skip to Main Content

Chỉ số P/E có ý nghĩa như thế nào đối với các nhà đầu tư chứng khoán?

Hệ số P/E là một trong những công cụ được sử dụng phổ biến bởi các nhà đầu tư chứng khoán nhằm lựa chọn ra cổ phiếu phù hợp để đầu tư. Vậy, tỷ lệ P/E là gì và nó có ý nghĩa như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

Xem thêm: Hệ số beta (β) là gì? Ý nghĩa của beta trong đầu tư chứng khoán

Tỷ lệ giá trên thu nhập là gì?

Tỷ lệ giá/thu nhập hay tỷ lệ P/E (price-earning ratio) là tỷ lệ được dùng để đánh giá kết quả kinh doanh hay lợi nhuận thu được của một công ty phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Đây là một trong những chỉ số phân tích quan trọng trong quyết định đầu tư chứng khoán.

Để xác định giá trị P/E, người ta chỉ cần chia giá cổ phiếu hiện tại cho thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS). Công thức cụ thể như sau:

P/E = Giá cổ phiếu hiện tại / EPS

Trong đó: EPS = Lợi nhuận sau thuế / số cổ phiếu đang lưu hành

Tỷ lệ giá trên thu nhập (P/E) có ý nghĩa như thế nào trong đầu tư chứng khoán

P/E cho thấy giá cổ phiếu hiện tại cao hơn thu nhập từ cổ phiếu đó bao nhiêu lần, hay nhà đầu tư phải trả giá cho một đô la lợi nhuận là bao nhiêu.

Ví dụ: Nếu giá cổ phiếu hiện tại của một công ty là 80 đô la. Lợi nhuận của công ty trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31 tháng 1 năm 2020 là 13 tỷ USD và số lượng cổ phiếu đang lưu hành là 3,1 tỷ. Lợi nhuận tính trên mỗi cổ phần (EPS) là 13 / 3,1 = 4,19. Theo đó, tỷ lệ P/E sẽ là 80 / 4,19 = 19. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư chịu bỏ ra 19 đồng để nhận được 1 đồng đô-la từ cổ phiếu này.

Tuy nhiên, P/E thường phản ánh kỳ vọng của thị trường về sự tăng trưởng của cổ phiếu hơn là kết quả làm ăn đã qua.

Lưu ý:

P/E là một chỉ số đơn giản và rất dễ tính toán, cũng như công cụ định giá hiệu quả trong đầu tư, nhưng bạn cần vài lưu ý sau:

  • EPS có thể âm và P/E không có một ý nghĩa kinh tế khi mẫu số âm, do đó bạn phải sử dụng các công cụ định giá khác
  • Lợi nhuận dễ biến động, và dễ bóp méo do đó P/E cũng dễ biến động hay bóp méo => Nên đánh giá P/E qua thời gian dài từ 3-5 năm

Phân loại chỉ số P/E

Có 2 loại tỷ lệ P/E phổ biến nhất đó làTrailing P/E và Forward P/E. Trong đó:

Trailing P/E: phụ thuộc vào hiệu suất trong quá khứ bằng cách chia giá cổ phiếu hiện tại cho tổng thu nhập EPS trong 12 tháng qua. Đây là số liệu P/E phổ biến nhất vì đây là số liệu khách quan nhất – giả sử công ty báo cáo thu nhập chính xác. Một số nhà đầu tư thích xem xét Trailing P/E hơn là Forward P/E vì họ không tin tưởng vào các dữ liệu ước tính thu nhập. Nhưng P/E cũng có một nhược điểm đó là hiệu suất trong quá khứ của công ty không báo hiệu hành vi trong tương lai.

Tỷ lệ giá trên thu nhập (P/E) có ý nghĩa như thế nào trong đầu tư chứng khoán

Forward P/E (P/E định hướng hoặc P/E kế hoạch): sử dụng dữ liệu dự đoán thu nhập trong tương lai thay vì kết quả trong quá khứ. Hệ số P/E định hướng này rất hữu ích trong việc dự đoán triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, những dữ liệu này đều là tính toán ước lượng, do đó không phải lúc nào cũng hoàn hảo và chính xác. Các công ty có thể phóng đại dự toán và tạo ra sự nhầm lẫn, khiến các nhà đầu tư không thể đánh giá chính xác một công ty.

Thực tế là tỷ lệ Trailing P/E sẽ thay đổi khi giá cổ phiếu thay đổi, vì giá cổ phiếu biến động liên tục. Do đó, một số nhà đầu tư lại yêu thích hệ số Forward P/E. Nếu tỷ lệ Forward P/E thấp hơn tỷ lệ Trailing P/E, điều đó có nghĩa là các nhà phân tích đang dự đoán thu nhập sẽ tăng; nếu Forward P/E cao hơn tỷ lệ Trailing P/E, các nhà phân tích dự kiến ​​thu nhập của công ty sẽ giảm.

Chỉ số giá trên thu nhập (P/E) cho ta biết điều gì?

Hệ số giá trên thu nhập (P/E) là một trong những chỉ số phân tích quan trọng trong quyết định đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư, giúp đo lường mối quan hệ giữa giá thị trường (Market Price – P) và thu nhập của mỗi cổ phiếu (Earning Per Share – EPS).

Khi triển vọng của một công ty được thị chứng khoán coi là tốt đẹp, thì có nhiều khả năng giá cổ phiếu của công ty đó sẽ tăng lên trên mức bình thường và tỷ lệ giá/thu nhập cao và ngược lại.

1. Định giá cổ phiếu (dựa vào Trailing P/E)

Kết hợp P/E để đánh giá giá trị cổ phiếu tốt hơn hẳn so với việc sử dụng đơn thuần giá trị thị trường của cố phiếu đó. Ví dụ: nếu các yếu tố khác là tương tự nhau, một cổ phiếu có giá $100 và P/E là 30 sẽ đắt hơn một cổ phần trị giá $100 nhưng có tỷ lệ P/E chỉ là 15.

Hoặc như bạn nhận thấy cổ phiếu A không được giao dịch sôi động trên thị trường, bạn có thể đánh giá cổ phiếu đó có bị định giá thấp hay không bằng cách nhìn vào hệ số P/E được công bố đối với nhóm các loại cổ phiếu tương tự với cổ phiếu A, sau đó nhân thu nhập của công ty với hệ số P/E sẽ cho chúng ta giá của loại cổ phiếu A.

Điều này có nghĩa sử dụng P/E để phân tích cũng sẽ có hạn chế nhất định, bạn không thể so sánh tỷ lệ P/E của 2 công ty quá khác biệt nhau để quyết định rằng công ty nào có giá trị tốt hơn. Hệ số P/E rất khác nhau giữa các công ty và các ngành, lĩnh vực kinh doanh. Sẽ rất khó để có thể quyết định rằng một chỉ số P/E nào đó là cao hay thấp nếu như không tính toán đến yếu tố ngành kinh doanh.

Việc so sánh các công ty với nhau chỉ thực sự hữu dụng khi các công ty đó nằm trong cùng một ngành kinh doanh. Ví dụ, các doanh nghiệp hay thực thể kinh doanh thường có số nhân (multiple) thấp bởi các doanh nghiệp này hoạt động trong ngành kinh doanh có tốc độ tăng trưởng thấp và tương đối ổn định. Ngược lại, ngành công nghệ là một ngành có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc và liên tục có sự đổi mới. Việc so sánh các công ty công nghệ này so với các thực thể kinh doanh nói trên sẽ chẳng cho bạn thấy được điều gì. Bạn chỉ nên so sánh các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh với các doanh nghiệp khác trong cùng ngành kinh doanh, hoặc so sánh các chỉ tiêu của doanh nghiệp với các chỉ tiêu bình quân ngành.

2. Triển vọng tăng trưởng (dựa vào Forward P/E)

Mặc dù số liệu EPS trong công thức tính P/E thường dựa chủ yếu vào lợi nhuận ròng từ hoạt động kinh doanh của công ty trong 4 quý trước đó nhưng P/E cũng không chỉ đơn thuần là thước đo về hiệu quả hoạt động của công ty trong quá khứ. Kỳ vọng của thị trường về sự phát triển của công ty cũng là một nhân tố được tính tới trong chỉ số này. Nên nhớ rằng, giá cổ phiếu của một công ty sẽ phản ánh nhận định của các nhà đầu tư về giá trị của công ty đó.

Tiềm năng phát triển trong tương lai cũng được tính tới khi định giá cổ phiếu. Do đó, một cách tốt hơn để lý giải tỉ lệ P/E đó là P/E là sự phản ánh mức độ lạc quan cũng như kì vọng của thị trường về khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai.

Nếu một công ty có hệ số P/E cao hơn mức trung bình của toàn bộ thị trường mức bình quân ngành, điều này có nghĩa là thị trường đang kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng tốt của công ty trong một thời gian tới, có thể là vài tháng hoặc vài năm nữa. Một công ty có hệ số P/E cao cuối cùng sẽ phải “xứng đáng với kì vọng của thị trường” thể hiện thông qua sự tăng trưởng lớn về lợi nhuận hoạt động, nếu không chắc chắn giá cổ phiếu của công ty đó sẽ giảm.

P/E là một công cụ dùng để xác định một cổ phiếu bị định giá thấp hay cao hơn so với giá trị thực của nó, cùng với đó là triển vọng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, P/E chỉ là một hệ số tương đối, nhà đầu tư cũng cần phải đánh giá thêm các chỉ số tài chính khác có liên quan mang tính kĩ thuật nhiều hơn để có thể đưa ra nhận định chính xác về một cổ phiếu nào đó. Chúc các bạn thành công!

Investing.vn

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận