skip to Main Content

Tìm hiểu những kiến thức cơ bản về lý thuyết sóng Elliott

Lý thuyết sóng Elliott là gì? 

Lý thuyết sóng Elliott được phát triển bởi Ralph Nelson Elliott vào những năm 1930 để mô tả sự biến động giá cả trên thị trường tài chính, trong đó ông đã quan sát và xác định các mô hình sóng fractal định kỳ. Thị trường chứng khoán thường được cho là di chuyển ngẫu nhiên, nhưng Elliott tin rằng trên thực tế giá cả được dịch chuyển theo mô hình lặp đi lặp lại.

Lý thuyết sóng Elliott trở nên nổi tiếng vào năm 1935 khi Elliott đưa ra dự đoán về đáy thị trường chứng khoán và từ đó trở thành một yếu tố chính cho các trader và các nhà đầu tư phân tích thị trường.

Tuy nhiên, Ralph Nelson Elliott cũng lưu ý rằng các mô hình này không cung cấp một thông tin chắc chắn về chuyển động giá trong tương lai, mà chỉ giúp hỗ trợ xác định các xác suất thị trường trong tương lai. Để hiệu quả cao hơn, chúng thường được kết hợp sử dụng với các chỉ báo kỹ thuật khác.

Lý thuyết sóng Elliott chỉ ra rằng một thị trường có xu hướng di chuyển theo mô hình sóng 5-3.

  • Mô hình 5 sóng đầu tiên được gọi là sóng đẩy.
  • Mô hình 3 sóng cuối cùng được gọi là sóng điều chỉnh .

Sóng đẩy (Impulse Waves) 

Trong mô hình sóng đẩy, sóng 1, 3, 5 là động lực, có nghĩa là chúng đi cùng với xu hướng chung, trong khi Sóng 2 và 4 là điều chỉnh.

Tìm hiểu những kiến thức cơ bản về lý thuyết sóng Elliott

Sóng 1
Giá có bước di chuyển ban đầu đi lên. Điều này xảy ra khi một số nhà giao dịch đột nhiên cảm thấy giá đang vào thời điểm phù hợp để mua, và họ vào lệnh mua và khiến giá tăng lên.

Sóng 2
Tại thời điểm này, một số nhà giao dịch vào lệnh trước đó nhận thấy giá đã tăng đủ cao và chốt lời. Điều này khiến giá đi xuống một chút. Tuy nhiên, giá sẽ không chạm xuống đáy trước đó vì khi giá giảm một chút sẽ có một số nhà giao dịch nhận ra và coi đó là cơ hội tốt để vào thêm lệnh.

Sóng 3
Đây thường là sóng dài nhất và mạnh nhất. Giá tăng trở lại đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà giao dịch và nhiều người muốn nhảy vào xu hướng này ngay khiến giá tăng cao hơn. Sóng này thường vượt quá đỉnh được tạo ở cuối sóng 1.

Sóng 4
Nhiều nhà giao dịch sẽ chốt lời vì cảm thấy đã đủ lợi nhuận mong muốn, giá đã tăng đủ cao. Sóng này thường có xu hướng yếu vì có nhiều người vẫn đang chờ đợi giá tăng cao hơn và muốn tiếp tục mua vào.

Sóng 5
Đây là thời điểm hầu hết mọi người lao vào thị trường một cách điên cuồng, họ đưa ra bất kỳ lý do gì để mua vào. Đây cũng là thời điểm giá trở nên đắt nhất, các nhà giao dịch bắt đầu chốt lời các giao dịch BUY lúc trước và một số khác vào thêm lệnh SELL. Giá bắt đầu mô hình ABC.

Sóng đẩy kéo dài

Một điều mà bạn cũng cần biết về Lý thuyết sóng Elliott là một trong ba sóng đẩy (1, 3 hoặc 5) sẽ luôn được mở rộng. Nói một cách đơn giản, sẽ luôn có một sóng dài hơn hai sóng kia, bất kể mức độ nào. Theo Elliott, sóng 5 thường được mở rộng hơn. Sau này, nhiều người tin rằng sóng 3 thường là sóng mở rộng.

Sóng điều chỉnh (Corrective Waves)

Xu hướng 5 sóng đẩy sau đó đảo ngược thành 3 sóng điều chỉnh ABC.

Tìm hiểu những kiến thức cơ bản về lý thuyết sóng Elliott

Lý thuyết sóng Elliott cũng hoạt động trên các thị trường có xu hướng giảm.

Tìm hiểu những kiến thức cơ bản về lý thuyết sóng Elliott

Các loại mô hình sóng điều chỉnh

Theo Elliott, có 21 mẫu ABC điều chỉnh từ đơn giản đến phức tạp.

Tuy nhiên, bạn không cần ghi nhớ chính xác tất cả 21 mô hình sóng ABC vì chúng chỉ được tạo thành từ ba mô hình rất đơn giản: Mô hình Zic-zắc, Mô hình phẳng, Mô hình tam giác.

Các ví dụ dưới đây áp dụng cho xu hướng tăng, nhưng trong xu hướng giảm, bạn chỉ cần đảo ngược chúng.

Mô hình Zic-Zac (Zig-Zag Formation)

Mô thành zic-zac là những bước giá di chuyển ngược lại xu hướng chính trước đó.

Sóng B thường có chiều dài ngắn nhất so với Sóng A và C.

Các mẫu hình zic-zac này có thể xảy ra hai lần hoặc thậm chí ba lần trong một đợt điều chỉnh (2 đến 3 mẫu zic-zac được liên kết với nhau).

Giống như với tất cả các sóng, mỗi sóng trong các mô hình zic-zac có thể được chia thành các mô hình 5 sóng.

Mô hình phẳng (Flat Formation)

Tìm hiểu những kiến thức cơ bản về lý thuyết sóng Elliott

Mô hình phẳng là dạng sóng điều chỉnh đi ngang (sideways) đơn giản. Trong mô hình phẳng, độ dài của từng sóng bằng nhau. Trong đó, sóng B đảo ngược sóng A và sóng C ngược với sóng B. Tuy nhiên, sóng B đôi khi có thể vượt quá khỏi điểm bắt đầu của sóng A.

Mô hình hình tam giác (Triangle Formation)

Tìm hiểu những kiến thức cơ bản về lý thuyết sóng Elliott

Mô hình tam giác là các mẫu điều chỉnh bị giới hạn bởi các đường xu hướng hội tụ hoặc phân kỳ. Mô hình tam giác được tạo thành từ 5 sóng di chuyển ngược với xu hướng ban đầu và đi ngang (sideways). Các hình tam giác này có thể  tam giác cân, tam giác giảm dần, tam giác tăng dần hoặc tam giác mở rộng.

Sóng nằm trong sóng (Mô hình Fractals)

Sóng Elliott có mô hình fractals (phân hình). Mỗi sóng được tạo thành từ nhiều sóng phụ nhỏ hơn.

Tìm hiểu những kiến thức cơ bản về lý thuyết sóng Elliott

Nhìn vào hình minh họa có thể thấy Sóng 1, 3 và 5 được tạo thành từ mô hình đẩy 5 sóng nhỏ hơn trong khi Sóng 2 và 4 được tạo thành từ mô hình điều chỉnh 3 sóng nhỏ hơn. Đó là một dạng mô hình fractals: mỗi sóng được tạo thành từ các mô hình sóng nhỏ hơn.

Lý thuyết sóng Elliott đã phân loại các loại sóng theo thứ tự từ lớn nhất đến nhỏ nhất. Bao gồm:

  • Grand Supercycle: nhiều thế kỷ
  • Supercycle: khoảng 40–70 năm
  • Cycle: 1 năm đến vài năm
  • Primary: 1 vài tháng đến một vài năm
  • Intermediate: 1 vài tuần đến vài tháng
  • Minor: tuần
  • Minute: ngày
  • Minuette: Giờ
  • Sub-Minuette: Phút

Theo đó, Một sóng Grand Supercycle được tạo thành từ các sóng Supercycle; 1 sóng Supercycle được tạo thành từ các sóng Cycle; 1 sóng Cycle được tạo thành các sóng Primary; 1 sóng Primary được tạo thành từ các sóng Intermediate; 1 sóng Intermediate được tạo thành từ các sóng Minor; 1 sóng Minor được tạo thành từ các sóng Minute; 1 sóng Minute được tạo thành từ các sóng Sub-Minuette.

Tìm hiểu những kiến thức cơ bản về lý thuyết sóng Elliott

Nhìn vào biểu đồ minh họa phía trên ta có thể thấy sóng Elliott không hoàn hảo trong thị trường. Đôi khi rất khó để nhận biết giá đã tạo thành loại sóng nào.

Do đó, để áp dụng lý thuyết sóng Elliott vào thực tế giao dịch, các trader cần tự mình trải nghiệm và luyện tập nhiều để nhận định được các mô hình sóng và biết cách giao dịch với mô hình sóng Elliott.

Bài viết sau Investing.vn sẽ giới thiệu tới các bạn các quy tắc của lý thuyết sóng Elliott và cách giao dịch với sóng Elliott.

Investing.vn

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận