skip to Main Content

Equity trên MT4 là gì? Phân biệt Equity với Balance

Đối với nhà đầu tư forex, thuật ngữ equity có lẽ sẽ không còn quá xa lạ bởi các bạn sẽ luôn nhìn thấy nó mỗi khi giao dịch trên phần mềm giao dịch như MT4. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư mới, khái niệm equity vẫn còn khá mơ hồ và chưa thể phân biệt nó với số dư tài khoản (Balance). Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải thích cho bạn equity là gì, cách tính equity và mối liên hệ của nó với các khái niệm khác.

Equity trên MT4 là gì?

Trên phần mềm MT4, Equity xuất hiện cùng với một số khái niệm khác tại cửa sổ Terminal, mục Trade, là nơi mà nhà đầu tư sẽ theo dõi tình hình tài khoản hiện tại và các lệnh giao dịch đang mở.

Equity (hay vốn chủ sở hữu) chính là giá trị hiện tại của tài khoản giao dịch. Khi có lệnh đang mở, Equity là tổng của số dư tài khoản cộng với lãi/lỗ của các lệnh đang mở. Do đó, Equity sẽ không cố định mà thay đổi liên tục.

Cách tính Equity:

Equity = Số dư + Lãi/lỗ của các lệnh đang mở

Equity là gì? Phân biệt Equity với Balance

Sự khác biệt giữa Equity và Balance là gì?

Sự khác biệt lớn nhất giữa Balance và Equity đó chính là việc Balance sẽ cố định trong suốt quá trình các lệnh giao dịch được mở. Equity thì thay đổi liên tục.

Balance (Số dư tài khoản) là số tiền hiện có trong tài khoản giao dịch. Khi mở một tài khoản mới, Balance chính là số tiền nạp vào tài khoản lần đầu tiên. Giá trị của Balance chỉ thay đổi cho đến khi nhà đầu tư đóng tất cả các lệnh thì Balance sẽ được cập nhật bằng cách cộng thêm/trừ đi phần lợi nhuận/thua lỗ.

Ví dụ:  Bạn nạp 500$ vào tài khoản forex. Khi đó, Balance = Equity = 500$. Sau đó, bạn mở 1 giao dịch Mua EUR/USD:

  • Nếu giao dịch đó đang lỗ 10$: Equity = 490$. Balance = 500$
  • Nếu giao dịch đó đang lãi 5$, Equity = 505$. Balance = 500$
  • Nếu bạn quyết định đóng lệnh ở mức lãi 8$, khi đó Balance = 508$.

Do vậy, có thể hiểu:

  • Khi không có vị thế đang hoạt động, lãi/lỗ khi đó bằng 0. Do đó, Equity = Balance.
  • Khi có vị thế đang hoạt động, nếu các giao dịch của bạn đang có lãi, Equity sẽ lớn hơn Balance. Ngược lại, khi vị thế đang mở đang lỗ, Equity sẽ nhỏ hơn balance.

Trên thực tế, các nhà giao dịch mới dễ nhầm lẫn 2 khái niệm này với nhau thường có tâm lý chung là:

  • Nhìn vào Balance khi tài khoản bị âm với hy vọng sẽ gồng lỗ cho tới khi Equity về cân bằng với Balance rồi đóng lệnh.
  • Hoặc nhìn vào Equity khi tài khoản có lợi nhuận và hy vọng tài khoản sẽ còn tiếp tục tăng lên nhiều nữa.

Do đó, việc phân biệt rõ Equity và Balance sẽ giúp bạn tránh được những sai lầm ảnh hưởng đến tâm lý giao dịch và kết quả giao dịch của bạn.

Equity có ý nghĩa như thế nào trong tài khoản forex MT4?

Equity thể hiện giá trị tài khoản theo thời gian thực nên nó phản ánh tình trạng tài khoản của bạn đang hoạt động tốt hay không. Khi equity lớn hơn balance, nghĩa là bạn đang giao dịch tốt. Ngược lại, khi equity nhỏ hơn balance, nghĩa là bạn cần phải đề phòng trước các nguy cơ rủi ro cho tài khoản.

Equity có ảnh hưởng trực tiếp tới Margin call và các khái niệm khác trong tài khoản forex của bạn như sau:

  • Equity ảnh hưởng tới Free margin. Khi có vị thế đang mở trên tài khoản của bạn, dựa vào equity hệ thống sẽ hiển thị số dư còn lại trong tài khoản có thể dùng để mở lệnh mới. Số dư đó gọi là Free Margin.

Free Margin = Equity – Used Margin 

  • Equity cũng ảnh hưởng tới tỷ lệ ký quỹ.

Margin Level = (Equity/Used Margin)*100% 

Khi vốn chủ sở hữu bằng với số tiền ký quỹ đã sử dụng, khi đó số dư để mở tài khoản bằng 0, và tỷ lệ ký quỹ sẽ là 100%. Lúc này bạn không thể mở thêm bất kỳ lệnh mới nào nữa.

Nếu tỷ lệ ký quỹ ở dưới mức 100%, lệnh gọi ký quỹ có thể xuất hiện yêu cầu bạn nạp thêm tiền vào tài khoản hoặc đóng bớt các giao dịch đang thua lỗ. Nếu không thực hiện một trong hai yêu cầu trên, giao dịch tiếp tục thua lỗ, tỷ lệ ký quỹ tiếp tục giảm (thường ở mức 30%), broker có thể tự động đóng tất cả các giao dịch đang mở của bạn. Tình huống này được gọi là Stop out.

Nói tóm lại, việc nắm rõ các khái niệm căn bản là một trong những bước đầu tiên khi tham gia vào thị trường forex. Điều này vô cùng quan trong vì nó sẽ giúp bạn tránh được những sai lầm không đáng có trong quá trình giao dịch. Ở bài viết sau, chúng tôi sẽ tiếp tục giúp các bạn làm rõ hơn các khái niệm khác. Chúc các bạn giao dịch thành công!

Investing.vn

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận