skip to Main Content

Chỉ số Chứng khoán Mỹ: Hướng dẫn cách đầu tư chứng khoán đơn giản và hiệu quả nhất hiện nay

Đầu tư theo chỉ số chứng khoán Mỹ là một trong những hình thức đầu tư được ưa chuộng trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, để thành công, bạn cần hiểu rõ về các chỉ số chứng khoán Mỹ và cách lựa chọn phù hợp với nhu cầu đầu tư của mình. Bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về đầu tư theo chỉ số chứng khoán Mỹ và cách áp dụng để tối đa hóa lợi nhuận. Nền kinh tế Mỹ đã có những tăng trưởng đáng kể trong dài hạn và chỉ số có xu hướng tăng theo thời gian. Đừng bỏ lỡ cơ hội đầu tư và tìm cho mình phương án đầu tư hiệu quả bằng cách tham khảo các chỉ số chứng khoán Mỹ dưới đây.

Chỉ số chứng khoán Mỹ là gì?

Trước khi tìm hiểu về chiến lược đầu tư theo chỉ số, hãy tìm hiểu khái niệm: Chỉ số chứng khoán Mỹ là gì?

Chỉ số là một cách theo dõi hiệu suất của một nhóm tài sản theo một tiêu chuẩn nhất định. Các chỉ số thường đo lường hiệu suất của một rổ chứng khoán theo một một phân khúc nhất định trên thị trường.

Chỉ số chứng khoán có thể được xây dựng như một chỉ số trên diện rộng nắm toàn bộ thị trường, nó có thể là một tập hợp các cổ phiếu hoặc trái phiếu đại diện cho một thị trường tài chính rộng lớn. Ví dụ như: S&P500 là một chỉ số đại diện cho 500 công ty lớn nhất của Mỹ, như Apple (AAPL), Amazon (AMZN), Wal-Mart (WMT), Microsoft (MSFT) và Exxon Mobil (XOM). Chỉ số cũng có thể theo dõi một ngành hoặc phân khúc cụ thể chuyên biệt, như chỉ số Russell 2000 chỉ theo dõi các cổ phiếu vốn hóa nhỏ.

Mỗi chỉ số đóng vai trò như một thước đo dùng để đánh giá hiệu suất hoặc biến động giá của một nhóm các tài sản tài chính. Chúng thường thể hiện thông tin về sự thay đổi trong thị trường chứng khoán và được sử dụng để đánh giá hiệu suất của một khoản đầu tư và đưa ra quyết định đầu tư.

Một số chỉ số chứng khoán chính là gì?

Có 3 chỉ số chứng khoán hàng đầu tại Mỹ là chỉ số Trung bình công nghiệp Dow Jones (DJIA), Chỉ số Standard & Poor’s 500 (S&P 500), và Chỉ số Nasdaq (IXIC). Đối với thị trường quốc tế, Chỉ số Financial Times Stock Exchange 100 (FTSE 100) và Chỉ số Nikkei 225 (N225) lần lượt là các đại diện phổ biến cho thị trường chứng khoán Anh và Nhật Bản. Hầu hết các quốc gia có thị trường chứng khoán có ít nhất một chỉ số đại diện cho các cổ phiếu chính của họ.

Đầu tư theo chỉ số là gì?

Đầu tư theo chỉ số là một hình thức đầu tư thụ động với mục tiêu tạo ra lợi nhuận tương tự một chỉ số thị trường rộng lớn.

Các nhà đầu tư theo chỉ số bằng cách mua các chứng khoán thành phần của chỉ số hoặc đầu tư vào quỹ đầu tư tương tự hoặc quỹ giao dịch ETF theo dõi chỉ số cơ bản.

Chiến lược đầu tư theo chỉ số giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư với chi phí giao dịch thấp hơn so với các chiến lược đầu tư chủ động (active management), vì không cần phải trả cho những chi phí cao của việc tìm kiếm và phân tích cổ phiếu.

Những người sử dụng chiến lược đầu tư theo chỉ số cho rằng không thể “đánh bại thị trường”. Việc dựa vào những biến động (bao gồm cả rủi ro và lợi nhuận) của thị trường chung thì trong dài hạn, thị trường sẽ hoạt động tốt hơn bất kỳ công cụ chọn cổ phiếu nào.

Chiến lược này dựa trên lý thuyết rằng trong dài hạn, thị trường sẽ hoạt động tốt hơn bất kỳ công cụ chọn cổ phiếu nào.

Đối với nhiều nhà đầu tư theo chỉ số, S&P 500 là tiêu chuẩn phổ biến nhất để đánh giá hiệu suất, vì nó đánh giá sức khỏe của nền kinh tế Mỹ. Một số quỹ chỉ số được theo dõi rộng rãi khác theo dõi hoạt động của Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones (DJIA) và lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp.

Các cách đầu tư theo chỉ số phổ biến

Có 3 cách phổ biến nhất để đầu tư theo chỉ số được sử dụng, bao gồm:

  • Mua tất cả cổ phiếu trong một chỉ số
  • Mua một phần các cổ phiếu quan trọng nhất trong một chỉ số
  • Đầu tư vào một quỹ ETF mô phỏng một chỉ số
Chỉ số chứng khoán Mỹ là gì? Hướng dẫn từng bước đầu tư chỉ số thông qua các ETF và một số quỹ chỉ số phổ biến để đầu tư an toàn và hiệu quả.

Cách 1: Mua tất cả cổ phiếu trong một chỉ số

Mua mọi cổ phiếu trong một chỉ số theo tỷ lệ cố định là cách hoàn chỉnh nhất để đảm bảo danh mục đầu tư đó sẽ đạt được rủi ro và lợi nhuận giống như chỉ số gốc. Điều này giống như việc bạn tạo một phiên bản chỉ số của riêng mình giống y như chỉ số bạn muốn copy với tỷ lệ nhỏ hơn.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào chỉ số, bạn có thể mất rất nhiều thời gian và vốn đầu tư để thực hiện. Ví dụ: Để sao chép theo chỉ số S&P500, bạn cần mua 500 cổ phiếu nằm trong cổ phiếu đó. Hoặc với Russell 2000, bạn cần sở hữu 2000 cổ phiếu khác nhau. Điều này có thể rất tốn chi phí cho vốn đầu tư và phí hoa hồng trả cho broker.

Cách 2: Mua một phần các cổ phiếu quan trọng nhất

Chỉ sở hữu các cổ phiếu có tỷ lệ cao nhất hoặc chọn một tỷ lệ nhất định số cổ phiếu của chỉ số là cách hiệu quả hơn về chi phí để theo dõi một cổ phiếu. Ví dụ, bạn có thể chọn 10 cổ phiếu có tỷ lệ cao nhất của chỉ số S&P500 hay N225. Hoặc bạn có thể chọn tỷ lệ 10% số cổ phiếu của S&P500 là 50 cổ phiếu, và 10% số cổ phiếu của N225 là 22 (hoặc 23) cổ phiếu.

Cách 3: Mua một ETF mô phỏng quỹ chỉ số.

Đây là cách đơn giản và hiệu quả nhất về chi phí để sở hữu một chỉ số hiện nay nay. Bạn chỉ cần mua và nắm giữ một quỹ tương hỗ chỉ số hoặc quỹ ETF mô phỏng một chỉ số nào đó và hưởng lợi nhuận (hoặc thua lỗ) theo tỷ lệ tương đương với chỉ số bạn chọn nhưng chỉ bằng một giao dịch duy nhất giống như khi giao dịch một chứng khoán hoặc cổ phiếu.

Quỹ tương hỗ được quản lý bởi một công ty quản lý quỹ và đầu tư vào các cổ phiếu tương ứng với tỷ trọng của một chỉ số nào đó. Tuy nhiên, việc đầu tư loại quỹ này có thể mất phí giao dịch và phí quản lý, và có thể có yêu cầu về số tiền đầu tư tối thiểu.

ETF là một loại quỹ đầu tư được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, được thiết kế để theo dõi một chỉ số cụ thể. Tuy nhiên, quỹ ETF có thể được mua và bán như các cổ phiếu thông thường trên sàn giao dịch chứng khoán, vì vậy nhà đầu tư có thể mua và bán chúng bất cứ lúc nào. Do đó, đây là cách phổ biến và đơn giản nhất thường được nhiều nhà đầu tư lựa chọn khi đầu tư theo chỉ số.

Hướng dẫn chi tiết cách đầu tư vào quỹ chỉ số

Quỹ chỉ số là một khoản đầu tư theo dõi chỉ số thị trường, thường được tạo thành từ cổ phiếu hoặc trái phiếu . Các quỹ chỉ số thường đầu tư vào tất cả các thành phần có trong chỉ số mà họ theo dõi và họ có các nhà quản lý quỹ có nhiệm vụ đảm bảo rằng quỹ chỉ số hoạt động giống như chỉ số.

Có 3 bước để đầu tư vào quỹ chỉ số bao gồm:

  1. Chọn chỉ số mà bạn muốn theo dõi.
  2. Chọn một quỹ theo dõi chỉ số bạn đã chọn.
  3. Đầu tư vào quỹ chỉ số đó.
Chỉ số chứng khoán Mỹ là gì? Hướng dẫn từng bước đầu tư chỉ số thông qua các ETF và một số quỹ chỉ số phổ biến để đầu tư an toàn và hiệu quả.

Bước 1: Chọn một chỉ số

Có hàng trăm chỉ số khác nhau mà bạn có thể theo dõi bằng quỹ chỉ số. Dưới đây là danh sách một số chỉ số hàng đầu:

  • Các cổ phiếu lớn của Mỹ: S&P 500, Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (DJIA), Chỉ số Nasdaq (NASDAQ).
  • Cổ phiếu nhỏ của Myx: Russell 2000, S&P SmallCap 600
  • Chứng khoán quốc tế: MSCI EAFE, MSCI Emerging Markets
  • Trái phiếu: Trái phiếu tổng hợp toàn cầu của Bloomberg Barclays

Ngoài các chỉ số broad indexes – đại diện cho toàn bộ thị trường chứng khoán hoặc một phần lớn của thị trường kể trên, cũng có các chỉ số khác như:

  • Chỉ số ngành (sector indexes) gắn liền với các ngành cụ thể
  • Chỉ số quốc gia (country indexes) mô tả sự biến động của thị trường chứng khoán trong một quốc gia cụ thể
  • Chỉ số phong cách (style indexes) tập trung vào những doanh nghiệp có cùng phong cách đầu tư hoặc tính chất kinh doanh nhất định, chẳng hạn như tập trung vào các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh (growth) hoặc các doanh nghiệp giá trị (value)
  • Và các chỉ số khác dựa theo một vài các tiêu chí riêng.

Bước 2: Chọn quỹ phù hợp với chỉ số của bạn

Khi đã chọn được một chỉ số yêu thích, bạn thường có thể tìm thấy ít nhất một quỹ chỉ số theo dõi nó. Đối với các chỉ số phổ biến như S&P 500 , bạn có thể có hàng tá lựa chọn hoặc nhiều hơn, tất cả đều theo dõi cùng một chỉ số.

Nếu bạn có nhiều lựa chọn quỹ chỉ số khác nhau cho chỉ số mình đã chọn, bạn cần tự đặt ra một số câu hỏi:

  • Quỹ chỉ số nào theo dõi sát nhất hiệu suất của chỉ số?
  • Quỹ chỉ số nào có chi phí thấp nhất?
  • Có yêu cầu hay hạn chế nào khi đầu tư vào quỹ chỉ số đó không?
  • Nhà cung cấp quỹ có các quỹ chỉ số khác mà bạn cũng muốn sử dụng không?

Câu trả lời cho những câu hỏi trên sẽ giúp bạn dễ dàng chọn quỹ chỉ số phù hợp hơn.

Bước 3: Đầu tư vào quỹ chỉ số

Tại Việt Nam, bạn có thể mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại một nhà môi giới (broker) cho phép bạn giao dịch (mua và bán) một quỹ chỉ số (ETF) mà bạn quan tâm.

Một số nhà môi giới tính phí khi khách hàng đầu tư quỹ ETF. Tuy nhiên, việc giữ tất cả các khoản đầu tư trong một tài khoản môi giới duy nhất cũng có thể là một lý do để bạn cân nhắc khi lựa chọn đầu tư ở đâu. Nếu bạn dự định đầu tư vào một số quỹ chỉ số khác nhau do các nhà quản lý quỹ khác nhau cung cấp, thì việc đầu tư thông qua các tài khoản chứng khoán của một broker có thể là cách tốt nhất để bạn kết hợp tất cả các khoản đầu tư của mình vào một tài khoản.

Những lợi ích từ việc đầu tư vào các quỹ chỉ số chứng khoán Mỹ

Chỉ số chứng khoán Mỹ là gì? Hướng dẫn từng bước đầu tư chỉ số thông qua các ETF và một số quỹ chỉ số phổ biến để đầu tư an toàn và hiệu quả.

Ưu điểm rõ ràng nhất của các quỹ chỉ số là chúng luôn đánh bại các loại quỹ khác về tổng lợi nhuận.

Do các chỉ số được quản lý thụ động, nên nó thường có chi phí thấp hơn và có khả năng mang lại lợi nhuận dài hạn cao hơn so với các quỹ đầu tư khác. Thay vì có một nhà quản lý giao dịch và một nhóm nghiên cứu phân tích chứng khoán và đưa ra khuyến nghị thường xuyên, danh mục đầu tư của quỹ chỉ số chỉ sao chép danh mục đầu tư của chỉ số được chỉ định.

Các quỹ chỉ số nắm giữ các khoản đầu tư cho đến khi bản thân chỉ số thay đổi (điều này không xảy ra thường xuyên), vì vậy chúng cũng có chi phí giao dịch thấp hơn. Những chi phí thấp hơn đó có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong lợi nhuận của bạn, đặc biệt là trong thời gian dài.

“Các nhà đầu tư thuộc một tổ chức lớn, được xem như một nhóm, từ lâu đã hoạt động kém hiệu quả hơn các nhà đầu tư quỹ chỉ số đơn giản, những người chỉ đơn giản ngồi yên trong nhiều thập kỷ,” Buffett viết trong thư gửi cổ đông năm 2014. “Một lý do chính là phí: Nhiều tổ chức trả những khoản tiền đáng kể cho các chuyên gia tư vấn, những người này lại giới thiệu các nhà quản lý có mức phí cao. Và đó là trò chơi của một kẻ ngốc.”

Các quỹ chỉ số còn có một ưu điểm về thuế. Bởi vì họ mua một chứng khoán mới trong chỉ số bất cứ khi nào các nhà đầu tư bỏ tiền vào quỹ, nên họ có thể bán một chứng khoán cụ thể với khối lượng hàng trăm hoặc hàng nghìn lot. Điều đó có nghĩa là họ có thể bán các cổ phiếu, chứng khoán với lợi nhuận thấp nhất và phải trả thuế thấp nhất.

Hầu hết các nhà đầu tư đều biết rằng chỉ số chính là sự lựa chọn thông minh, giúp xây dựng một danh mục đầu tư an toàn, đa dạng và hiệu quả. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết những lợi thế thực sự từ việc đầu tư vào chỉ số Mỹ. Tổng hợp lại những lợi thế chính của các quỹ chỉ số là quản lý thụ động, chi phí thấp và đa dạng hóa.

  • Quản lý thụ động: Các quỹ tương hỗ có thể được quản lý tích cực hoặc quản lý thụ động. Ví dụ, người quản lý quỹ tương hỗ sẽ được quản lý tích cực, mua và bán cổ phiếu với mục tiêu “đánh bại thị trường”, được đo lường bằng một điểm chuẩn cụ thể, chẳng hạn như S & P 500. Tuy nhiên, có một rủi ro có thể xảy ra đó là người quản lý tích cực đưa ra những quyết định sai lầm. Ngược lại, người quản lý quỹ chỉ số, được quản lý thụ động, do đó các nhà đầu tư chỉ việc bỏ vốn, mua và nắm giữ mã chứng khoán đại diện cho chỉ số đã cho với mục đích phù hợp với hiệu suất của chỉ số.
  • Chi phí thấp: Chi phí thấp là một lợi thế lớn cho các quỹ chỉ số và đem lại lợi nhuận lâu dài cho nhà đầu tư. Khi các nhà quản lý không có nhiều thời gian và tiền bạc để nghiên cứu mã cổ phiếu/ trái phiếu cho danh mục đầu tư của mình, chi phí trong việc quản lý quỹ chỉ số thấp hơn nhiều so với các quỹ được quản lý tích cực. Những khoản tiết kiệm chi phí này sau đó được chuyển cho nhà đầu tư. Vì lý do này, hãy tìm các quỹ chỉ số với tỷ lệ chi phí thấp nhất.
  • Đa dạng hóa: Một nhà đầu tư có thể nắm bắt lợi nhuận của một phân khúc lớn của thị trường trong một quỹ chỉ số. Các quỹ chỉ số thường đầu tư vào hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn cổ phần; trong khi các quỹ được quản lý tích cực đôi khi đầu tư vào ít hơn 50 cổ phần. Nói chung, các quỹ có số lượng nắm giữ cao hơn có rủi ro thị trường tương đối thấp hơn so với các quỹ có ít nắm giữ hơn; và các quỹ chỉ số thường cung cấp khả năng tiếp xúc với nhiều chứng khoán hơn so với các đối tác được quản lý tích cực của họ.

Nhược điểm của các quỹ chỉ số là gì?

Chỉ số chứng khoán Mỹ là gì? Hướng dẫn từng bước đầu tư chỉ số thông qua các ETF và một số quỹ chỉ số phổ biến để đầu tư an toàn và hiệu quả.

Không có bất kỳ chiến lược đầu tư nào là hoàn hảo và các quỹ chỉ số cũng như vậy. Một danh mục đầu tư tăng theo chỉ số của nó sẽ giảm theo chỉ số của nó. Ví dụ: Nếu bạn đầu tư vào một quỹ ETF theo dõi chỉ số S&P 500, bạn sẽ được hưởng lợi nhuận khi thị trường hoạt động tốt, nhưng bạn cũng sẽ thua lỗ khi thị trường đi xuống. Ngược lại, với một quỹ có các chuyên gia quản lý riêng, các nhà quản lý quỹ có thể cảm nhận được sự điều chỉnh của thị trường và điều chỉnh hoặc thậm chí đóng bớt một vài giao dịch của danh mục đầu tư để đảm bảo an toàn.

Các quỹ có người quản lý chuyên nghiệp sẽ tốn chi phí hơn. Nhưng đôi khi chuyên môn của một nhà quản lý đầu tư giỏi có thể giữ an toàn cho danh mục đầu tư mà thậm chí còn mang lại lợi nhuận vượt trội so với thị trường. Tuy nhiên, rất ít nhà quản lý có thể làm tốt điều đó trong nhiều năm.

Ngoài ra, đa dạng hóa là một con dao hai lưỡi. Nó làm giảm bớt sự biến động và giảm thiểu rủi ro, nhưng vì thế nó cũng làm giảm hiệu suất đầu tư. Một rổ cổ phiếu trên diện rộng trong một quỹ chỉ số có thể bị kéo xuống bởi một số cổ phiếu hoạt động kém hiệu quả hơn so với một danh mục đầu tư được lựa chọn cẩn thận hơn trong một quỹ khác.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ không thể bỏ qua hiện nay

Top 5 các chỉ số chứng khoán Mỹ không thể bỏ qua trong năm 2020

Các quỹ chỉ số theo dõi các chỉ số khác nhau. Ví dụ: S&P 500 là một trong những chỉ số nổi tiếng nhất vì nó theo dõi 500 doanh nghiệp lớn, nổi tiếng có trụ sở tại Mỹ đại diện cho nhiều ngành công nghiệp. Nhưng S&P 500 không phải là chỉ số duy nhất trên thị trường. Dưới đây là một số lựa chọn khác:

  • Nasdaq Composite (NASDAQ): Theo dõi hơn 3.000 cổ phiếu được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq và phần lớn tập trung vào công nghệ.
  • Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones (Dow30 hay DJIA): Tập hợp 30 công ty blue-chip ở Mỹ, bao gồm tất cả các ngành ngoại trừ vận tải và tiện ích.
  • Wilshire 5000: Bao gồm tất cả các công ty giao dịch công khai có trụ sở chính tại Hoa Kỳ và dữ liệu giá có sẵn; thường được gọi là “tổng chỉ số thị trường chứng khoán.”
  • FTSE Global All Cap: Có nhiều loại cổ phiếu trên nhiều mức vốn hóa thị trường ở Hoa Kỳ và trên toàn cầu; bao gồm các thị trường phát triển và mới nổi.

1. Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones

Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones (DJIA) là một trong những chỉ số lâu đời nhất, nổi tiếng nhất và được sử dụng thường xuyên nhất trên thế giới. Nó bao gồm cổ phiếu của 30 công ty lớn nhất và có ảnh hưởng nhất ở Mỹ. DJIA là một chỉ số trọng số giá. Ban đầu nó được tính bằng cách tính tổng giá trên mỗi cổ phiếu của mỗi công ty trong chỉ số và chia số tiền này cho số lượng công ty. Thật không may, chỉ số này không còn đơn giản để tính toán. Trong những năm qua, việc chia tách cổ phiếu, spin-off và các sự kiện khác đã dẫn đến những thay đổi trong ước số (một giá trị bằng số được tính toán bởi Dow Jones được sử dụng để tính mức độ của DJIA) khiến nó trở thành một con số rất nhỏ (dưới 0,2).

Thay đổi trong chỉ số Dow Jones thể hiện những thay đổi trong kỳ vọng của nhà đầu tư về thu nhập và rủi ro của các công ty lớn có trong chỉ số. Bởi vì thái độ chung đối với các cổ phiếu vốn hóa lớn thường khác với thái độ đối với các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, chứng khoán quốc tế hoặc cổ phiếu công nghệ, không nên sử dụng chỉ số Dow Jones để thể hiện tình cảm ở các khu vực khác trên thị trường. Nhìn chung, Dow Jones được biết đến với danh sách các công ty blue-chip tốt nhất thị trường Mỹ với cổ tức thường xuyên nhất quán. Do đó, trong khi không nhất thiết phải là đại diện của thị trường rộng lớn, nó có thể là đại diện cho thị trường cổ phiếu, giá trị cổ phiếu.

2. Chỉ số chứng khoán Mỹ – Chỉ số S&P 500

Chỉ số Standard & Poor’s 500 (thường được gọi là S&P 500) là chỉ số với 500 công ty hàng đầu trong Chứng khoán Mỹ được chọn cho chỉ số chủ yếu bằng vốn hóa nhưng cũng xem xét các yếu tố khác bao gồm thanh khoản, thả nổi công khai, lĩnh vực phân loại, khả năng tài chính và lịch sử giao dịch. Chỉ số S & P 500 chiếm khoảng 80% tổng giá trị của thị trường chứng khoán Mỹ. Nhìn chung, Chỉ số S & P 500 cho thấy sự chuyển động tốt trên thị trường chứng khoán Mỹ nói chung.

Các chỉ số thường là trọng số thị trường hoặc trọng số giá. Chỉ số S & P 500 là chỉ số trọng số thị trường (còn được gọi là trọng số vốn hóa). Do đó, mỗi cổ phiếu trong chỉ số được thể hiện tỷ lệ với tổng vốn hóa thị trường của nó. Nói cách khác, nếu tổng giá trị thị trường của tất cả 500 công ty trong S & P 500 giảm 10%, thì giá trị của chỉ số cũng giảm 10%.

3. Chỉ số tổng hợp Nasdaq

Hầu hết các nhà đầu tư đều biết rằng Nasdaq là sàn giao dịch cổ phiếu công nghệ. Chỉ số tổng hợp Nasdaq là chỉ số trọng số vốn hóa thị trường của tất cả các cổ phiếu được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq. Chỉ số này bao gồm một số công ty không có trụ sở tại Mỹ.

Được biết đến là có trọng lượng công nghệ nặng, chỉ số này bao gồm một số tiểu ngành trên thị trường công nghệ bao gồm phần mềm, công nghệ sinh học, chất bán dẫn, v.v. Mặc dù chỉ số này được biết đến với phần lớn cổ phiếu công nghệ, nhưng nó cũng bao gồm một số chứng khoán từ các ngành công nghiệp khác. Các nhà đầu tư cũng sẽ tìm thấy chứng khoán từ nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm tài chính, công nghiệp, bảo hiểm và cổ phiếu vận tải, trong số những ngành khác. Nasdaq Composite bao gồm các công ty lớn và nhỏ, nhưng không giống như Dow Jones và S & P 500, nó cũng bao gồm nhiều công ty đầu cơ có vốn hóa thị trường nhỏ. Do đó, chuyển động của nó nói chung cho thấy hiệu suất của ngành công nghệ cũng như thái độ của các nhà đầu tư đối với các cổ phiếu đầu cơ hơn.

4. Chỉ số Wilshire 5000

Wilshire 5000 đôi khi được gọi là “tổng chỉ số thị trường chứng khoán” hoặc “tổng chỉ số thị trường” bởi vì nó bao gồm tất cả các công ty giao dịch công khai có trụ sở tại Mỹ có sẵn dữ liệu giá. Thành lập từ năm 1974, chỉ số này đại diện cho toàn bộ thị trường chứng khoán Mỹ và sự chuyển động của nó một cách tổng hợp. Mặc dù nó là thước đo rất toàn diện của toàn bộ thị trường Mỹ, Wilshire 5000 ít phổ biến hơn so với Chỉ số S & P 500.

5. Chỉ số Russell 3000 

Top 5 các chỉ số chứng khoán Mỹ không thể bỏ qua trong năm 2020

Chỉ số Russell 3000  là một chỉ số chứng khoán, đại diện cho khoảng 3000 cổ phiếu, đo lường hiệu suất của các công ty lớn nhất Hoa Kỳ. Chỉ số này được duy trì bởi FTSE Russell, một chi nhánh của Tập đoàn Chứng khoán London. Chỉ số Russell 3000 thường được gọi là chỉ số thị trường rộng lớn vì nó chiếm khoảng 98% thị trường vốn cổ phần có thể đầu tư của Hoa Kỳ.

Trong khi chỉ số S & P 500 được sử dụng chủ yếu cho các cổ phiếu vốn hóa lớn thì Russell 2000 là chỉ số phổ biến nhất giúp cho các quỹ đầu cơ nắm bắt các cổ phiếu mệnh giá nhỏ. Chỉ số này đại diện cho khoảng 8% tổng vốn hóa thị trường của Russell 3000

Các quỹ chỉ số tốt nhất

Các quỹ chỉ số hoạt động bằng cách theo dõi các chỉ số thị trường cụ thể. Vì vậy, cần xác định chỉ số thị trường nào mà bạn muốn theo dõi trước khi bắt đầu đầu tư. Dưới đây là một số quỹ chỉ số hàng đầu theo dõi các chỉ số phổ biến nhất.

* Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hướng dẫn sử dụng Capital.com

Các quỹ chỉ số S&P 500 tốt nhất là gì?

Dưới đây là một số quỹ chỉ số tốt nhất được gắn với S&P 500.

Quỹ chỉ sốĐầu tư tối thiểuTỷ lệ phí
Vanguard 500 Index Fund – Admiral shares (VFIAX)$3,0000.04%
Schwab S&P 500 Index Fund (SWPPX)Không yêu cầu0.02%
Fidelity 500 Index Fund (FXAIX)Không yêu cầu0.015%
Fidelity Zero Large Cap Index (FNILX)Không yêu cầu0.0%
T. Rowe Price Equity Index 500 Fund (PREIX)$2,5000.15%
Dữ liệu ngày 4 tháng 4 năm 2023.

Vanguard 500 Index Fund Admiral Shares (VFIAX)

Vanguard S&P 500 Index fund còn được gọi là quỹ Chỉ số Vanguard S&P 500, thành lập vào năm 1976 và là “ông lớn” của tất cả các quỹ chỉ số. Giống như các quỹ S&P 500 khác trong danh sách này, quỹ Chỉ số Vanguard S&P 500 bao gồm 500 công ty lớn nhất của Mỹ, chiếm khoảng 75% tổng giá trị thị trường chứng khoán Mỹ.

Schwab S&P 500 Index Fund (SWPPX)

Đây là một trong những quỹ theo dõi S&P 500 rẻ nhất và dễ đầu tư nhất hiện nay. Ra mắt năm 1997, quỹ Schwab tính tỷ lệ phí thấp chỉ 0,02% và không yêu cầu khoản đầu tư tối thiểu, khiến nó trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quan tâm đến chi phí.

Fidelity 500 Index Fund (FXAIX)

Thành lập năm 1988 (trước đây gọi là quỹ Institutional Premium Class), Fidelity không yêu cầu mức đầu tư tối thiểu để bất kỳ nhà đầu tư nào cũng có thể đầu tư với mức phí thấp chỉ 0,015%.

Fidelity Zero Large Cap Index (FNILX)

Trong cuộc đua giành vị trí quỹ chỉ số có mức phí thấp nhất, quỹ Fidelity đã gây chú ý khi là một trong những quỹ đầu tiên không tính chi phí hàng năm, nghĩa là các nhà đầu tư có thể giữ toàn bộ số tiền đầu tư của họ trong thời gian dài.

T. Rowe Price Equity Index 500 Fund (PREIX)

Thành lập năm 1990, tỷ lệ phí của quỹ cạnh tranh với các quỹ khác, nhưng mức tối thiểu 2.500 đô la có thể quá cao đối với các nhà đầu tư mới bắt đầu.

Các quỹ chỉ số Nasdaq tốt nhất là gì?

Dưới đây là một số quỹ chỉ số tốt nhất của chỉ số Nasdaq.

Quỹ chỉ sốĐầu tư tối thiểuTỷ lệ phí
Invesco NASDAQ 100 ETF (QQQM)Không yêu cầu0,15%
Invesco QQQ (QQQ)Không yêu cầu0,20%
Fidelity NASDAQ Composite Index Fund (FNCMX)Không yêu cầu0,37%
Dữ liệu ngày 4 tháng 4 năm 2023.

Invesco NASDAQ 100 ETF (QQQM)

QQQM bao gồm 100 công ty phi tài chính lớn nhất được niêm yết trên sàn Nasdaq. Nó cũng bao gồm ít nhất 90% chứng khoán nằm trong chỉ số NASDAQ-100 và được tái cân bằng hàng quý.

QQQM có tỷ lệ phí là 0,15%, nghĩa là với mỗi 1.000 đô la đầu tư, bạn sẽ trả một khoản phí 1,5 đô la mỗi năm.

Invesco QQQ (QQQ)

QQQ nắm giữ 101 công ty, theo dõi NASDAQ-100 và quản lý tài sản trị giá 151,51 tỷ USD.

QQQ có tỷ lệ phí là 0,20%, nghĩa là với mỗi 1.000 đô la đầu tư, bạn sẽ phải trả 2 đô la phí mỗi năm.

Fidelity NASDAQ Composite Index Fund (FNCMX)

FNCMX phản ánh hiệu suất của chỉ số Nasdaq Composite. Quỹ này thường nắm giữ 80% cổ phiếu có trong chỉ số. Ngoài các lĩnh vực điển hình được đại diện bởi quỹ chỉ số Nasdaq (chẳng hạn như công nghệ thông tin, dịch vụ tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe), FNCMX còn bao gồm lĩnh vực bất động sản và vật liệu.

FNCMX có tỷ lệ phí là 0,37%, nghĩa là với mỗi 1.000 đô la đầu tư, bạn sẽ phải trả khoản phí 3,70 đô la mỗi năm.

* Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hướng dẫn sử dụng Capital.com

Phần kết luận

Trong bài viết này, chúng ta đã được tìm hiểu về khái niệm cơ bản về chỉ số chứng khoán và cách đầu tư vào các chỉ số này thông qua các ETF. Chúng ta cũng đã thấy rằng đầu tư vào quỹ chỉ số mang lại nhiều lợi ích, bao gồm đa dạng hóa đầu tư, chi phí thấp hơn so với các chiến lược quản lý quỹ có các chuyên gia quản lý và khả năng theo dõi và phân tích nhanh chóng hiệu suất đầu tư của mình thông qua các chỉ số chứng khoán. Với việc hiểu rõ về các chỉ số này và cách đầu tư vào chúng, các nhà đầu tư có thể tận dụng được lợi ích mà đầu tư quỹ chỉ số mang lại.

Tóm lại, đầu tư vào quỹ chỉ số là một lựa chọn đầu tư thông minh cho những nhà đầu tư thụ động muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư và tối ưu hóa hiệu quả đầu tư của mình. Với các quỹ chỉ số mô phỏng các chỉ số chứng khoán Mỹ phổ biến như S&P 500, Dow Jones, Nasdaq và Russell 2000, đầu tư vào quỹ chỉ số trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn bao giờ hết.

Investing.vn

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận