skip to Main Content

Chiến lược giao dịch forex đơn giản và hiệu quả nhất dành cho trader mới

Sau khi tìm hiểu những điều cơ bản về thị trường ngoại hối, bạn rất nóng lòng muốn thử nghiệm những lệnh giao dịch đầu tiên của mình. Nhưng câu hỏi lớn đặt ra là nên sử dụng chiến lược forex nào? Tôi chắc rằng nếu bạn tìm kiếm trên internet, bạn sẽ nhận được rất nhiều hướng dẫn chung chung về giao dịch theo tin tức, mô hình nến hay chỉ báo… Nhưng chúng không thực sự chỉ cho bạn một điểm vào lệnh cụ thể nào cả.

Trong bài này Investing.vn sẽ cung cấp những chiến lược cụ thể theo kiểu “cầm tay chỉ việc” cho bạn. Đây có thể không phải là phương pháp mang lại nhiều lợi nhuận nhất. Nhưng chúng là những chiến lược đơn giản, dễ áp dụng và giúp bạn có một nền tảng tốt để đi xa hơn trong tương lai.

Nội dung bài viết

Trước khi bắt đầu, hãy tìm hiểu sơ lược về các phong cách giao dịch thường gặp trong thị trường ngoại hối.

A. Những kiểu chiến lược giao dịch phổ biến trong Forex

1. Giao dịch lướt sóng – Scalping

Scalping hay giao dịch lướt sóng là một kỹ thuật được sử dụng rất nhiều trên thị trường tiền tệ và chứng khoán. Nhất là từ khi có máy vi tính, mạng internet và việc mua bán có thể thực hiện qua một vài cú click. Những nhà giao dịch lướt sóng (scalper) sẽ tiến hành mua bán trong một khoảng thời gian ngắn. Mục tiêu của họ là kiếm những khoản lợi nhuận rất nhỏ mỗi lần (và nếu thua lỗ cũng nhỏ tương ứng). Và thu nhập của họ đến từ việc “tích tiểu thành đại” với hàng trăm lượt giao dịch mỗi phiên.

Để làm được điều đó, nhà giao dịch thường quan sát thị trường trên khung thời gian ngắn (chẳng hạn M1 hay M5), bắt những thay đổi nhỏ của tỉ giá. Sau khi vào lệnh, họ thường đặt mức chặn lỗ / chốt lời tự động. Đôi khi chỉ cách điểm vào vài pips. Hoặc tập trung nhìn màn hình để đóng lệnh ngay sau khi giá dịch chuyển chút ít. Scalper giao dịch liên tục và họ không bao giờ giữ một lệnh trong thời gian dài.

Với tốc độ giao dịch nhanh và liên tục, nhà giao dịch lướt sóng ít khi dùng các yếu tố cơ bản. Họ chủ yếu quan tâm đến phân tích kỹ thuật, và thường sử dụng các chỉ báo hoặc mô hình giá đơn giản để có thể ra những quyết định nhanh nhất.

Giao dịch scalping đòi hỏi thời gian, sự tập trung, kết nối internet tốc độ cao và tâm lý thực sự ổn định. Vì thế nó thường phù hợp với những người làm nghề trader toàn thời gian hơn là nhà đầu tư thông thường.

2. Giao dịch trong ngày – Day Trading

Giao dịch trong ngày là sự mở rộng hơn về chu kỳ so với scalping. Lúc này, nhà giao dịch nhắm đến các giao dịch lớn hơn (khoảng 20 đến 50 pips). Đặc điểm chính của day trader là họ không giữ các lệnh mua bán của mình qua đêm. Trader sẽ kết thúc nó trong ngày để tiết kiệm phí (cũng như có thể ngủ ngon :D).

Khung thời gian mà Day trader sử dụng phổ biến nhất là M15 và M30. Nhà giao dịch trong ngày cũng cần sự tập trung cao để phát hiện điểm vào. Tuy nhiên sau khi mở lệnh, họ có thể giữ trong thời gian nửa giờ đến vài giờ.

Về phân tích, Day traders sẽ phù hợp với cả yếu tố cơ bản và kỹ thuật. Chẳng hạn, các tin tức quan trọng về kinh tế như Bảng lương phi nông nghiệp (NFP), lãi suất và các công bố, phát biểu sẽ được xét đến. Trong khi về kỹ thuật, họ sử dụng phong phú các mô hình biểu đồ và cả chỉ báo.

3. Giao dịch đảo chiều – Swing Trading

Thực ra khái niệm “swing trading” được dịch là “giao dịch đảo chiều” thì không chính xác. Nên đây chỉ là cách dịch tạm. Bởi vì trên thực tế swing trading không phải lúc nào cũng nhắm vào những pha đảo chiều.

Bạn có thể hiểu swing trading là giao dịch ở mức độ trung hạn với chu kỳ giao dịch là phạm vi một đến vài ngày. Swing trading phù hợp với những nhà giao dịch bán thời gian, nghĩa là không có thời gian để tập trung ngồi bên màn hình liên tục. Bạn vẫn có một công việc khác cần làm, và coi trading là một nguồn thu nhập bổ sung.

Tùy thuộc vào cặp tiền tệ, nhà giao dịch sẽ chủ yếu sử dụng khung thời gian H1 đến H4. Mục tiêu lợi nhuận của họ sẽ là khoảng trên 50 và lên đến hàng trăm pips. Việc giữ lệnh qua đêm là bình thường đối với swing trader nếu giá chưa đi đến mức mục tiêu. Tuy nhiên, bạn cũng cân nhắc không nên giữ lệnh hơn 1 tuần. Vì nó có thể dẫn đến phí qua đêm lớn và bào mòn hết lợi nhuận.

4. Nắm giữ tiền tệ – Position Trading

Nếu như người ta có thể mua và nắm giữ cổ phiếu hay trái phiếu để sinh lời trong dài hạn, thì với tiền tệ cũng hoàn toàn làm được. Phong cách đó gọi là Position trading.

Nhà giao dịch nắm giữ là những người không thực hiện các lệnh giao dịch bình thường. Họ thực sự mua và sở hữu một loại tiền tệ nào đó trong thời gian dài. Bằng cách đó, nhà giao dịch có thể kiếm tiền qua hai nguồn thu:

  • Một là lãi suất gửi ngân hàng của số tiền nắm giữ
  • Hai là khi tỉ giá của chúng chênh lệch đủ lớn thì nhà đầu tư bán ra để kiếm lời. Thực tế, họ có thể hoán đổi sang tiền tệ khác, hoặc vàng, nguyên liệu hay hàng hóa.

Nhà giao dịch nắm giữ có 3 đặc điểm tiêu biểu là:

  1. Có hiểu biết sâu sắc về các yếu tố cơ bản của nền kinh tế và thị trường tiền tệ
  2. Không quan tâm nhiều đến các biến động trong ngắn hạn và trung hạn
  3. Có một lượng vốn đủ lớn để giao dịch và nắm giữ tiền tệ thực sự trong thời gian dài, thay vì các lệnh thông qua broker

Dựa vào các đặc trưng đó, Position trading thường được bắt gặp ở hoạt động của các ngân hàng, doanh nghiệp thương mại xuyên biên giới và các quỹ đầu tư hơn là nhà giao dịch cá nhân.

Bạn phù hợp với phong cách giao dịch nào?

Sau khi đọc đến đây, chắc hẳn bạn sẽ hiểu vì sao với phần lớn người mới thì Swing Trading là một lựa chọn phù hợp và dễ bắt đầu nhất. Sự thật là khi mới giao dịch forex, bạn nên chọn swing trade hơn là scalping hay day trading và position trading.

Đây cũng là lý do các chiến lược của Investing đưa ra sẽ hướng đến phong cách swing trading. Khi đã có nhiều kinh nghiệm, bạn có thể tìm hiểu và thử sức với các phong cách khác.

Trong phần tiếp theo, chúng tôi giới thiệu đến bạn 03 chiến lược đơn giản mà ai cũng có thể học và ứng dụng trong thị trường tiền tệ.

B. Chiến lược Forex dành cho người mới

1. Chiến lược nến đuôi dài

Thị trường là sự giằng co của các bên. Trong giao dịch forex, các ngưỡng hỗ trợ / kháng cự là những mốc rất quan trọng. Tại ngưỡng này, nếu giá bứt phá được sẽ có cơ hội đi tiếp. Nhưng trong nhiều trường hợp, giá bị chặn lại và sau đó quay đầu. Khi đó, nó thường tạo nên một cú phá vỡ giả (false breakout). Mục tiêu của chiến lược là nhận diện và nắm bắt cơ hội tại cú phá vỡ giả đó.

Bước 1: Nhận diện một ngưỡng hỗ trợ / kháng cự.

Bước 2: Nhận diện một cây nến có bóng vượt qua ngưỡng, nhưng thân nến thì không. Nếu cây nến này có phần bóng nến (đuôi) dài thì nó càng có độ tin cậy hơn. Lưu ý rằng nến đuôi dài này sẽ không có nhiều giá trị nếu nó không được gắn với một ngưỡng hỗ trợ / kháng cự cụ thể.

Chiến lược nến đuôi dài nhận diện phá vỡ giả (false breakout)
Nến đuôi dài tại một ngưỡng hỗ trợ có thể báo hiệu phá vỡ giả

Bước 3: Chờ cây nến đó kết thúc. Nếu là một nến tăng, bạn Buy ở đầu nến tiếp theo. Ngược lại, nếu nó là nến giảm ở ngưỡng kháng cự, bạn Sell ở đầu nến tiếp theo.

Bước 4: Đặt chặn lỗ cách bóng nến dài 5 pips. Chốt lời theo tỉ lệ 1: 1.5. Nghĩa là nếu mức chặn lỗ cách điểm vào bao nhiêu thì mức chốt lời cách điểm đó gấp 1.5 lần.

Chiến lược nến đuôi dài nhận diện phá vỡ giả (false breakout)
Đặt chặn lỗ trước và từ đó tính toán điểm chốt lời của bạn

Sau khi đặt Stoploss và Take Profit rồi, bạn đừng can thiệp gì vào lệnh. Hãy để cho thị trường quyết định. Việc lệnh bị Stoploss là bình thường, hãy tiếp tục luyện tập. Bạn sẽ tìm thấy những ngưỡng hỗ trợ / kháng cự quan trọng hơn và nến đuôi dài chất lượng hơn. Quan trọng không phải là tránh Stoploss mà là nâng cao dần tỷ lệ thành công của bạn để có được lợi nhuận sau cùng.

2. Chiến lược phá vỡ hộp

Nếu như chiến lược trước, chúng ta nhắm đến phá vỡ giả. Trong chiến lược này, ta sẽ tìm kiếm những cú phá vỡ thật khỏi ngưỡng hỗ trợ / kháng cự. Điểm khác biệt lớn nhất là khi kết thúc, thân nến đã qua khỏi ngưỡng hay chưa.

Tuy nhiên, không có nghĩa mọi cú phá vỡ đều mang lại cơ hội. Trong chiến lược này, bạn sẽ học cách nhận diện một “chiếc hộp”, nơi giá đã bị giam giữ trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu giá phá vỡ được chiếc hộp, cơ hội thành công của bạn sẽ cao hơn nhiều.

Bước 1: Nhận diện “chiếc hộp”. Nó bao gồm một ngưỡng hỗ trợ ở dưới và một ngưỡng kháng cự ở trên. Đồng thời ngưỡng đó phải được xác nhận bởi ít nhất 2 điểm đáy và ít nhất 2 đỉnh (xem hình).

Chiến lược phá vỡ hộp

Bước 2: Chờ đợi nến phá vỡ (break out) khi cả bóng nến và thân nến đều đóng cửa ngoài chiếc hộp.

Chiến lược phá vỡ hộp
Giá phá vỡ khi thân nến đóng cửa phía ngoài hộp

Bước 3: Tiến hành Buy ở đầu nến tiếp theo (nếu phá vỡ lên). Sell ở đầu nến tiếp theo (nếu là phá vỡ xuống).

Bước 4: Đặt chặn lỗ ở khoảng giữa của hộp và chốt lời theo tỉ lệ 1: 1.5, tương tự chiến lược đầu tiên.

Chiến lược phá vỡ hộp

3. Chiến lược đi theo xu hướng

Chiến lược thứ 3 giúp bạn làm quen với các chỉ báo phân tích kỹ thuật (indicator) và có những lệnh đi xa hơn. Chúng ta sẽ cố gắng nắm bắt một xu hướng khi nó bắt đầu, tìm điểm vào an toàn và đi cùng nó cho tới khi nó có vẻ suy yếu và sắp kết thúc.

Trong chiến lược này, bạn sử dụng 2 loại chỉ báo là đường Trung bình động Moving Average, định dạng Exponetial (EMA) và chỉ báo ADX. Hãy bật chỉ báo EMA12, EMA36 và ADX trên biểu đồ. Nếu chưa biết về hai chỉ báo này bạn hãy tìm đọc trên Investing.vn nhé.

Bước 1: Tại thời kỳ EMA12 đang ở dưới EMA36 một quãng dài (xu hướng giảm), chờ dấu hiện EMA12 cắt EMA36 từ dưới lên. Đây là một dấu hiệu cho thấy xu hướng tăng “có thể” sắp bắt đầu.

Chiến lược đi theo đà của xu hướng

Bước 2: Chờ giá hồi lại, chạm vào đường EMA12 và sau xuất hiện nến tăng đầu tiên thì Buy. Thông thường giá sẽ điều chỉnh lại trước khi tăng thật sự. Vì vậy, bạn mua ở điểm này tốt hơn ngay khi EMA12 vừa cắt lên.

Chiến lược đi theo đà của xu hướng
Giá điều chỉnh trước khi diễn ra một xu hướng tăng

Bước 3: Đặt chặn lỗ ở đường EMA36. Bạn không cần đặt chốt lời theo tỉ lệ mà sẽ theo dõi xu hướng.

Bước 4: Giữ lệnh và theo dõi chỉ báo ADX. ADX ở mức trung bình cho thấy xu hướng vẫn đang tồn tại. Nếu ADX tăng lên rồi lại giảm xuống dưới 40, đó có thể là dấu hiệu xu hướng sắp kết thúc. Bạn có thể chốt lời tại đây.

Chiến lược đi theo đà của xu hướng
Chốt lời thủ công với tín hiệu từ chỉ báo ADX

Trong nhiều tình huống, bạn có thể bắt được con sóng dài và đạt được tỉ lệ lợi nhuận cao. Lợi nhuận thu được của một lệnh thắng có thể gấp 2, gấp 3 lần lệnh thua hoặc thậm chí cao hơn.

Một số kinh nghiệm để bạn giao dịch tốt với chiến lược:

– Tìm hiểu kỹ về các khái niệm cơ bản như các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự, công dụng các chỉ báo…

– Sẵn sàng bỏ qua những cơ hội không ngon ăn nếu tín hiệu chưa đúng. Bạn có rất nhiều cơ hội mỗi ngày và đừng cố vào lệnh liên tục.

– Khi đã vào lệnh đừng bao giờ quên đặt chặn lỗ (Stoploss).

– Tuân thủ công thức của chiến lược và đừng tùy tiện thay đổi chúng nếu bạn chưa có lãi. Thay vào đó, hãy rèn luyện không ngừng để sử dụng chúng một cách thành thạo hơn.

Những chiến lược được giới thiệu tuy đơn giản, nhưng nếu bạn sử dụng tốt thì lợi ích mang lại không hề nhỏ. Chúc bạn thành công trong thị trường ngoại hối. Hãy đọc thêm nhiều bài viết tại Investing.vn để nâng cao hiểu biết của mình.

Xem danh sách broker uy tín và hỗ trợ nhà đầu tư tốt nhất tại Việt Nam tại đây.

Tham khảo các khóa học Forex miễn phí của Investing.vn

Investing.vn

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận