skip to Main Content

Tầm quan trọng của quản lý vốn trong đầu tư chứng khoán

  1. Quản lý vốn trong đầu tư chứng khoán (Level 4)
  2. Tầm quan trọng của quản lý vốn trong đầu tư chứng khoán
  3. Bảng cân đối tài chính cá nhân là gì ? Xây dựng bảng cân đối tài chính cá nhân
  4. Phân bổ nguồn vốn cá nhân vào đầu tư chứng khoán
  5. Xác định mục tiêu tài chính khi đầu tư chứng khoán
  6. Xác định khả năng chấp nhận rủi ro (Risk Tolerance) trong đầu tư chứng khoán
  7. Quy tắc 2% trong đầu tư chứng khoán
  8. Xác định điểm đặt chặn lỗ trong đầu tư chứng khoán
  9. Quản lý danh mục đầu tư để đầu tư hiệu quả

Mục đích lớn nhất của tất cả các nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường chứng khoán đó là kiếm tiền. Tuy nhiên, trước khi kiếm được tiền, bạn cần biết cách quản lý chúng. Quản lý vốn là một kỹ năng quan trọng mà mọi nhà đầu tư cần biết để có thể tồn tại trên thị trường. Trên thực tế, đây lại là một trong những vấn đề bị bỏ qua nhiều nhất trong giao dịch tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng. Vậy quản lý vốn là gì, vì sao quản lý vốn lại quan trọng trong đầu tư chứng khoán? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài học này.

Quản lý vốn trong đầu tư chứng khoán là gì?

Về cơ bản, khái niệm quản lý vốn là tương tự như nhau trong hầu hết các lĩnh vực đầu tư tài chính. Vốn chính là tiền, cụ thể đó là số tiền bạn dự định đầu tư vào chứng khoán. Quản lý vốn là một sự kiểm soát hiệu quả các khoản chi tiêu vốn, từ đó đưa ra những quyết định giao dịch tối ưu nhất cho kế hoạch phát triển đầu tư lâu dài.

Nhà đầu tư quản lý vốn bằng cách chia nhỏ tài khoản giao dịch, đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình để có thể quản lý rủi ro và kiểm soát được các mức độ rủi ro khác nhau. Đồng thời, tối ưu hóa lợi nhuận trên mỗi giao dịch.

quản lý vốn trong đầu tư chứng khoán

Vai trò của quản lý vốn trong đầu tư chứng khoán

Quản lý vốn để tồn tại trên thị trường

Thị trường chứng khoán về cơ bản không biến động liên tục như thị trường forex. Nhà đầu tư chứng khoán muốn kiếm được lợi nhuận đáng kể, đa phần phải nắm giữ tài sản của mình trong một khoảng thời gian tương đối dài. Vì vậy, trước khi bạn có thể kiếm được lợi nhuận bền vững, bạn cần phải học cách quản lý vốn để tồn tại. Với việc quản lý vốn ở mức rủi ro thấp, bạn có thể liên tục thua lỗ mà không gây thiệt hại quá nhiều trước khi tìm được hệ thống giao dịch hiệu quả và phù hợp hơn với bạn.

Nếu bạn đã hết sạch vốn trước khi tìm được hệ thống giao dịch hiệu quả, bạn không thể tiếp tục “trả học phí” cho thị trường để tiếp tục con đường đầy khó khăn này. Giống như câu nói của nhà quản lý quỹ phòng hộ Larry Hite “Nếu không cược, bạn không thể thắng. Nhưng nếu thua hết vốn, bạn không thể tiếp tục cược!”

Quản lý vốn để phục hồi tài khoản dễ dàng hơn khi thua lỗ

Giả sử một nhà đầu tư cá nhân có 1 tỷ đồng đầu tư trên thị trường chứng khoán, trong mỗi lệnh mua bán đều có mức “cắt lỗ” và luôn tuân theo kỷ luật, thì trong một năm với 10 lệnh mua/bán, chưa kể phí giao dịch và đòn bẩy tài chính, có thể thấy thiệt hại như sau:

quản lý vốn trong đầu tư chứng khoán

Như vậy, với 1 tỷ đồng đầu tư đầu năm, sau 10 lần vào lệnh sai và thua lỗ, với mức cắt lỗ 5% trên mỗi lệnh thì vốn còn lại của nhà đầu tư này cũng chỉ còn hơn 630 triệu đồng (thua lỗ hơn 37%). Nếu mức cắt lỗ là 10% trên mỗi lệnh, thì vốn đầu tư chỉ còn 387 triệu (thua lỗ hơn 61%). Thực tế trên thị trường có nhiều cổ phiếu có những đợt giảm sàn liên tục khiến cho nhà đầu tư “cháy tài khoản” hoặc không thể bán.

Vậy bạn cần thắng bao nhiêu để có thể phục hồi tài khoản về số dư ban đầu?

  • Nếu tài khoản lỗ 10%, bạn cần tăng trưởng 111% số dư còn lại chỉ để hòa vốn.
  • Nếu tài khoản lỗ 30%, bạn cần tăng trưởng 143% số dư còn lại chỉ để hòa vốn.
  • Nếu tài khoản lỗ 50%, bạn cần tăng trưởng 200% (nhân đôi) số dư còn lại chỉ để hòa vốn.
  • Nếu tài khoản lỗ 70%, bạn cần tăng trưởng 333% số dư còn lại chỉ để hòa vốn.
  • Nếu tài khoản lỗ 90%, bạn cần tăng trưởng 1000% (nhân 10 lần) số dư còn lại chỉ để hòa vốn.

Bạn có thể thấy thua lỗ thì dễ dàng còn để hòa vốn sau thua lỗ thì vô cùng khó khăn. Nếu bạn chấp nhận rủi ro quá lớn cho mỗi giao dịch, khi gặp chuỗi lệnh thua lỗ dài, bạn có nguy cơ cháy tài khoản trước khi hệ thống tạo ra lợi nhuận cho bạn.

2% được coi là tỷ lệ rủi ro tốt nhất dành cho các nhà đầu tư. Nếu quản lý vốn ở mức 2% cho một giao dịch thua lỗ, với 10 giao dịch thua liên tiếp, bạn vẫn có đến 80% vốn để bắt đầu lại, tất nhiên sau khi điều chỉnh lại hệ thống giao dịch của mình.

Quản lý vốn để có tâm lý giao dịch tốt hơn

Các nhà đầu tư thường phải dành cả ngày ngồi trước màn hình máy tính để theo dõi biến động của thị trường. Một số nhà đầu tư dễ dàng hoang mang, lo sợ và nhanh chóng thoát khỏi thị trường khi xuất hiện những thông tin gây nhiễu. Với một kế hoạch quản lý vốn, quản lý rủi ro tốt, bạn sẽ không còn phải lo lắng mỗi khi rời màn hình bởi tất cả đã nằm trong tầm kiểm soát của bạn.

Nhà đầu tư không cần quá bận tâm về một giao dịch thua lỗ. Nếu có nhiều thua lỗ liên tục, điều bạn cần bận tâm không phải là về số tiền đã thua mà về hệ thống giao dịch của mình. Một hệ thống giao dịch hiệu quả đi kèm với kỷ luật trong quản lý vốn sẽ sinh ra lợi nhuận ổn định theo thời gian.

quản lý vốn trong đầu tư chứng khoán

Như vậy, trong bài học này, bạn đã biết được vai trò của quản lý vốn trong đầu tư chứng khoán. Không chỉ riêng đầu tư chứng khoán mà trong bất kỳ lĩnh vực tài chính khác, quản lý vốn là một kỹ năng vô cùng quan trọng mà bạn cần nắm được trước khi bắt đầu giao dịch của mình. Để tối thiểu hóa rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận, hãy nghiên cứu và xây dựng cho mình một hệ thống giao dịch hoàn thiện cũng như kế hoạch quản lý vốn hiệu quả và tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc giao dịch mà mình đã đề ra.

Investing.vn

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận