skip to Main Content

Tìm hiểu các loại chứng khoán trên thị trường quốc tế

Thị trường chứng khoán Mỹ nói riêng, và quốc tế nói chung có rất nhiều loại sản phẩm tài chính. Trước khi đầu tư, bạn cần hiểu và phân biệt được các loại tài sản này. Vậy, thị trường có những loại chứng khoản nào? Đặc điểm của chúng là gì? Và bạn nên đầu tư vào đâu?

Chúng ta sẽ cùng nhau khám phá trong bài viết này.

Các loại chứng khoán quốc tế

Theo đúng ngôn ngữ tài chính, người ta chỉ coi “cổ phiếu” và “trái phiếu” mới là chứng khoán. Tuy nhiên, ngày này các nhà môi giới thường cung cấp đa dạng sản phẩm. Việc này giúp nhà đầu tư có thêm lựa chọn. Đồng thời, cũng tăng thêm cơ hội trong những lúc thị trường bất lợi. Trong bài viết này, chúng ta sẽ hiểu chứng khoán theo một nghĩa rộng hơn. Đó là nói chung cho các sản phẩm tài chính của thị trường quốc tế.

Cổ phiếu

Cổ phiếu (tiếng Anh: stock) là loại chứng khoán đại diện cho một phần quyền sở hữu của một công ty cổ phần. Phần sở hữu đó được gọi là cổ phần (share). Quyền sở hữu này cho phép những người sở hữu cổ phiếu, tức là các cổ đông (share holder) được hưởng một phần tài sảnlợi nhuận của công ty, tương đương với số lượng cổ phiếu mà họ nắm giữ.

Cổ phiếu là loại chứng khoán phổ biến nhất. Nó phổ biến đến mức khi nhắc đến nhà đầu tư chứng khoán, chúng ta sẽ mặc định coi đó là một nhà đầu tư cổ phiếu.

Cổ phiếu được mua và bán chủ yếu trên các sàn giao dịch chứng khoán. Mặc dù đôi khi chúng cũng có thể được mua bán theo thỏa thuận riêng. Cách thức giao dịch là hai bên đặt giá “chào mua” (Bid) và giá “chào bán” (Ask). Một giao dịch sẽ được thực hiện tự động khi giá chào mua và chào bán của 2 nhà giao dịch gặp nhau. Hành động đó gọi là khớp lệnh. Giao dịch sẽ được giám sát bởi các Ủy ban chứng khoán để tránh hành vi gian lận.

Cổ phiếu đã có lịch sử hình thành và phát triển trên thế giới vài trăm năm. Đầu thế kỷ 17, sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên đã được hình thành ở Amsterdam (Hà Lan). Trong suốt lịch sử phát triển, cổ phiếu đã được chứng minh là khoản đầu tư hiệu quả hơn trong dài hạn so với hầu hết các loại tài sản khác như Trái phiếu, Vàng, Bất động sản…

Trái phiếu

Trái phiếu (Bond) là loại chứng khoán nợ với lợi tức cố định. Nó thể hiện một khoản vay giữa trái chủ (người mua trái phiếu) với tổ chức phát hành trái phiếu. Tổ chức này thường là doanh nghiệp hoặc chính phủ.

Khi phát hành, trái phiếu đi kèm với điều kiện về một khoản lợi tức (lãi vay) được công bố trước, cùng với kỳ hạn trả nợ. Khi đáo hạn, người mua trái phiếu được nhận lại tiền gốc cùng lợi tức nói trên.

Nếu chưa đáo hạn, người mua cũng có thể mua bán trái phiếu trên thị trường chứng khoán. Giá trị của một trái phiếu thường phụ thuộc vào khả năng thanh toán của tổ chức phát hành, và khoảng thời gian con bao lâu đến ngày đáo hạn. Trong ngắn hạn, giá của trái phiếu cũng bị ảnh hưởng bởi thị trường cổ phiếu, lãi suất ngân hàng và một số yếu tố khác.

Năm 2022, Việt Nam đã xảy ra tình trạng nhiều công ty vỡ nợ trái phiếu, hoặc chậm thanh toán trái phiếu. Đó là rủi ro khi đến ngày đáo hạn, tổ chức đó không có đủ tiền để thanh toán cho chủ nợ. Do vậy, ở Mỹ có các tổ chức xếp hạng tín dụng để đánh giá năng lực trả nợ. Bị hạ điểm tín dụng sẽ khiến cho doanh nghiệp đó khó tiếp cận vốn vay hơn.

Vì lãi suất tiền gửi ngân hàng USD và Euro rất thấp nên lợi tức của trái phiếu trên thị trường Mỹ cũng không cao. Nó rơi vào khoảng vài phần trăm mỗi năm tùy theo từng loại. Với nhà đầu tư Việt Nam (phải chuyển đổi từ VND sang USD) thì trái phiếu Mỹ không phải là một lựa chọn hấp dẫn.

Chỉ số chứng khoán

Chỉ số chứng khoán là một công cụ tài chính nhằm đánh giá tổng quan hay một phần của thị trường chứng khoán. Có thể hiểu chỉ số là tập hợp của một nhóm cổ phiếu đại diện cho thị trường.

Có những chỉ số đánh giá diện rộng, như chỉ số S&P500 chẳng hạn. Nó bao gồm 500 doanh nghiệp hàng đầu và gần như nói lên diễn biến của toàn bộ TTCK Mỹ. Nhưng cũng có chỉ số nhắm đến một khu vực cụ thể. Chẳng hạn như chỉ số Russell 2000. Chỉ số này chuyên tập hợp các doanh nghiệp có vốn hóa nhỏ.

Chỉ số được tính toán trên những công thức chuẩn hóa. Các cổ phiếu có thể đóng góp giá trị vào chỉ số theo những trọng số khác nhau. Tất cả nhằm đảm bảo chỉ số sẽ cho chúng ta một cái nhìn khách quan nhất, thay vì bị một vài cổ phiếu chi phối biến động.

Trong nhiều năm, Warren Buffett đã chọn chỉ số S&P500 làm tiêu chuẩn đánh giá kết quả đầu tư. Thay vì tính xem lợi nhuận đầu tư cao hay thấp. Buffett chọn cách so sánh nó với chỉ số này. Với ông, chỉ cần hiệu suất cao hơn so với thị trường chung thì được coi là đầu tư thành công. Nhiều quỹ đầu tư cũng đã chọn cách làm tương tự.

Có một điều thú vị là dù được tính toán và lựa chọn rất giản dị, chỉ số chứng khoán vẫn có mức tăng trưởng vượt hơn hầu hết các quỹ đầu tư. Nó cho thấy một thực tế là dù con người tính toán rất nhiều, dùng nhiều chiến lược phức tạp, phần lớn họ vẫn thua thị trường chung. Nhờ vậy, đầu tư theo chỉ số đã trở thành phương thức tiết kiệm và làm giàu khá phổ biến.

Các nhà môi giới như Capital.com cho phép bạn giao dịch trực tiếp trên chỉ số chứng khoán. Nhưng bạn chỉ nên làm vậy nếu trade ngắn hạn. Muốn mua lâu dài, bạn hãy chọn các ETF mô phỏng chỉ số. Như vậy, bạn không mất phí qua đêm và việc nắm giữ trở nên hiệu quả hơn rất nhiều.

Quỹ hoán đổi ETF

Quỹ hoán đổi danh mục (ETF – Exchange-Traded Fund) là loại chứng khoán đại diện cho một danh mục đầu tư. Danh mục đó có thể là chỉ số chứng khoán, một rổ cổ phiếu, trái phiếu, nhóm ngành, một loại hàng hóa, kim loại… hay bất cứ loại tài sản nào khác.

Bạn có thể hiểu đơn giản là ETF mô phỏng lại một tài sản hoặc một nhóm tài sản nào đó. Ở thị trường Mỹ, chúng ta dễ dàng tìm được ETF mô phỏng chỉ số, ETF mô phỏng vàng, ETF mô phỏng ngành khai khoáng, ETF ngành bán lẻ …

Ưu điểm của ETF là chúng được niêm yết trên sàn chứng khoán. Ta có thể mua bán nó giống như một cổ phiếu bình thường. Số lượng ETF ở thị trường Mỹ rất phong phú. Chúng giúp cho việc đầu tư vào các tài sản khác hoặc nhóm tiêu chí cụ thể trở nên đơn giản hơn. Ngoài ra, mua ETF cũng tiết kiệm chi phí hơn so với mua cổ phiếu riêng lẻ. Hoặc so với góp vốn vào quỹ tương hỗ (mutual fund). Bởi các quỹ tương hỗ được vận hành bởi con người và tốn nhiều chi phí quản lý hơn.

ETF mô phỏng Bitcoin đầu tiên (BITO) đã được niêm yết và giao dịch trên sàn NYSE vào tháng 10 năm 2021. Nó đánh dấu lần đầu tiên một ETF với danh mục crypto chính thức hoạt động ở Hoa Kỳ.

ETF cũng được nhiều nhà đầu tư thành công khuyến nghị dành cho các nhà đầu tư không chuyên. Nhờ vào chi phí thấp, dễ tiếp cận, dễ lựa chọn. ETF rất đáng để bạn quan tâm và lựa chọn trong danh mục đầu tư của bạn.

Kim loại và hàng hóa

Kim loại (Metals) và Hàng hóa (Commodities) chủ yếu là các loại sản phẩm của Sàn hàng hóa New York. Tuy vậy, hầu hết broker quốc tế cho phép bạn giao dịch chúng dưới dạng CFD hoặc Futures.

Sàn hàng hóa New York cũng có lịch sử hàng trăm năm (từ năm 1882). Hiện nay, sàn này được quản lý bởi tập đoàn CME Group. Nhưng nó vẫn hoạt động dưới sự giám sát của chính phủ Hoa Kỳ.

Các sản phẩm được giao dịch trên sàn hàng hóa gồm có:

– Nhóm Kim loại: Vàng, Bạc, Đồng, Nhôm, Bạch Kim, Uranium, Palladium …

– Nhóm Năng lượng: Dầu thô, Xăng, Khí đốt, Điện, Than đá …

– Nhóm Hàng hóa: Ngô, Lúa mì, Đậu tương, Bông, Cà phê, Cacao …

Ở Việt Nam, các nhà đầu tư thường quan tâm rất nhiều đến giá Vàng và Dầu thô. Nhất là khi tình hình kinh tế, chính trị thế giới có những biến động. Nếu bạn có hiểu biết về Kim loại và Hàng hóa, đây sẽ là thị trường cực kỳ tiềm năng.

Tiền điện tử mã hóa (Crypto)

Crypto (tiền điện tử mã hóa) là các loại tiền tệ kỹ thuật số, được tạo ra và vận hành trên nền tảng của công nghệ blockchain. Crypto bắt đầu năm 2009, với sự ra đời của Bitcoin. Cho đến nay, Bitcoin vẫn là loại tiền điện tử phổ biến nhất và có vốn hóa lớn nhất trong thế giới crypto.

Dù là thị trường sinh sau đẻ muộn, crypto nhanh chóng chứng minh sức ảnh hưởng của mình. Vốn hóa của thị trường đã đạt 1000 tỷ USD vào năm 2021.

Theo dữ liệu quá khứ, nếu bạn dùng 100 USD để mua Bitcoin vào năm 2010. Đến năm 2020, số tiền đó đã trở thành 9.5 triệu USD. Tuy nhiên, thị trường crypto cũng tiềm ẩn những rủi ro với nhiều vụ gian lận, tấn công và sụp đổ của các đồng coin hoặc sàn giao dịch.

Mặc dù còn những tranh cãi, crypto ngày nay đã được thừa nhận như một tài sản trên toàn cầu. Crypto được giao dịch chính thức trên sàn hàng hóa. Các công ty giao dịch, khai thác crypto niêm yết trên sàn chứng khoán. Các quỹ đầu tư crypto cũng thành lập ngày một nhiều. Qua đó, crypto đã chứng tỏ mình là một loại tài sản có mức tăng trưởng ấn tượng và đáng đầu tư trong dài hạn.

Tổng kết

Nhờ các sản phẩm phong phú, thị trường quốc tế luôn hấp dẫn các nhà đầu tư. Bởi vì trong bối cảnh nào, người ta đều có thể tìm thấy cơ hội. Khó khăn của lĩnh vực này, lại tạo ra thuận lợi cho lĩnh vực khác.

Thị trường chứng khoán quốc tế được ví như một đại dương lớn đầy cá. Vấn đề là bạn chuẩn bị cho thuyền và lưới của mình ra sao. Nếu có thể hiểu và thành thạo các kỹ năng, chỉ cần một loại chứng khoán bất kỳ cũng có thể giúp bạn tăng trưởng tài sản. Chúc bạn thành công!

Investing.vn

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận