skip to Main Content

Tầm quan trọng của khối lượng giao dịch và vai trò của các tổ chức lớn

  1. Đầu tư cổ phiếu theo phong cách CANSLIM
  2. Tổng quan về phương pháp đầu tư Canslim
  3. Phương pháp xác định xu hướng thị trường chung
  4. Cách lựa chọn phân khúc thị trường, các nhóm công nghiệp để tìm kiếm cổ phiếu
  5. Các yếu tố cơ bản cần quan tâm khi lựa chọn cổ phiếu đầu tư
  6. Sử dụng chỉ số sức mạnh giá tương đối để lựa chọn cổ phiếu tăng trưởng tốt
  7. Tầm quan trọng của khối lượng giao dịch và vai trò của các tổ chức lớn
  8. Phương pháp nhận biết thời điểm thị trường chạm đỉnh
  9. Phương pháp nhận biết thời điểm thị trường chạm đáy
  10. Kỹ luật cutloss 8% giúp bạn giảm thiểu thua lỗ khi thị trường sụt giảm
  11. Đầu tư dựa trên các quy tắc, không dựa vào cảm xúc

Theo ông chủ của phương pháp đầu tư CANSLIM, những đối tượng có ảnh hưởng lớn nhất trên thị trường là các quỹ tương hỗ và các tổ chức lớn. Vậy, những tổ chức này có ảnh hưởng như thế nào đến thị trường và các nhà đầu tư cá nhân có thể nhận biết hoạt động giao dịch thông qua quỹ tương hỗ và các tổ chức lớn như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

Khối lượng giao dịch là gì và tại sao lại quan trọng?

Mối quan hệ tương đối giữa khối lượng giao dịch, giá hiện tại và vốn hóa thể hiện mức độ quan tâm của nhà đầu tư đến tài sản giao dịch. Nếu volume lớn trong khi giá tăng, đó chính là chỉ báo tốt nhất cho thấy mức độ quan tâm đang tăng. Còn nếu volume nhỏ nghĩa là mức độ quan tâm thấp. Chính vì vậy, các chuyên gia thường khuyến cáo các nhà đầu tư lựa chọn những tài sản có khối lượng giao dịch lớn.

Khi lựa chọn cổ phiếu, bạn có thể đo lượng cầu dựa vào khối lượng giao dịch hàng ngày hoặc hàng tuần. Khối lượng giao dịch là con số thực về lượng cổ phiếu được giao dịch trong ngày. Số liệu này có thể dễ dàng tìm thấy ở các tờ nhật báo. Tuy nhiên, nếu bạn không theo dõi liên tục để nhận ra khối lượng giao dịch nào thật sự vượt trội (báo hiệu những vụ mua bán lớn), các số liệu hàng ngày chưa hẳn đã hữu ích.

Tầm quan trọng của khối lượng giao dịch và vai trò của các tổ chức lớn
Khối lượng giao dịch

Chính vì thế, William O’Neil và các cộng sự đã xây dựng lên bảng cổ phiếu trên tờ Investor’s Business Daily, giúp cung cấp cho các nhà đầu tư số liệu về “tỷ lệ phần trăm thay đổi khối lượng giao dịch” của mỗi cổ phiếu hàng ngày. Nhờ đó bạn có thể theo dõi được sự thay đổi phần trăm khối lượng giao dịch trong ngày hôm qua của mỗi loại cổ phiếu so với trung bình 50 ngày trước đó.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể biết cổ phiếu được giao dịch với khối lượng nhiều hơn hay ít hơn khối lượng giao dịch trung bình. Ví dụ, một cổ phiếu được ghi “+356” ở cột “tỷ lệ phần trăm thay đổi khối lượng giao dịch” có nghĩa là cổ phiếu đó có khối lượng giao dịch trong ngày tăng 356% so với khối lượng giao dịch trung bình 50 ngày trước đó. Ngoài ra, các cổ phiếu có tỷ lệ phần trăm thay đổi khối lượng giao dịch cao nhất cũng được công bố trên tờ Investor’s Business Daily, trong mục “Nơi dòng tiền chảy nhiều nhất” ở đầu các bảng cổ phiếu NYSE và Nasdaq hàng ngày.

Trên thực tế, đa số các tổ chức/quỹ đầu tư lớn sẽ không mua cổ phiếu mà không tạo ra sự thay đổi nào trong “tỷ lệ phần trăm thay đổi khối lượng giao dịch” hay không có mặt trong danh mục “Nơi dòng tiền chảy nhiều nhất” có trên tờ Investor’s Business Daily.

Làm thế nào để biết một cổ phiếu đang được bán ra hay mua vào?

Khối lượng giao dịch giúp các nhà đầu tư biết được mức độ quan tâm của giới đầu tư đến cổ phiếu đó, tuy nhiên, làm thế nào để xác nhận cổ phiếu đó đang được mua nhiều hay bán ồ ạt?

Tờ Investor’s Business Daily có phương tiện đánh giá độc quyền rất hữu ích để xác định một cổ phiếu đang được bán ra hay mua vào, đó là mục “Phân phối/Tích luỹ”. Mục này theo dõi khối lượng giao dịch trong 30 tuần trước đó của một cổ phiếu và cho bạn biết cổ phiếu đó đang được tích luỹ (các tổ chức mua vào) hay phân phối (các tổ chức bán ra). Theo đó, các cổ phiếu sẽ được xếp hạng từ A đến E, nếu A hoặc B nghĩa là cổ phiếu đang được mua vào, D hoặc E nghĩa là cổ phiếu đang được bán ra (nhà đầu tư nên tránh thời điểm này), và C chỉ ra lượng mua bán cân bằng.

Tầm quan trọng của các tổ chức lớn trong việc lựa chọn kiến thức đầu tư

Quy luật cung cầu rất phổ biến trên thị trường. Các cổ phiếu không bao giờ bất ngờ tăng giá. Đằng sau đó chắc chắn phải có một lượng cầu mua lớn. Đa phần lượng cầu này xuất phát từ các tổ chức lớn. Họ thường mua hơn 75% trong tổng số cổ phiếu hàng đầu trên thị trường.

Để giúp các bạn hình dung về sự tác động của các tổ chức lớn đối với thị trường, tôi sử dụng ví dụ sau: Một quỹ đầu tư có 1 tỷ đô-la và chỉ muốn đầu tư 2% tài sản (tương đương 20 triệu đô-la) vào một cổ phiếu đang được giao dịch ở mức giá 40 đô-la. Như vậy, họ sẽ mua được 500 nghìn cổ phiếu và đây là một số lượng tương đối lớn, gây tác động đến thị trường khi lực mua được đẩy lên cao.

Tầm quan trọng của khối lượng giao dịch và vai trò của các tổ chức lớn

Hiểu được tầm quan trọng của các tổ chức lớn đến quyết định có nên mua/bán một cổ phiếu hay không, William O’Neil khuyên các nhà đầu tư chỉ nên mua các cổ phiếu được ít nhất 1 hoặc 2 quỹ đầu tư mua vào bởi họ đã có sự nghiên cứu sâu rộng về tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu đó trong tương lai.

Thế nhưng, một vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể tìm ra những quỹ đầu tư hoạt động tốt và biết được họ đang mua và bán cổ phiếu nào?

Cách thức tìm ra những quỹ đầu tư hoạt động tốt và biết được họ đang mua cổ phiếu nào?

Tờ Investor’s Business Daily do William O’Neil tạo ra nhằm mục đích giúp bạn xử lý những khó khăn đó bằng cách theo dõi mục “Quỹ tương hỗ”.

Mục này cung cấp thông tin về tất cả các quỹ có hoạt động tốt nhất trong 3 năm qua. Một mục đánh giá độc quyền khác là mục xếp hạng “Hoạt động trong 3 năm”, so sánh mọi loại quỹ, và xếp hạng chúng trong một bảng tỷ lệ: Quỹ xếp hạng A+ thuộc nhóm 5% các quỹ dẫn đầu; xếp hạng A thuộc nhóm 10% các quỹ dẫn đầu; xếp hạng A- thuộc nhóm 15% các quỹ dẫn đầu; xếp hạng B+ thuộc nhóm 20% các quỹ dẫn đầu, v.v… Đó là chìa khoá giúp bạn nhận ra những quỹ hoạt động tốt nhất.

Trong mục này còn có những danh mục đặc biệt chứa các thông tin quan trọng khác về các quỹ hoạt động tốt, như 10 cổ phiếu lớn nhất của một quỹ, các giao dịch mua cổ phiếu mới (thể hiện bằng chữ “N” bên cạnh tên cổ phiếu) và những cổ phiếu được một quỹ mua thêm hay cắt giảm (thể hiện bằng dấu “+” hoặc “-” bên cạnh tên cổ phiếu). Thông tin về nhóm 10 cổ phiếu hàng đầu được các quỹ nắm giữ nhìn chung đáng quan tâm hơn những cổ phiếu ít được các quỹ nắm giữ.

Đồng thời mục “Quỹ tương hỗ” còn công bố nhóm 10 cổ phiếu được một quỹ mua vào gần đây với số lượng lớn. Tôi đặc biệt quan tâm đến nhóm 3 hoặc 4 cổ phiếu hàng đầu mới được các quỹ mua. Một quỹ hoạt động hàng đầu mua một cổ phiếu với số lượng lớn cho bạn biết cổ phiếu đó có sức thuyết phục nhất đối với họ. Theo dõi mục này hàng ngày, bạn sẽ biết được khi nào một vài quỹ khác nhau cùng mua vào một loại cổ phiếu mới hoặc đang bán ra một cổ phiếu bạn đang quan tâm.

Ngoài ra, tờ Investor’s Business Daily còn có một mục độc quyền khác có tên là mục “Xếp hạng bảo trợ”, thể hiện ở các bảng cổ phiếu vào ngày thứ ba hàng tuần. Bảo trợ của mỗi cổ phiếu được xếp hạng từ A đến E. Cổ phiếu xếp hạng A hoặc B là cổ phiếu được các quỹ hoạt động tốt sở hữu và/hoặc số lượng quỹ sở hữu cổ phiếu tăng trong những quý gần đây.

Tuy nhiên, nhiều người nghĩ rằng họ nên mua một cổ phiếu chưa có bất kỳ quỹ nào sở hữu và hy vọng giá của nó sẽ tăng lên khi được các quỹ quan tâm tới. Quan niệm này thật thiển cận. Hãy tránh xa cổ phiếu không được một quỹ đầu tư hoạt động tốt nào quan tâm đến. Hãy tự hỏi tại sao các quỹ hoạt động tốt không quan tâm đến cổ phiếu đó? Dù thế nào đi nữa, sức mua mạnh mẽ của các quỹ đầu tư vẫn có thể làm tăng giá cổ phiếu. Vì vậy, bạn nên mua những cổ phiếu được một số quỹ hoạt động tốt mua vào gần đây.

Bằng cách thường xuyên theo dõi mục “Quỹ tương hỗ” trên tờ Investor’s Business Daily, bạn sẽ phát hiện một số điều về những cổ phiếu mà các quỹ đầu tư xuất sắc thường mua và không mua. Họ không mua những cổ phiếu giá rẻ mà thích các công ty chất lượng cao có thể đáp ứng sức mua của họ. Bạn cũng có thể xác định những ngành họ đầu tư vào nhiều nhất cũng như các lĩnh vực họ đang rút lui.

Trên đây là những kiến thức cơ bản về tầm quan trọng của khối lượng giao dịch và các tổ chức lớn trong việc lựa chọn một cổ phiếu để đầu tư. Hy vọng rằng các bạn sẽ áp dụng những kiến thức này trong đầu tư chứng khoán một cách hiệu quả. Chúc bạn thành công!

Investing.vn

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận