skip to Main Content

Tìm hiểu về các quy định ngoại hối tại Việt Nam

Việt Nam đã từng có những thời kỳ cấm giao dịch ngoại hối. Tuy nhiên, hiện nay quy định ngoại hối tại Việt Nam đã mở cửa tạo điều kiện cho các nhà giao dịch được tự do giao dịch hơn. Vậy những quy định ngoại hối đó dựa vào những văn bản nào? Những trường hợp giao dịch ngoại hối như thế nào được quy định?… Bài viết này sẽ cùng trao đổi về những quy định ngoại hối tại Việt Nam để bạn đọc tham khảo.

Các văn bản pháp lý quy định ngoại hối tại Việt Nam 

Tìm hiểu về các quy định ngoại hối tại Việt Nam1. Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 ngày 13/12/2005 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

2. Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối số 06/2013/PL-UBTVQH13 ngày 18/3/2013

3. Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối  (thay thế Nghị định số 160/2006/NĐ – CP)

4. Thông tư số 16/2014/TT-NHNN Hướng dẫn sử dụng tài khoản ngoại tệ, tài khoản đồng Việt Nam của người cư trú, người không cư trú tại ngân hàng được phép.

5. Thông tư số 21/2014/TT-NHNN Hướng dẫn về phạm vi hoạt động ngoại hối, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

… và một số văn bản pháp luật liên quan khác.

Để xem nội dung chi tiết của các quy định ngoại hối trên, bạn có thể tải về TẠI ĐÂY.

Các trường hợp được phép sử dụng ngoại hối theo quy định tại Việt Nam 

Tìm hiểu về các quy định ngoại hối tại Việt NamTheo Điều 4 Thông tư số 32/2013/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung năm 2015), quy định ngoại hối tại Việt Nam cho phép 17 trường hợp được sử dụng ngoại hối bao gồm:

1. Các cơ quan hải quan, công an, bộ đội biên phòng và các cơ quan Nhà nước

2. Các ngân hàng, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối (sau đây gọi tắt là tổ chức tín dụng được phép)

3. Tổ chức khác được phép cung ứng dịch vụ ngoại hối được giao dịch và niêm yết bằng ngoại tệ trong phạm vi cung ứng dịch vụ ngoại hối đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

4. Người cư trú là tổ chức có tư cách pháp nhân được điều chuyển vốn nội bộ bằng ngoại tệ chuyển khoản giữa tài khoản của tổ chức đó với tài khoản của đơn vị phụ thuộc không có tư cách pháp nhân và ngược lại.

5. Người cư trú được góp vốn bằng ngoại tệ chuyển khoản để thực hiện dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

6. Người cư trú thực hiện hợp đồng ủy thác nhập khẩu, xuất khẩu.

7. Người cư trú là nhà thầu trong nước, nhà thầu nước ngoài.

8. Người cư trú là doanh nghiệp bảo hiểm.

9. Người cư trú là tổ chức kinh doanh hàng miễn thuế.

10. Người cư trú là tổ chức cung ứng dịch vụ ở khu cách ly tại các cửa khẩu quốc tế, tổ chức kinh doanh kho ngoại quan.

11. Người cư trú là tổ chức làm đại lý cho hãng vận tải nước ngoài trên cơ sở hợp đồng đại lý ký kết giữa hai bên.

12. Người cư trú là doanh nghiệp chế xuất.

13. Người cư trú là tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực vận chuyển hàng không, khách sạn, du lịch.

14. Người cư trú, người không cư trú là tổ chức được thỏa thuận và trả lương, thưởng, phụ cấp trong hợp đồng lao động bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt cho người không cư trú và người cư trú là người nước ngoài làm việc cho chính tổ chức đó.

15. Người không cư trú là cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự được niêm yết bằng ngoại tệ và thu phí thị thực xuất nhập cảnh, các loại phí, lệ phí khác bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt.

16. Người không cư trú thực hiện theo quy định sau:

a) Được chuyển khoản bằng ngoại tệ cho người không cư trú khác;

b) Được ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán tiền xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ chuyển khoản cho người cư trú. Người cư trú được báo giá, định giá bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người không cư trú.

17. Đối với các trường hợp liên quan đến an ninh, quốc phòng, dầu khí và các trường hợp cần thiết khác, tổ chức được phép sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chấp thuận bằng văn bản căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất cần thiết của từng trường hợp theo hồ sơ, trình tự, thủ tục quy định.

Tất cả các trường hợp trên được quy định ngoại hối ghi rõ chi tiết cho từng trường hợp được phép sử dụng, giao dịch ngoại hối, tất cả phải được thực hiện theo quy định của pháp luật. Để xem chi tiết các quy định ngoại hối này, các bạn tham khảo các văn bản trong file đính kèm ở phần 1.

Chế tài xử lý vi phạm theo các quy định ngoại hối tại Việt Nam

Tìm hiểu về các quy định ngoại hối tại Việt NamTheo các quy định ngoại hối, chế tài xử lý vi phạm tùy thuộc vào hành vi vi phạm, tính chất hay mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có đưa ra một số hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt như sau:

– Phạt 40 đến 80 triệu đồng cho hành vi: mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau; mua, bán ngoại tệ không đúng tỷ giá quy định của Ngân hàng Nhà nước; chuyển, mang ngoại tệ, đồng Việt Nam ra nước ngoài, vào Việt Nam không đúng quy định của pháp luật.

– Phạt tiền từ 80 đến 100 triệu đồng nếu mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ.

– Phạt tiền từ 200 đến 250 triệu đồng với hành vi thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng quy định pháp luật; kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh tỷ giá, ngoại hối không đúng quy định của pháp luật; giao dịch, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận, niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các quy định ngoại hối có thể xử phạt bổ sung là tịch thu ngoại tệ, đồng Việt Nam với hành vi: chuyển, mang ngoại tệ, đồng Việt Nam ra nước ngoài, vào Việt Nam không đúng quy định của pháp luật; hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ được quy định tại điểm a khoản 8 Nghị định 96/2014/NĐ-CP.

Ngoài ra, với hành vi kinh doanh ngoại hối trái phép gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000đ trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm i khoản 1 điều 206 Bộ luật Hình sự hiện hành.

Trên đây là một số nội dung về quy định ngoại hối tại Việt Nam. Tuy nhiên, để nắm được chi tiết từng quy định cho từng trường hợp theo pháp luật, các bạn cần tham khảo các văn bản pháp luật đầy đủ.

Investing.vn

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận