skip to Main Content

Xác định khả năng chấp nhận rủi ro (Risk Tolerance) trong đầu tư chứng khoán

  1. Quản lý vốn trong đầu tư chứng khoán (Level 4)
  2. Tầm quan trọng của quản lý vốn trong đầu tư chứng khoán
  3. Bảng cân đối tài chính cá nhân là gì ? Xây dựng bảng cân đối tài chính cá nhân
  4. Phân bổ nguồn vốn cá nhân vào đầu tư chứng khoán
  5. Xác định mục tiêu tài chính khi đầu tư chứng khoán
  6. Xác định khả năng chấp nhận rủi ro (Risk Tolerance) trong đầu tư chứng khoán
  7. Quy tắc 2% trong đầu tư chứng khoán
  8. Xác định điểm đặt chặn lỗ trong đầu tư chứng khoán
  9. Quản lý danh mục đầu tư để đầu tư hiệu quả

Trong đầu tư chứng khoán, rủi ro là điều không thể tránh khỏi. Biết cách xác định mức độ rủi ro sẽ giúp bạn quản lý danh mục và đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn, phù hợp với bản thân. Và trong bài học này, chúng tôi sẽ giúp các bạn tìm hiểu về khả năng chấp nhận rủi ro (Risk Tolerance) trong đầu tư chứng khoán.

Khả năng chấp nhận rủi ro (Risk Tolerance) là gì?

Xác định khả năng chấp nhận rủi ro (Risk Tolerance) trong đầu tư chứng khoán

Khả năng chấp nhận rủi ro ̣(Risk Tolerance) là thước đo để đánh giá khả năng sẵn sàng chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư. Việc xác định khả năng chấp nhận rủi ro sẽ giúp các nhà đầu tư lượng hóa được các quyết định đầu tư của mình, thay vì những quyết định mang tính cảm tính.

Xác định khả năng chấp nhận rủi ro của bạn

Tùy thuộc vào các yếu tố như độ tuổi, thu nhập hàng tháng, mức độ ổn định của thu nhập, mức độ chi tiêu so với thu nhập, khối lượng tài sản cá nhân, thời gian thực hiện các mục tiêu, kiến thức…, các nhà đầu tư có khả năng chấp nhận rủi ro khác nhau.

Xác định khả năng chấp nhận rủi ro (Risk Tolerance) trong đầu tư chứng khoán

Thông thường, khả năng chấp nhận rủi ro được phân theo 3 mức độ:

  • Khả năng chấp nhận rủi ro cao (Aggressive Risk Tolerance)
  • Khả năng chấp nhận rủi ro trung bình (Moderate Risk Tolerance)
  • Khả năng chấp nhận rủi ro thấp (Conservative Risk Tolerance)

Ví dụ: 

  • Thông thường, những người trẻ mới tham gia vào thị trường tài chính thường có xu hướng giao dịch tích cực và sức chịu đựng rủi ro cao. Trong khi đó, các nhà đầu tư lớn tuổi hơn có xu hướng giảm khả năng chấp nhận rủi ro xuống còn mức thấp hơn.
  • Hoặc những người có số vốn đầu tư lớn nhưng mức độ giao dịch nhiều với khối lượng cao sẽ có khả năng chịu đựng rủi ro thấp hơn so với một người có số vốn tương đương nhưng nhu cầu đầu tư thấp hơn.
  • Hoặc xét theo phong cách đầu tư, các nhà đầu tư ngắn hạn có mức độ rủi ro thấp hơn các nhà đầu tư dài hạn.

Khả năng chấp nhận rủi ro thường liên quan đến các yếu tố về tâm lý của nhà đầu tư. Chỉ tiêu này thường được đánh giá dựa trên tỷ trọng của các tài sản rủi ro mà nhà đầu tư muốn trong danh mục của mình.

Ví dụ: một người muốn phân bổ 60% tài sản vào cổ phiếu là người có mức độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao hơn nhà đầu tư chỉ muốn giữ 10% cổ phiếu và 90% là trái phiếu chính phủ.

Quản lý vốn dựa theo khả năng chấp nhận rủi ro

1. Khả năng chấp nhận rủi ro cao

Các nhà giao dịch tích cực (aggressive investor) thường là những người có hiểu biết rõ về xu hướng thị trường và đầu tư chứng khoán. Điều này cho phép họ giao dịch với những công cụ có mức độ biến động cao, chẳng hạn như các công ty vốn hóa nhỏ hay hợp đồng quyền chọn mang tính rủi ro cao. Với những nhà đầu tư này, lợi nhuận và rủi ro đều đặt ở mức tối đa.

Nói một cách đơn giản, các nhà đầu tư chứng khoán có khả năng chấp nhận rủi ro cao thường đặt tất cả số vốn của mình vào thị trường cổ phiếu, thay vì phân bổ danh mục cho trái phiếu hay các tài sản khác để hạn chế rủi ro. Họ thường ưa thích đầu tư vào các khu vực tăng trưởng cao trên thế giới, chẳng hạn như các thị trường mới nổi, các nước BRIC hoặc các nước châu Á trừ Nhật Bản.

Việc sở hữu 100% cổ phiếu trong danh mục đầu tư của mình cũng đồng nghĩa với tỷ lệ rủi ro cao. Chính thì thế, nhiều trader lựa chọn rót tiền vào quỹ tương hỗ với hàng chục, hàng trăm cổ phiếu khác nhau.

2. Khả năng chấp nhận rủi ro trung bình

Các nhà giao dịch ưa thích rủi ro trung bình thường kết hợp việc phân bổ danh mục đầu tư và cân bằng thời gian đầu tư với nhau. Nói một cách cụ thể, thay vì “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, các nhà đầu tư sẽ kết hợp nhiều loại tài sản khác nhau như: cổ phiếu, quỹ tương hỗ và trái phiếu. Thời gian đầu tư thường là trung hạn, kéo dài từ 5-10 năm.

Nhà đầu tư yêu thích mức độ rủi ro trung bình thường theo đuổi cấu trúc 50/50, với một nửa danh mục là quỹ đầu tư tăng trưởng hay cổ phiếu trả cổ tức hoặc các quỹ được quản lí với chứng khoán vốn hóa lớn.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn thu hút các nhà đầu tư này vì các công ty đó là các doanh nghiệp phát triển có tỷ lệ chi trả cổ tức ổn định.

3. Khả năng chấp nhận rủi ro thấp

Các nhà đầu tư bảo thủ (conservative investor) với khả năng chấp nhận rủi ro thấp thường ưu tiên bảo toàn vốn hơn là lợi nhuận thị trường, sẵn sàng chấp nhận ít hoặc không có biến động trong danh mục đầu tư của họ.

Chính vì thế, nhà đầu tư bảo thủ thường tìm cách bảo vệ giá trị của danh mục đầu tư bằng cách mua các chứng khoán có rủi ro thấp hơn như chứng khoán có thu nhập cố định, chứng khoán nợ ngắn hạn, cổ phiếu blue-chip hoặc cổ phiếu của công ty có vốn hóa lớn hay các chứng chỉ tiền gửi (CD) để có thu nhập và bảo toàn vốn.

So với các nhà đầu tư tích cực hay nhà đầu tư yêu thích rủi ro trung bình, nhà đầu tư bảo thủ kiếm được lợi nhuận ít hơn nhiều. Nhưng với ưu điểm an toàn, phong cách giao dịch này được khuyến khích cho những người gần đến tuổi nghỉ hưu.

Là một nhà đầu tư, bạn cần xem xét khoản lợi nhuận & thua lỗ ngay trong những tình huống xấu nhất theo từng loại tài sản, để từ đó tính toán khả năng chấp nhận rủi ro của chính bạn. Qua đó, bạn có thể định hướng phong cách giao dịch và đưa ra quyết định chính xác và hiệu quả hơn.

Investing.vn

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận