skip to Main Content

Rủi ro trong đầu tư chứng khoán

  1. Phân tích cơ bản chứng khoán (Level 3)
  2. So sánh ưu và nhược điểm của phương pháp phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản
  3. Các thông tin cần tìm hiểu trước khi đầu tư
  4. Các yếu tố kinh tế ảnh hưởng đến giá cổ phiếu
  5. Tin tức về cổ tức ảnh hưởng như thế nào đến giá cổ phiếu
  6. Xác định giá trị công ty
  7. Bảng cân đối tài chính và báo cáo thu nhập của công ty
  8. Tỷ lệ giá trên thu nhập (P/E) và tỷ lệ bán hàng (PSR)
  9. Rủi ro trong đầu tư chứng khoán
  10. Các dấu hiệu nên tránh khi đầu tư cổ phiếu
  11. Các tính giá trị hợp lý của cổ phiếu dựa vào dòng tiền chiết khấu

Trong phần trước, chúng ta đã tìm hiểu về tỷ lệ giá trên thu nhập (P/E) và tỷ lệ bán hàng (PSR) của một công ty để nhận định đúng về giá trị của doanh nghiệp trước khi đầu tư. Giống như mọi loại hình kinh doanh khác, đầu tư chứng khoán luôn chứa nhiều rủi ro đối bạn bất cứ thời điểm nào. Khả năng sinh lời của khoản đầu tư của bạn càng lớn thì mức độ rủi ro của nó càng cao. Trong bài học này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những loại rủi ro mà các nhà đầu tư chứng khoán thường gặp phải và cách thức quản lý những rủi ro đó.

Những rủi ro trong đầu tư chứng khoán bạn nên biết

Nếu hiểu một cách khái quát, rủi ro trong đầu tư chứng khoán là khả năng giá trị khoản đầu tư giảm, khiến nhà đầu tư bị thua lỗ. Rủi ro trong đầu tư chứng khoán có nhiều loại khác nhau.

1. Rủi ro kinh tế

Một trong những rủi ro rõ ràng nhất trong đầu tư là khủng hoảng kinh tế. Sau sự bùng nổ của thị trường vào năm 2000 và các cuộc tấn công khủng bố vào ngày 11/9/2001, nền kinh tế bắt đầu ổn định nhưng các chỉ số thị trường giảm đi đáng kể. Phải mất nhiều năm để hồi phục như trước ngày 11/9.

Rủi ro trong đầu tư chứng khoán

Đối với các nhà đầu tư trẻ tuổi, chiến lược tốt nhất thường là “hunker down” và vượt qua những suy thoái này. Nếu bạn muốn tăng vị thế của mình trong các công ty có nền móng vững vàng, đây thường là thời điểm tốt để thực hiện điều đó.

Chứng khoán nước ngoài có thể là một điểm sáng khi thị trường trong nước rơi vào tình trạng khó khăn. Nhờ vào việc toàn cầu hóa, một số công ty đặt tại Mỹ cũng có thể kiếm được phần lớn lợi nhuận của họ ở nước ngoài. Tuy nhiên, trong một cuộc sụp đổ như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, có thể không có nơi nào là thực sự an toàn.

Với các nhà đầu tư lớn tuổi lại ở trong thế ràng buộc hơn. Nếu bạn đang trong hoặc gần nghỉ hưu, một sự suy thoái lớn trong thị trường chứng khoán cũng có thể tàn phá nếu bạn chưa chuyển tài sản đáng kể sang trái phiếu hoặc chứng khoán thu nhập cố định. Đây là lý do tại sao việc đa dạng hóa trong danh mục đầu tư của bạn là cần thiết.

2. Rủi ro lạm phát và rủi ro lãi suất

Trong kinh tế vĩ mô, lạm phát là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian và sự mất giá trị của một loại tiền tệ nào đó. Khi mức giá chung tăng cao, một đơn vị tiền tệ sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn so với trước đây, do đó lạm phát phản ánh sự suy giảm sức mua trên một đơn vị tiền tệ.

Khi lạm phát xảy ra, tiền thuế đánh vào tất cả mọi người và ở mức quá cao, nó có thể phá hủy giá trị và tạo ra suy thoái. Mặc dù chúng ta luôn tin rằng lạm phát nằm dưới sự kiểm soát của con người, nhưng không thể kiểm soát vấn đề lãi suất. Khi tình hình kinh tế trở nên khó khăn, việc chính phủ vay mượn rất nhiều để tài trợ cho các gói kích cầu thì xảy ra lạm phát chỉ còn là vấn đề thời gian.

Rủi ro trong đầu tư chứng khoán

Rủi ro lãi suất gây ra bởi sự lên xuống của lãi suất trái phiếu chính phủ, khi đó sẽ có sự dao động trong mức sinh lời kỳ vọng của các chứng khoán.

Giá chứng khoán luôn biến động tỷ lệ nghịch với lãi suất thị trường, lãi suất thị trường tăng sẽ làm cho giá trị thị trường của chứng khoán bị sụt giảm và ngược lại.

Lạm phát sẽ khiến giá trị của đồng tiền thay đổi, gây dao động tới lợi nhuận của nhà đầu tư trong tương lai.

3. Rủi ro thị trường

Rủi ro thị trường được hiểu là những biến cố có thể ảnh hưởng đến thu nhập của tổ chức tài chính có nguyên nhân xuất phát từ những thay đổi của thị trường.

Rủi ro thị trường còn được gọi là rủi ro hệ thống, là loại rủi ro ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường và không thể phòng ngừa bằng cách đa dạng hóa.

Ví dụ: Rủi ro biến động tỉ giá, rủi ro biến động giá vàng, rủi ro biến động lãi suất, rủi ro chính chị, rủi ro suy thoái…

Rủi ro trong đầu tư chứng khoán

Đừng dồn tất cả các khoản đầu tư của bạn vào một lĩnh vực của nền kinh tế. Bằng cách trải đều các khoản đầu tư của bạn trên một số lĩnh vực, bạn sẽ có cơ hội tham gia vào sự tăng trưởng vào cổ phiếu của mình bất cứ lúc nào.

4. Rủi ro thanh khoản

Tính thanh khoản của chứng khoán là khả năng chuyển đổi dễ dàng từ tiền sang chứng khoán và ngược lại. Rủi ro thanh khoản là sự bất ổn của chứng khoán khi điều kiện giao dịch thay đổi.

  • Nếu khối lượng giao dịch chứng khoán lớn có thể thấy thanh khoản ở mức cao, nhà đầu tư dễ dàng trao đổi cổ phiếu.
  • Nếu khối lượng giao dịch thấp, thậm chí có phiên không có giao dịch xảy ra có thể thấy thanh khoản ở cổ phiếu là thấp.

5. Rủi ro lỗi thời

Rủi ro này có thể xảy ra ở nhiều ngành sản xuất khi các sản phẩm đã rơi vào tình trạng lỗi thời, không có giá trị đổi mới, không tăng trưởng lợi nhuận của nhiều năm khiến doanh nghiệp trở nên hoạt động trì trệ, giá cổ phiếu giảm sút.

Ví dụ: Nguyễn Kim là một thương hiệu “anh cả” trong ngành bán lẻ các thiết bị công nghệ, gia dụng,…. ở Việt Nam qua nhiều năm. Song những năm gần đây, Nguyễn Kim tăng trưởng vô cùng chậm, thậm chí không tăng trưởng khi một loạt các đàn em như Thế Giới Di Động (MWG), hay FPT ra đời và tăng trưởng mạnh mẽ. Đó chính là rủi ro lỗi thời trong ngành công nghệ – một ngành đòi hỏi thay đổi lớn.

6. Rủi ro pháp lý

Rủi ro pháp lý là điều mà hầu hết các nhà đầu tư đều có thể mắc phải khi đầu tư chứng khoán và rủi ro nếu không nắm vững pháp luật chứng khoán, nhà đầu tư có thể đối mặt với nguy cơ rủi ro cao. Thêm nữa, đối với các doanh nghiệp phát hành chứng khoán, những thay đổi của pháp luật, thắt chặt chính sách thuế, quy định vốn,….cũng có thể gây rủi ro cho các doanh nghiệp.

Giảm rủi ro trong đầu tư chứng khoán

Để giảm rủi ro trong đầu tư chứng khoán thì các nhà đầu tư chứng khoán cần tìm hiểu kĩ các phương thức đầu tư chứng khoán ít rủi ro sau.

Rủi ro trong đầu tư chứng khoán

1. Đa dạng hóa danh mục đầu tư

Nhiều lời khuyên cho các nhà đầu tư chứng khoán là không nên bỏ hết trứng vào một giỏ. Đây chính là phong cách đầu tư đa dạng hóa danh mục. Nhà đầu tư có thể lựa chọn nhiều cổ phiếu của các công ty ở các ngành khác nhau để giảm rủi ro phi hệ thống đối với từng ngành.

Ví dụ nhà đầu tư có thể tham gia mua cổ phiếu của các ngành bất động sản, bán lẻ, dầu khí. Nếu giá dầu giảm, nhà đầu tư vẫn có thể bù rủi ro từ hai khoản đầu tư vào bất động sản và bán lẻ.

Nếu một cổ phiếu chiếm 80% danh mục và cổ phiếu đó giảm 30% thì tổng tài sản của nhà đầu tư sẽ mất đi gần một phần tư và nhà đầu tư đó sẽ cần phải lãi 33% để gỡ lại khoản lỗ 25% trước kia.

Tuy nhiên, nếu cổ phiếu đó chỉ chiếm 15% danh mục, khoản thua lỗ sẽ chỉ xấp xỉ 5% và đồng thời các cổ phiếu khác có thể sinh lời làm giảm tác động thực tế của cổ phiếu này lên danh mục đầu tư.

2. Tìm hiểu kỹ các khoản đầu tư

Trong đầu tư chứng khoán, việc tìm hiểu kỹ các công ty cũng như đặt ra những quy tắc lựa chọn giúp loại ra các cổ phiếu rủi ro và giảm thiểu khả năng thua lỗ.

Ví dụ, khi lựa chọn cổ phiếu để đầu tư, nhà đầu tư có thể đặt ra nguyên tắc về thanh khoản dựa trên giá trị giao dịch hay khối lượng giao dịch không nhỏ hơn 2 tỷ đồng/phiên.

Việc đặt ra nguyên tắc về giá trị giao dịch giúp nhà đầu tư hạn chế rủi ro không thể giao dịch cổ phiếu khi cần thiết.

3. Theo dõi sát sao các khoản đầu tư

Thị trường tài chính và các công ty luôn thay đổi hàng ngày, hàng tuần, chính vì vậy việc tìm hiểu kỹ các khoản đầu tư thôi là chưa đủ mà nhà đầu tư còn cần theo dõi những biến động về hoạt động kinh doanh và thị trường.
Trong thực tế, việc ban hành một chính sách mới có thể giúp một số công ty phát triển nhưng lại ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của một số công ty khác.
Việc theo dõi các tin tức giúp nhà đầu tư đưa ra những điều chỉnh về danh mục đầu tư một cách kịp thời, tránh thua lỗ hay hưởng lợi từ các thông tin trên.

4. Cân đối rủi ro và lợi nhuận

Thị trường chứng khoán là nơi mang lại lợi nhuận cao và cũng đem đến rủi ro lớn, một khi tham gia vào đây bạn phải đưa ra nhiều chiến lược và kế hoạch cụ thể để có hướng đi đúng đắn.

Người ngoài cuộc chỉ luôn nhìn thấy những cái lợi hiện tại mà không thấy những khó khăn đã qua, vậy nên họ cứ ngỡ việc kiếm lợi nhuận là dễ dàng. Thật không đúng như vậy, trước khi có được những thành tích nào đó, bạn luôn trải qua những rủi ro và cạm bẫy thì mới đạt được.

Các trader mới cần phải cân nhắc kỹ việc bỏ một số tiền lớn để đầu tư, bởi khi chưa có kinh nghiệm, sẽ rất khó khăn để đối mặt với rủi ro để thu về lợi nhuận cao. Một lời khuyên cho người mới đó chính là, nên dùng số tiền dư để đầu tư, trước hết cần phải tích lũy kinh nghiệm và kiến thức để có cái nhìn sâu sắc và nhạy bén về thị trường này.

Đối với những ai đang học cách chơi cổ phiếu thì cần phải rèn luyện tính kiên trì và nhẫn nại tại sân chơi mang đầy tính rủi do như chứng khoán. Khi đã có cách đầu tư phù hợp với mình, hãy tiếp tục theo đuổi và học hỏi thật nhiều kiến thức cũng như cập nhật thông tin quan trọng. Đó chính là cách duy nhất giúp bạn đạt được thành công trong thị trường này.

Việc nắm bắt được các rủi ro có thể gặp phải trong đầu tư chứng khoán sẽ giúp các nhà đầu tư vững tâm và sẵn sàng chuẩn bị cách quản trị rủi ro tốt hơn.

Investing.vn

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận