skip to Main Content

“Warren Buffett mới” Seth Klarman kiếm cả tỷ USD từ những quy tắc lựa chọn cổ phiếu đơn giản đến khó tin

Giống như nhà đầu tư lão làng Warren Buffett, triết lý đầu tư của Seth Klarman chịu ảnh hưởng nhiều từ Benjamin Graham. Bản thân ông từng nói: “Nếu Warren Buffett là học trò của Benjamin Graham thì ngày nay chúng tôi là những học trò của Warren Buffett”.

Seth Klarman.1

Tỷ phú đầu tư giá trị Seth Klarman là một trong những nhà quản lý quỹ đầu tư thành công nhất hiện nay. Ông chính là người đứng đầu của Baupost Group đặt trụ sở tại Boston – một trong những quỹ phòng hộ lớn nhất với quy mô tài sản khoảng 32 tỷ USD, chuyên tập trung tìm kiếm vào những khoản đầu tư mang lại giá trị cao trong dài hạn.

Cùng chịu ảnh hướng từ triết lý của huyền thoại Benjamin Graham, nhiều tờ báo đã ví von Seth Klarman là “Buffett thế hệ kế tiếp” hay “Nhà hiền triết xứ Boston” – tương tự như cách gọi “Nhà hiền triết xứ Omaha” của Buffett.

Thủa niên thiếu, ông đã tốt nghiệp trường Harvard và từng làm việc cho quỹ Mutual Shares. Ông cũng chính là tác giả cuốn sách “Margin of Safety, Risk Averse Investing Strategies for the Thoughtful Investor”(Tạm dịch là “Biên độ an toàn, Những chiến lược đầu tư phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư cẩn trọng”), cuốn sách đã trở thành tác phẩm kinh điển về đầu tư giá trị kể từ khi nó xuất bản lần đầu năm 1991. Kể từ khi thành lập quỹ của ông vào năm 1983, ông đã giúp tài sản ròng của các nhà đầu tư tăng 22,6 tỷ USD.

Seth cũng là một trong những người quản lý quỹ có thu nhập cao nhất năm 2013. Ông ghét bị thua cuộc cũng nhiều như việc tận hưởng niềm vui từ việc kiếm tiền, và ông sẵn sàng kiên nhẫn chờ đợi cho một cơ hội đầu tư đúng đắn. Ông được biết đến như một người cần mẫn nhặt nhạnh đủ tiền mặt trong nhiều năm trời, để theo đuổi một cơ hội đầu tư khi nó xuất hiện.

Seth Klarman.2

Đối với Seth, từ lâu thị trường cổ phiếu đã nổi tiếng là mỏ vàng tiềm năng nhưng lại ẩn chứa đầy rẫy rủi ro. Bước chân vào lãnh địa, chúng ta có thể sau một phút đạt đến vinh quang tột đỉnh nhưng cũng có thể bị rơi xuống tận đáy chỉ trong chớp mắt. Tham gia vào cuộc chơi ấy, chỉ thông minh thôi chưa đủ. Một chiến thuật hợp lý, linh hoạt theo biến động của thị trường và một tâm lý vững vàng là những điều cần thiết.

Song, có được những yếu tố trên không phải là việc đơn giản. Đầu tư theo đám đông đồng nghĩa với nguy cơ rủi ro cao và lợi nhuận thấp, nhưng hiện nay, có rất ít nhà đầu tư tránh được lối mòn này. Họ dễ bị tác động và thường làm theo số đông, họ đầu tư ồ ạt theo trào lưu và thiếu một chiến lược cụ thể cho riêng mình. Chính vì thế, họ thường chậm chân trước những cơ hội nhãn tiền mà cổ phiếu đem lại hay khó thoát ra khi thị trường biến động.

Vậy các nhà đầu tư phải làm thế nào để chuyển từ thế bị động sang thế chủ động trên thị trường và đầu tư thành công? Đáp án duy nhất cho câu hỏi trên là họ cần có một chiến sách mang đậm bản sắc riêng, được xây dựng dựa trên một chiến lược cơ bản. Nói cách khác, nhà đầu tư không chỉ cần hiểu rõ bản thân mình mà trước hết còn phải có kiến thức cơ bản về các phong cách đầu tư được đúc kết từ kinh nghiệm thành công của các nhà đầu tư đi trước hay cùng thời.

Quay trở lại với Seth, quỹ đầu tư do ông sáng lập và đứng đầu, nhờ cách thức nghiên cứu cẩn thận trong đầu tư này mà các khách hàng chịu khó nghe những lời tư vấn từ Seth đã từng đạt tỷ lệ sinh lới gấp hai lần chỉ số S&P 500, bất chấp cả những giai đoạn của khó khăn nhất của thị trường chứng khoán Mỹ. Và tất nhiên, nguyên tắc đầu tư của ông chỉ gói gọn trong những điều cơ bản dưới đây:

Luôn tập trung vào cổ phiếu công ty hoạt động ổn định

Khi lựa chọn cổ phiếu, Seth đưa ra chia sẻ ông sẽ chỉ tập trung vào những doanh nghiệp tạo ra doanh số và lợi nhuận tăng liên tục mỗi năm. Còn số năm là bao nhiêu tùy thuộc vào chiến lược đầu tư của từng người. Một điều quan trọng nữa chuyên gia này lưu ý là dư nợ của doanh nghiệp không được quá lớn so với trị giá tài sản. Yếu tố này phòng trường hợp khi lãi suất vay tăng cao, công ty vẫn đủ khả năng trả nợ. Các nhà đầu tư ngắn hạn và lướt sóng có thể không quan tâm đến yếu tố này, nhưng trong dài hạn, đây là vấn đề cần được lưu ý.

Chẳng hạn như Warren Buffett yêu thích chiến lược dài hạn và muốn nắm cổ phiếu trong 15 năm. Ông ấy sẽ phải kiểm tra dữ liệu doanh nghiệp trước khi đầu tư với lịch sử hoạt động khoảng 10 năm. Trong khi đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể chỉ cần thống kê dữ liệu trong 3-4 năm gần nhất để xem xét lại sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.

Lưu ý động thái giao dịch nội bộ công ty

Những giao dịch nội bộ có thể đến từ những lãnh đạo – người trực tiếp đang điều hành công ty như chủ tịch, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc… Theo kinh nghiệm và sự quan sát của mình, tác giả nhận thấy mỗi khi những lãnh đạo này mua cổ phiếu chính công ty, thị giá của chúng sau đó thường tăng. Bởi lẽ, đây là những người hiểu và nắm rõ nhất các hoạt động công ty.

Thế nhưng nếu hàng loạt cổ đông nội bộ lại bán cổ phiếu, các nhà đầu tư cũng nên sớm tính chuyện rút lui khỏi doanh nghiệp. Nhiều công ty chứng khoán hay đưa ra những báo cáo khuyến nghị mua – bán cho nhà đầu tư với từng mã cụ thể. Dù vậy, ông cho rằng mỗi người nên tự có chiến lược riêng, hãy đọc và tự nghiên cứu những doanh nghiệp mình đang sở hữu cổ phiếu bằng các khả năng tìm tòi suy luận nhiều nhất có thể

Trên thị trường chứng khoán thế giới, ta cũng không hiếm bắt gặp từng một vài trường hợp NĐT nghe theo tin đồn khuyến nghị đầu tư mua vào cổ phiếu một doanh nghiệp khi mã này đang có giá rất rẻ. Tuy nhiên, hầu như nhiều nhà đầu tư khi đó không biết hàng loạt cổ đông nội bộ công ty này đồng loạt bán cổ phiếu doanh nghiệp. Chỉ một thời gian ngắn sau, thị giá cổ phiếu công ty trên đã downtrend rất mạnh và tạo ra nhiều cú shock tâm lí đối với những người nắm giữ cổ phiếu của công ty này.

Chỉ mua khi thị giá cổ phiếu thấp hơn giá trị thực tế

Giá trị thực tế của một của cổ phiếu còn được gọi là “giá trị sổ sách”, tính trên hiệu số giữa tổng tài sản và các khoản nợ, không bao gồm lãi. Thông thường, Seth cho biết ông tìm đến những cổ phiếu đang có thị giá thấp hơn giá trị thực tế.

Dù vậy, phần lớn giá cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi cung, cầu trên thị trường và đa số không phản ánh đúng giá trị thực. Cảm xúc nhà đầu tư là yếu tố luôn chi phối sự tăng, giảm giá mỗi cổ phiếu. Ngay khi một tin tức tiêu cực hoặc có lợi cho doanh nghiệp được tung ra, nhiều người có thể lập bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Cuối cùng, điều quan trọng nhất vẫn là tìm ra giá trị thực một cổ phiếu là bao nhiêu và mua khi thị giá thấp hơn mức này.

Lựa chọn đúng xu hướng để đầu tư

Đôi khi trên chứng trường, nhiều NĐT vẫn đặt ra thắc mắc rằng tại sao họ đã lựa chọn những công ty tốt nhất để mua cổ phiếu, nhưng sau đó thị giá vẫn suy giảm. Theo quan điểm của Seth, mua cổ phiếu của công ty tốt chưa đủ, một trong những yếu tố quan trọng khác là “phải chọn đúng thời điểm”.

Sử dụng phân tích kỹ thuật với các biểu đồ thống kê biến động của chỉ số chứng khoán từ 50 đến 150 phiên có thể giúp nhà đầu tư nắm bắt xu thế. Trong đó, giả sử đường màu xanh nước biển trên biểu đồ tượng trưng cho diễn biến của 50 phiên giao dịch, còn màu xanh lá cây hiển thị 150 phiên. Khi đường xanh nước biển nằm phía trên màu xanh lá cây, thị trường đang trong xu hướng tăng và ngược lại. Những loại biểu đồ thế này nhà đầu tư có thể dùng thông qua một số phần mềm có sẵn và chỉ cần nhập số liệu. Dù là tự thống kê hay nhờ phần mềm xử lý, hãy cố gắng nhận ra kịp thời triết lý “luôn mua cổ phiếu trong xu thế tăng và lập tức bán ngay khi nhận ra đà giảm”.

Theo Cafef.vn

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận