skip to Main Content

Death Cross và vai trò của nó trong xác định xu hướng thị trường

Death Cross – điểm giao cắt tử thần là một tín hiệu quan trọng trong việc xác định xu hướng thị trường, từ đó giúp trader xác định điểm mua và bán tối ưu trên đường giá. Death Cross có thể xuất hiện trên biểu đồ của một mã cổ phiếu đơn lẻ, hoặc một chỉ số chứng khoán, một cặp tiền trên thị trường forex, trái phiếu…Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu Death Cross là gì và cách sử dụng tín hiệu Death cross xác định xu hướng thị trường.

Death Cross là gì?

Death Cross – điểm giao cắt tử thần – là một chỉ báo kỹ thuật báo hiệu một một đợt bán tháo lớn sắp diễn ra, hay một xu hướng giảm. Death Cross xuất hiện khi đường trung bình động (MA) ngắn hạn giao cắt xuống với đường trung bình động (MA) dài hạn hoặc giao cắt xuống một mức hỗ trợ nào đó trên biểu đồ giá. Thông thường, các đường trung bình động phổ biến nhất được sử dụng trong mẫu này là đường trung bình động 50 ngày và 200 ngày. Nếu có khối lượng giao dịch bỗng dưng tăng mạnh (dấu hiệu nhà đầu tư đang bán tháo) thì đó sẽ là dấu hiệu xác nhận mạnh hơn cho xu hướng giảm.

death cross

Death Cross đã chứng minh nó là một dự báo đáng tin cậy khi dự báo chính xác một số thị trường gấu nghiêm trọng nhất trong thế kỷ qua, ở các năm 1929, 1938, 1974, và 2008. Nguồn gốc của tên Death Cross là do hình dạng chữ X khi xảy ra giao cắt của 2 đường trung bình động, đồng thời sau giao cắt này thì giá thường giảm sâu hơn, đầy vẻ “chết chóc” cho nhà đầu tư.

Khi giá tăng trở lại, đường trung bình động dài hạn sẽ đóng vai trò là kháng cự khi giá tăng lên và chạm vào đây.

Trái ngược với Death Cross là Golden Cross – điểm giao cắt vàng biểu thị sự dịch chuyển mạnh của phe bò, hay xu hướng tăng.

Cách sử dụng Death Cross xác định xu hướng

Death Cross xảy ra khi đường trung bình động ngắn hạn (thường là SMA 50 ngày) cắt xuống dưới đường trung bình động dài hạn (thường là SMA 200 ngày). Tín hiệu này được các nhà phân tích nhận định là báo hiệu một sự thay đổi dứt khoát của thị trường gấu và một giai đoạn suy thoái sắp xảy ra.

Cặp MA mà giới đầu tư tài chính tại Wall Street thường sử dụng là MA 50 và MA 200 bởi họ cho rằng khi 2 đường MA này cắt nhau, thị trường sẽ điều chỉnh sâu hơn. Tuy nhiên, tín hiệu Death Cross chính xác nhất khi nó đi kèm với khối lượng giao dịch. Nếu giá càng giảm và khối lượng giao dịch càng tăng thì đó là dấu hiệu của một xu hướng giảm khá rõ. Trong những giai đoạn này, phương pháp giao dịch hiệu quả là bán thuận theo xu hướng. Đối với các nhà giao dịch lướt sóng, Death Cross có thể được tạo ra từ những MA ngắn hạn hơn, ví dụ MA 5, MA 8… cắt xuống so với các MA dài hạn hơn như MA 21, MA 34…

Ngoài ra, Death Cross có thể được sử dụng cho các indicator khác mà bạn dùng như MACD, RSI…

Nhưng Death Cross không phải lúc nào cũng là một chỉ báo đáng tin cậy cho thấy thị trường tăng giá sắp kết thúc. Đã có nhiều lần Death Cross xuất hiện nhưng thị trường không đi theo xu hướng mà nó cảnh báo. Ví dụ như vào mùa hè năm 2016, khi điểm giao cắt tử thần xuất hiện, nhiều người đã nhanh chóng bán hết cổ phiếu của mình và bỏ lỡ mức tăng đáng kể của thị trường chứng khoán diễn ra trong suốt năm 2017.

Ví dụ về Death Cross

Sau đây là một ví dụ lịch sử về hai lần Death Cross xảy ra đối với cổ phiếu Facebook Inc. (FB) vào năm 2018. Sau khi Death cross xuất hiện lần đầu tiên vào tháng Tư, cổ phiếu giảm giá nhẹ nhưng sau đó nhanh chóng bắt đầu một đợt tăng giá kéo dài. Khi điểm giao cắt tử thần xuất hiện lần thứ hai trên biểu đồ giá vào tháng 9, báo hiệu một thị trường gấu kéo dài cho cổ phiếu Facebook.

death cross

Một ví dụ khác, vào ngày 25 tháng 10 năm 2019, một Death Cross đã xảy ra trên biểu đồ hàng ngày của Bitcoin, và nó đã đưa Bitcoin giảm từ $ 10.000 xuống mức thấp là $ 6.500, đánh dấu mức giảm gần 35%.

death cross

So sánh Death Cross và Golden Cross (Điểm giao cắt vàng)

Ngược lại với Death Cross, Golden Cross là điểm giao cắt vàng, xuất hiện khi đường MA 50 (MA ngắn hạn) cắt lên phía trên MA 200 (MA dài hạn). Kết hợp với việc khối lượng giao dịch tăng cao sẽ là tín hiệu xác nhận cho một đợt tăng giá.

Golden Cross cũng có thể kết hợp cùng một số indicator khác để tìm kiếm điểm vào lệnh và xác định các điểm quá mua, quá bán như MACD, RSI…

Những hạn chế khi sử dụng Death Cross

Giống như các chỉ báo kỹ thuật khác, cả hai chỉ báo này đều có độ trễ và không có chỉ số nào có thể dự đoán được tương lai. Như trong ví dụ biểu đồ Facebook ở trên, Death Cross đầu tiên tạo ra tín hiệu sai và một trader ngắn hạn vào thời điểm đó sẽ gặp một số rắc rối trong quá trình giao dịch của mình.

Do đó, để tránh trường hợp hai chỉ báo này cho tín hiệu sai, các trader nên xem xét các tín hiệu bổ sung trước khi quyết định đầu tư.

Chúc bạn thành công!

Investing.vn

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận