skip to Main Content

OneCoin-cú lừa Ponzi vĩ đại. Cảnh báo cho các nhà đầu tư tiền điện tử

OneCoin có lẽ là một trong những dự án tiền điện tử tốn nhiều giấy mực nhất của dư luận quốc tế cũng như Việt Nam. Dù đã bị vạch trần là dự án Ponzi trá hình, nhưng tại sao OneCoin vẫn có thể sống dai dẳng và được nhiều người đầu tư đến như vậy? Bài viết này sẽ giải thích cho các bạn khái niệm onecoin là gì và hình thức lừa đảo của nó như thế nào?

1. OneCoin là gì?

OneCoin là một đồng tiền kỹ thuật số có nguồn gốc tại Bulgaria và được tuyên bố sở hữu hệ thống Blockchain riêng. Dự án tiền ảo này được quảng bá rầm rộ bởi công ty trách nhiệm hữu hạn OneCoin (cấp phép kinh doanh ở Dubai) và OneLife Network Limited (cấp phép kinh doanh ở Belize), đứng đầu 2 tổ chức này không ai khác là “nữ hoàng tiền ảo” Ruja Ignatova. Giống như nhiều đồng tiền kỹ thuật số khác, OneCoin được khai thác thông qua hình thức đào coin hay còn được biết đến dưới tên gọi Cloud Mining.

2. OneCoin có lừa đảo không?

OneCoin không thực sự có blockchain

Phải công nhận là tiến sĩ kiêm doanh nhân Ruja Ignatova rất giỏi trong việc xây dựng thương hiệu và truyền thông marketing, không biết bao nhiêu nhà đầu tư bị lôi kéo vào mô hình lừa đảo khét tiếng để rồi “tiền mất tật mang”. Bằng cách tổ chức hàng loạt sự kiện truyền thông và talkshow rầm rộ nhưng đầy khéo léo cùng tham vọng hão huyền về một đồng tiền mã hóa sẽ “thay thế Bitcoin”, bà trùm này đã “lùa gà” được một số lượng đông đảo những người không rành về công nghệ, thậm chí không hiểu Blockchain là gì. 

OneCoin-cú lừa Ponzi vĩ đại. Cảnh báo cho các nhà đầu tư tiền điện tử

Thực chất OneCoin không hề được xây dựng dựa trên công nghệ blockchain, toàn bộ các chi tiết kỹ thuật (specs), và mã nguồn (source code) đều không được công khai phát hành thông qua nền tảng Github – vốn là cổng thông tin để lập trình viên tìm đọc mọi dự án tiền điện tử. Điều này đồng nghĩa công nghệ của OneCoin là công nghệ “đóng” chứ không hề mở theo định nghĩa về Blockchain mà chúng ta được biết. Do đó người đứng đầu dự án này có thể kiểm soát nguồn cung và giá tiền điện tử, nhưng các leader lại tuyên bố “chắc nịch” là giá OneCoin được xác định bởi thị trường.

Bitcoin được biết tới là đồng tiền không thể làm giả, không gây ra lạm phát cũng như không thể phát hành thêm (số lượng Bitcoin là hữu hạn với khoảng 21 triệu BTC và dự kiến được khai thác hết vào năm 2140). Trong khi đó, giả sử trong trường hợp OneCoin tăng giá, nhà sáng lập OneCoin nhiều khả năng sẽ lạm dụng và phát hành thêm 1 triệu đồng nữa để làm giàu cho mình, và điều này thì không ai có thể kiểm soát được. 

Các thành viên chủ chốt đều “dính chàm” trong các vụ lừa đảo Ponzi trước đó

Theo một số nguồn tin, Ruja Ignatova đã tốt nghiệp Khoa Luật của Đại học Oxford năm 2009, trong khi chính website của bà lại nói rằng bà ra trường năm 2004.

Ngoài thông tin mờ ám trên, chuyên gia Blockchain người Na Uy Bjorn Bjercke còn vạch trần bà trùm này đã bị kết án 24 tội danh lừa đảo ở Đức, bắt nguồn từ việc nhà máy Waltenhofen Steelworks phá sản năm 2012. Ruja cùng bố đẻ là chủ mưu cho hàng loạt tội danh từ biển thủ công quỹ của nhân viên và nhà cung cấp, lừa đảo ngân hàng, gian lận kế toán cho đến tháo chốt máy móc để vận chuyển lại Bulgaria. Kết quả là, bà trùm này đã bị kết án phải ngồi tù 1 năm 2 tháng. Tuy nhiên, Ruja đã không “rửa tay gác kiếm” và tiếp tục vướng vào vòng lao lý khi dấn thân vào mô hình lừa đảo tiền ảo.

Ngoài bà trùm, 2 nhân vật quyền lực khác tại OneCoin là Sebastian Greenwood và Nigel Allan, cũng đều có những “thành tích” lừa đảo lẫy lừng trong quá khứ. Chính Greenwood là đồng phạm của Ruja trong mạng lưới tiếp thị đa cấp có tên “BigCoin” năm 2014. Ngoài ra, trước đây Greenwood còn tiếp tay cho mô hình lừa đảo Ponzi khét tiếng là “Unaico” – dự án từng bị Ủy ban Chứng khoán Pakistan cảnh báo nhà đầu tư nên tránh giao dịch với công ty này. Còn Allan, cựu Chủ tịch của OneCoin, từng dính líu với các mô hình lừa đảo Ponzi tương tự có tên là “Crypto888” và “Brilliant Carbon”.

3. Cách thức lừa đảo của OneCoin

Nhà đầu tư sẽ dùng tiền thật để đăng ký tham gia dưới hình thức học online và tùy chọn các gói khác nhau từ 100 Euros – 27,000 euros. Mỗi gói (khóa học) sẽ cấp cho thành viên một số token tương ứng để đào OneCoin, quy đổi theo đơn vị Onetoken. Càng đông người tham gia thì việc đào coin càng khó khăn, số lượng token bỏ ra tương ứng cũng ngày càng nhiều lên. Để có cơ hội đào được OneCoin, bạn phải có thật nhiều token, đồng nghĩa với việc bạn phải “đóng tiền học” (bằng tiền thật – Euro) nhiều hơn. Ngoài ra, để tạo được độ uy tín của doanh nghiệp, dự án OneCoin được truyền thông là kinh doanh sản phẩm học thuật chứ không bán tiền mã hoá. 

OneCoin-cú lừa Ponzi vĩ đại. Cảnh báo cho các nhà đầu tư tiền điện tử

Như đã nói ở trên, OneCoin không có cơ chế blockchain thực sự, nên nhà sáng lập đồng tiền này hoàn toàn có thể phát hành bao nhiêu tùy thích, không chịu sự giới hạn như bitcoin hay các đồng tiền mã hóa khác. Nói cách khác, OneCoin rất dễ bị nhà sáng lập thao túng giá, tạo sự khan hiếm để kích thích người mua bỏ nhiều tiền “đầu tư” vào OneCoin nhiều hơn. 

4. Onecoin có được chấp nhận ở các nước?

Không có bất kỳ sàn giao dịch crypto uy tín ở Việt Nam hay thế giới công nhận giá trị của OneCoin. Đồng tiền mã hoá này cũng không góp mặt trong danh sách 500 coin được liệt kê trên CoinMarketCap. Ngoài ra, Onecoin cũng không được chấp nhận hoạt động ở bất kỳ quốc gia hay các công ty, tổ chức uy tín nào. Thậm chí, Onecoin còn bị CoinTelegraph – trang thông tin về tiền điện tử lớn nhất hiện nay cảnh báo lừa đảo. Trên thế giới cũng ghi nhận nhiều đường dây mua bán OneCoin bị bắt. Hiện nay nhiều nước đã đưa Onecoin vào danh sách đen cấm hoạt động như:

  • Đầu năm 2017, Cơ quan Giám sát dịch vụ tài chính liên bang Đức (BaFin) đóng băng tất cả tài khoản ngân hàng dùng để rửa tiền cho mạng lưới Onecoin với tổng cộng 29 triệu EURO. BaFin cũng lệnh cho hãng GmbH ngừng mọi giao dịch liên quan đến Onecoin. Đồng thời, OneLife Network Ltd và One Network Services Ltd cũng bị ra lệnh chấm dứt kinh doanh ở Đức.
  • Đầu năm 2016, Hiệp hội Bán hàng Trực tiếp của Na Uy cảnh báo Onecoin là mô hình Ponzi biến tướng.
  • Cảnh sát Ấn Độ đã từng bắt 18 người ở Navi Mumbai vì tổ chức sự kiện để chiêu mộ thành viên Onecoin.
  • Tháng 9/2018 Italia tuyên bố OneCoin là âm mưu lừa đảo mô hình Ponzi, ra mức phạt 2,5 triệu euro đồng thời tuyên bố Onecoin sẽ bị “ngừng hoạt động và cấm vĩnh viễn” tại quốc gia này.
  • Tháng 5/2018, chính quyền Trung quốc đã bắt hơn 100 nghi phạm và phá vỡ vụ án đa cấp tiền kỹ thuật số OneCoin có giá trị đến 15 tỷ nhân dân tệ (tương đương 2,4 tỷ USD).
  • Tại Bulgaria, quê nhà của OneCoin, Ủy ban Giám sát tài chính (FSC) cũng tuyên bố cảnh báo về các rủi ro của loại tiền kỹ thuật số đa cấp này
  • Tại Hungary, ngân hàng trung ương nước này đã ra thông cáo cảnh báo OneCoin là mô hình lừa đảo Ponzi.
  • Tháng 3/2017, Ngân hàng Quốc gia Croatia khuyên người dân thận trọng khi quyết định đầu tư liên quan đến OneCoin.
  • Ngày 28/4/2017, Ngân hàng Thái Lan phát đi thông cáo OneCoin là đồng tiền kỹ thuật số phi pháp và không được dùng trong giao dịch tài chính

5. Lừa đảo OneCoin ở Việt Nam

Mạng lưới Onecoin đã len lỏi vào Việt Nam từ đầu năm 2015 cùng những lời mời hấp dẫn về hình thức đầu tư sinh lời “khủng”, có khả năng sinh “lời gấp 10 lần”. Những khẩu hiệu hô hào về giấc mơ đổi đời hay trở thành tỷ phú trong thời gian ngắn liên tục được truyền bá. Có thể nói, những lời mời này đánh trúng vào tâm lý muốn giàu nhanh của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là những người “chân ướt chân ráo” mới tìm hiểu về tiền kỹ thuật số. Bằng cách này mô hình tiếp thị đa cấp Onecoin đã vươn vòi bạch tuộc bành trướng trên thị trường Việt Nam.

OneCoin-cú lừa Ponzi vĩ đại. Cảnh báo cho các nhà đầu tư tiền điện tử

Đáng chú ý, theo thông tin trên trang Vneconomy, Onecoin còn giả mạo giấy phép hoạt động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép kinh doanh tiền ảo hòng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Theo đó, ngày 19/6/2017, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được phản ánh của người dân về hiện tượng giả mạo văn bản của Bộ. Cụ thể, văn bản giả mạo này có số hiệu 116 ban hành ngày 16/6/2017 có nội dung là phúc đáp lại văn bản của Công ty Trident Crypto Academy tại Việt Nam về việc cho phép công ty này được kinh doanh tiền điện tử Onecoin. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, văn bản giả mạo có hình ảnh con dấu của Cục Quản lý đấu thầu, chữ ký của ông Nguyễn Đăng Trương với chức danh Chủ tịch, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu. Về việc này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, bản chụp văn bản nêu trên là giả.

Ngoài vụ việc nói trên, còn có rất nhiều trường lừa đảo Onecoin tại Việt Nam, tổng số tiền khách hàng bị chiếm đoạt lên đến hàng tỷ đồng và chưa thể thống kê hết. Nguy hiểm hơn, có những trường hợp giao dịch của các khách hàng “nhẹ dạ cả tin” là thỏa thuận bằng miệng mà không có bất cứ văn bảo nào xác nhận. Chính vì vậy, một khi các nhà đầu tư bị lừa sẽ không được pháp luật bảo hộ và cũng rất khó để đòi lại công bằng cho mình.

6. Lý do Onecoin vẫn thu hút nhiều người tham gia dù bị nghi án lừa đảo

Cộng đồng đông đảo 

OneCoin có một cộng đồng cực kỳ đông đảo ủng hộ trải dài khắp các châu lục, các leader đều có nền tảng và là thủ lĩnh bán hàng đa cấp, thậm chí nhiều người có tiếng nói và địa vị cao trong xã hội nên dễ dàng thu hút được không ít thành phần tham gia. Bằng việc xây dựng hình ảnh cá nhân tốt, mạng lưới networking rộng và khả năng sales đầy thuyết phục, nhà đầu tư rất dễ tin tưởng và không còn nghi ngờ, sau đó nhất mực hành động theo chỉ dẫn của leader. Tiếp đó là trung thành với tổ chức, với OneCoin, hoàn thành tốt nhiệm vụ lôi kéo người thân và bạn bè với mong muốn trở thành lứa leader mới với team của riêng mình. 

Lãi suất khủng

Nếu bạn vào những trang web hoặc hội nhóm OneCoin sẽ thấy rất nhiều quảng cáo hấp dẫn hiện ra. Những dòng quảng cáo này dễ đi vào lòng người khiến họ “mờ mắt” tham gia. Đặc biệt, những ai mời được người tham gia sẽ nhận được một khoản hoa hồng lên tới 10% thậm chí 25% giá trị của các gói đầu tư. 

Trong thời gian đầu, việc trả lãi luôn được thực hiện đều đặn, để cho nhà đầu tư tin tưởng vào hình thức này mà bỏ ngoài tai những lời can ngăn bên ngoài.

Hoạt động Marketing

Ngoài kích thích lòng tham bằng lãi suất hấp dẫn, Onecoin còn có nhiều hoạt động tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư như “One Awards” – lễ khen thưởng, vinh danh các doanh nhân thành công được mời đến tham dự sự kiện trao giải thưởng.

Ngoài ra có thể kể tới “One World Foundation” được biết đến là quỹ hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn nhờ vào quyên góp từ hoạt động của OneCoin. Dù tuyên bố One World Foundation đang “hỗ trợ” rất nhiều tổ chức và khẳng định có 73 trẻ em đã được “giúp đỡ”, nhưng không hề có thêm bất cứ thông tin xác minh nào được đưa ra cho đến thời điểm hiện tại.

Hy vọng qua những thông tin trên thì bạn có thể hiểu rõ được bản chất của Onecoin là gì, đồng thời bạn có thể hiểu được “lợi ích” mà Onecoin mang lại. Với những thông tin trên, bạn có thể thấy rằng khi đầu tư cho OneCoin bạn sẽ không hề thu lại giá trị gì từ khoản đầu tư của mình.

Investing.vn

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận