skip to Main Content

Nhận định sức khỏe doanh nghiệp, lựa chọn cổ phiếu đầu tư thông qua bảng cân đối kế toán (Balance Sheet)

Bảng cân đối kế toán là gì? Bảng cân đối kế toán có ý nghĩa gì đối với các nhà đầu tư chứng khoán trong việc nhận định sức khỏe của doanh nghiệp? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

I. Bảng cân đối kế toán là gì?

Bảng cân đối kế toán là một báo cáo tài chính ở một thời điểm nhất định. Nó là một bảng tóm tắt ngắn gọn về những gì mà doanh nghiệp có/sở hữu (tài sản) và những gì mà doanh nghiệp nợ (các khoản nợ) ở một thời điểm nhất định. Qua đó, phần nào phản ánh được tình hình tài chính và sức mạnh của công ty.

II. Bảng cân đối kế toán cho ta biết những gì?

Một bảng cân đối kế toán cung cấp những dữ liệu về tài sản dài hạn của doanh nghiệp (tài sản cố định), tài sản ngắn hạn (doanh nghiệp cho nợ những khoản nào), nợ ngắn hạn (những khoản doanh nghiệp nợ và phải trả trong thời gian ngắn), nợ dài hạn và vốn chủ sở hữu. Cụ thể kết cấu bảng cân đối kế toán được thể hiện như sau:

Kết cấu bảng cân đối kế toán

Bảng cân đối kế toán được chia làm 2 phần bao gồm:

  • Phần tài sản
  • Phần nguồn vốn
Tài sảnNguồn vốn
1. Tài sản ngắn hạn
– Tiền và tương đương tiền
– Đầu tư tài chính ngắn hạn
– Phải thu ngắn hạn
– Hàng tồn kho
– Tài sản ngắn hạn khác
1. Nợ phải trả ngắn hạn
– Phải trả ngắn hạn
– Người mua trả tiền trước
– Vay, nợ thuê tài chính ngắn hạn
– Dự phòng phải trả ngắn hạn
2. Nợ phải trả dài hạn
– Phải trả dài hạn
– Vay, nợ thuê tài chính dài hạn
– Dự phòng phải trả dài hạn
2. Tài sản dài hạn
– Tài sản cố định
– Phải thu dài hạn
– Đầu tư tài chính dài hạn
– Tài sản dài hạn khác
2. Vốn chủ sở hữu
– Vốn góp của chủ sở hữu
– Thặng dự vốn cổ phần
– Cổ phiếu quỹ
– Các quỹ (Quỹ đầu tư phát triển..)
– Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối

Trong đó:

  • Phần tài sản: phản ánh giá trị toàn bộ tài sản hiện có tại thời điểm lập báo cáo, thuộc quyền quản lý và sử dụng của doanh nghiệp. Tài sản lớn sẽ
  • Phần nguồn vốn: thể hiện quy mô và cơ cấu các nguồn vốn được huy động từ các nhà đầu tư. Thông qua đó có thể đánh giá một cách khái quát mức độ tự chủ về tài chính và khả năng rủi ro tài chính của doanh nghiệp.

Thông qua đó, có thể đánh giá một cách tổng quát quy mô vốn và mức độ phân bổ sử dụng vốn của doanh nghiệp.

III. Ứng dụng của Bảng cân đối kế toán trong đầu tư chứng khoán

Bảng cân đối kế toán rất hữu ích cho các nhà đầu tư vì chúng cho thấy giá trị thực sự của một doanh nghiệp. Đây là một tài liệu quan trọng phản ánh “sức khỏe” của một doanh nghiệp do nó thể hiện được tình hình tài sản hiện có của doanh nghiệp đang nắm giữ được phân bổ vào đâu. Các doanh nghiệp đang sử dụng đòn bẩy tài chính như thế nào? Số nợ của công ty là bao nhiêu? Vốn chủ sỡ hữu có gia tăng qua các thời kỳ hay không?

Nhận định sức khỏe doanh nghiệp, lựa chọn cổ phiếu đầu tư thông qua bảng cân đối kế toán

Trong đầu tư chứng khoán, các nhà đầu tư sẽ xem xét kĩ lưỡng bảng cân đối kế toán để tìm ra các cổ phiếu của doanh nghiệp tốt thông qua một số chỉ số phân tích về cơ cấu tài sản, cơ cấu nguồn vốn hay khả năng thanh toán.

1. Phân tích cơ cấu tài sản

Cơ cấu tài sản và nguồn vốn được tính toán bằng cách lấy các khoản mục nhỏ như tài sản ngắn hạn/tài sản dài hạn/hàng tồn kho chia cho tổng tài sản.

Đưa ra cơ cấu tài sản giúp người phân tích nhìn nhận được tỷ trọng phân bổ các loại tài sản trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp nhằm đưa ra các nhận xét hợp lý.

2. Phân tích cơ cấu nguồn vốn

Cơ cấu nguồn vốn được xem xét tổng quát bằng cách lấy các khoản mục nợ phải trả hay vốn chủ sở hữu chia cho tổng nguồn vốn. Từ việc này, người phân tích sẽ tìm ra được nguồn hình thành của các loại tài sản đến từ đâu, khả năng tự chủ tài chính của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của doanh nghiệp nếu vay nợ quá cao.

Từ đây, bạn có thể biết được doanh nghiệp đang vay nợ bao nhiêu thông qua hệ số nợ:

Hệ số nợ = Tổng nợ phải trả (bao gồm nợ ngắn hạn và dài hạn)/Tổng tài sản

3. Phân tích vòng quay tài sản

Khả năng sử dụng tài sản doanh nghiệp vào hoạt động kinh doanh thông qua chỉ số vòng quay tài sản (Chỉ số này càng cao càng tốt)

Vòng quay tài sản = Doanh thu thuần/Tổng tài sản bình quân

4. Phân tích khả năng thanh toán

Các chỉ số về khả năng thanh toán của doanh nghiệp chỉ ra doanh nghiệp liệu có khả năng thanh toán các khoản nợ hay không. Đây là chỉ số quan trọng giúp nhà phân tích phát hiện các doanh nghiệp có khả năng tài chính vững mạnh. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng nhìn vào các chỉ số này để xem xét có nên cho doanh nghiệp vay hay không.

Khả năng thanh toán tổng quát = Tài sản ngắn hạn (dài hạn)/Nợ phải trả

5. Khả năng thanh toán hiện hành

Chỉ số này thể hiện năng lực đáp ứng nghĩa vụ tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp. Chỉ số này càng cao càng thể hiện khả năng thanh toán nợ ngắn hạn tốt. Tuy nhiên, nếu ở mức quá cao đồng nghĩa doanh nghiệp đang nắm giữ số lượng lớn tài sản ngắn hạn lớn báo cho thấy hiệu quả sự dụng tài sản doanh nghiệp chưa cao. Với trường hợp hệ số này nhỏ hơn 1, tức giá trị tài sản ngắn hạn nhỏ hơn nợ ngắn hạn sẽ cho thấy khả năng thanh toán của doanh nghiệp có vấn đề. Doanh nghiệp phải sử dụng tài sản dài hạn để bù đắp cho khoản nợ ngắn hạn.

Khả năng thanh toán hiện hành = Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn

Bằng cách xem xét các mục này trên bảng cân đối kế toán và thực hiện một vài phép tính, bạn có thể tăng cơ hội đầu tư tốt và lựa chọn cho mình một doanh nghiệp mạnh cho danh mục đầu tư của mình.

IV. Hạn chế của bảng cân đối kế toán

Bảng cân đối kế toán giúp phản ánh giá trị sổ sách các tài sản, được lập theo nguyên tắc giá gốc nên khá khó để có được sự ăn khớp giữa giá trị tài sản theo sổ sách với giá trị tài sản trên thị trường.

Bảng cân đối kế toán chỉ phản ánh số liệu tại thời điểm lập báo cáo tài chính (thường là đầu kỳ hoặc cuối kỳ), chính vì vậy mà nếu chỉ dựa vào các con số trên bảng cân đối kế toán sẽ rất khó đánh giá sự vận động của các loại tài sản và nguồn vốn trong cả thời kỳ hay giai đoạn.

Với mỗi doanh nghiệp tại các thời điểm khác nhau thì cách thức tài trợ tài sản lưu động cũng sẽ có những sự khác biệt. Thông qua việc xem xét các mối quan hệ trong bảng cân đối kế toán, nhà quản trị có thể đánh giá trình hình tài chính của doanh nghiệp và quyết định có nên đầu tư vào cổ phiếu đó hay không? Ngoài ra, việc sử dụng kết hợp các dữ liệu khác cũng góp phần nâng cao tính chính xác cho dự đoán đầu tư và tính hiệu quả của quá trình đánh giá doanh nghiệp. Chúc các bạn thành công!

Investing.vn

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận