếp gần nhất. Bản xác nhận cần có xác nhận của cơ quan thuế.
  • Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 03 tỉnh, thành phố trở lên.

Tổ chức tín dụng

  • Có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên.
  • Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng.
  • Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 05 tỉnh, thành trở lên.

Tính đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho tổng cộng 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng. Tổng số điểm mà người dân có thể đến giao dịch vàng miếng khoảng gần 2.500 điểm trên cả nước. Các địa điểm kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng miếng.

Tuy nhiên. trên thực tế, hầu như không có dấu hiệu phân biệt giữa các cửa hàng vàng được phép mua bán vàng miếng và các cửa hàng không được cấp phép. Nhưng ngân hàng nhà nước cũng đã có văn bản yêu cầu các điểm giao dịch được phép phải dán công khai giấy phép trước quầy giao dịch để người dân dễ dàng nhận biết.

2. Có cần giữ giấy tờ mua bán vàng không?

Khi đi mua vàng, người bán cần phải lưu lại toàn bộ hóa đơn và giấy tờ chứng thực giao dịch vàng của mình. Trên giấy đảm bảo vàng sẽ có đầy đủ thông tin giao dịch của bạn. Ví dụ như ngày tháng, khối lượng giao dịch, tuổi vàng, loại vàng hay số seri in trên miếng vàng. Hóa đơn mua bán sẽ giúp bạn đảm bảo được giá trị của số vàng mà bạn đã mua. Nếu không giữ hóa đơn, sau này khi muốn bán lại vàng, bạn có thể bị những người thu mua ép giá.

Một số cơ sở kinh doanh còn từ chối thu mua vàng có nguồn gốc không rõ ràng. Điều này giúp doanh nghiệp tránh mua phải vàng giả. Hoặc mua phải vàng không minh bạch. Vì vậy người mua cần lưu lại toàn bộ hóa đơn, chứng từ khi mua vàng để đảm bảo quyền lợi của mình.

3. Giao dịch vàng ở điểm không được phép kinh doanh vàng thì có bị phạt không?

Những điều cần biết khi giao dịch vàng miếng tại Việt Nam để không vi phạm pháp luật
Tổng trên cả nước có khoảng 2500 điểm được cấp phép giao dịch vàng

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho tổng cộng 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng. Tổng số điểm mà người dân có thể đến giao dịch vàng miếng trên cả nước là khoảng gần 2.500. Theo Điều 24, Nghị định 88/2019/NĐ-CP, việc mua bán vàng miếng tại các điểm không được cấp phép sẽ có thể bị xử phạt. Cụ thể như sau:

  • Với người vi phạm lần đầu: cảnh cáo.
  • Đối với người tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần: phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.
  • Riêng đối với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp mua bán vàng miếng không có giấy phép sẽ bị phạt tiền từ 300 triệu đến 400 triệu đồng.

Vì vậy, các bạn hãy kiểm tra kĩ thông tin cơ sở mình dự định mua có đủ điều kiện kinh doanh, mua bán vàng hay không? Các nhà đầu tư hãy lựa chọn cơ sở kinh doanh uy tín để đảm bảo lợi ích của chính mình nhé!

Investing.vn

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận