skip to Main Content

[Review dự án] Wefinex là gì? Wefinex có lừa đảo không?

Wefinex (WinsBO) – một cái tên đang nổi đình nổi đám trên mạng Internet, đặc biệt là các mạng xã hội như Facebook, các cộng đồng kiếm tiền online (MMO). Mặc dù đặc thù sản phẩm tài chính đòi hỏi kiến thức nhất định cùng khả năng quản lý rủi ro, nhưng có thể thấy những người chơi Wefinex thuộc mọi tầng lớp, từ người già cho đến những bạn học sinh, sinh viên, những người không có kiến thức lẫn kinh nghiệm về giao dịch tài chính. Một số leader Wefinex còn mạnh miệng quảng cáo rằng đầu tư chơi BO có thể “kiếm triệu đô la”, “X2 tài khoản trong 60 giây”, “mua siêu xe, nhà lầu”, cùng rất nhiều từ “có cánh” khác. Vậy chính xác thì Wefinex là gì mà lại có sức hút đến vậy, ai cũng giàu lên nhanh chóng và khoe xế hộp trên Facebook, liệu Wefinex có lừa đảo, rủi ro khi chơi WinsBO là gì? Hôm nay Investing.vn sẽ cùng quý độc giả đi review dự án rầm rộ năm vừa qua này xem có legit không nhé !

1. Wefinex (WinsBO) là gì?

[Review dự án] Wefinex là gì? Wefinex có lừa đảo không?

Wefinex – hay còn được gọi là WinsBO, là một sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (Binary Option). Dân trong “ngành” thì quen miệng gọi là trade BO. Về cơ bản, trade BO là một hình thức dự đoán giá trị của crypto hay tỷ giá ngoại tệ sẽ TĂNG hoặc GIẢM trong một khoảng thời gian cụ thể. Nếu dự đoán đúng thì bạn được tiền, mà sai thì bạn mất toàn bộ số tiền đặt cược. Có thể nói trade BO cũng tương tự game tài xỉu vậy. 

Có lẽ với một số người không hoạt động trong lĩnh vực tài chính thì cái tên Wefinex nghe còn xa lạ. Nhưng trước đây thì trend trade BO cũng du nhập vào Việt Nam với hàng loạt các tên tuổi đình đám một thời như Binomo, CJ Trade, IQ Option hay Olymp Trade. 

Nhiều người thắc mắc rằng tại sao có người gọi sàn này là WinsBO có nơi lại gọi Wefinex. Thực ra Wefinex và WinsBO đều là tên của một sàn giao dịch. Bởi vì WinsBO là tên gọi của sàn trong công đoạn Pre-launch cho nên sàn mới sở hữu cả cái 2 tên như vậy.

2. Cách tham gia trade trên sàn Wefinex như thế nào?

Cũng giống với các sàn BO khác, cách tham gia chơi trade trên sàn Wefinex khá đơn giản:

  1. Đăng ký tài khoản
  2. Nạp tiền mã hóa vào sàn như Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH), USDT 
  3. Đổi tiền sang WIN – coin nội bộ của sàn
  4. Đặt cược vào một trong hai trường hợp giá Bitcoin TĂNG hay GIẢM bằng cách chọn nến xanh lá hay nến đỏ tương ứng

Sau 30 giây, nếu giá đi theo đúng như dự đoán thì bạn sẽ nhận được 95% số tiền đặt lệnh (5% còn lại trả cho sàn), còn sai thì bạn sẽ mất 100% số tiền.

Ví dụ: Bạn đặt cược $10 nến kế tiếp là màu xanh, nếu 30s sau ra nến đỏ thì bạn mất trắng $10. Còn nếu dự đoán của bạn đúng bạn sẽ nhận lại vốn 10$ cùng 9.5$ tiền lãi.  

3. Wefinex có lừa đảo không? Rủi ro khi chơi Wefinex là gì?

Bên cạnh những lời quảng cáo hoa mỹ từ các leader Wefinex thì vẫn có những người tự đặt câu hỏi rằng liệu “Wefinex có lừa đảo?”. Trước khi trả lời câu hỏi, độc giả hãy cùng Investing.vn đào sâu một chút về sàn giao dịch BO này.

3.1. Ai đứng sau Wefinex?

Dự án Wefinex được thành lập bởi Winsbank – một công ty tự nhận là ngân hàng số hàng đầu, có trụ sở tại Belize (quốc gia nổi tiếng với luật pháp lỏng lẻo, thường được các tổ chức tài chính ma chọn làm trụ sở). Winsbank vào 2019 cũng tung ra các gói đầu tư cổ phiếu có tên eshare, khi mua các gói eshare thì nhà đầu tư sẽ được nhận lãi cao theo hình thức MLM, nó không khác gì WinsFun trước đó, một dự án đầu tư tiền điện tử với lãi suất “trên trời”. Mặc dù dự án tuyên bố được thành lập tại nước ngoài, nhưng chẳng có thông tin chính thức nào của nước sở tại công bố có liên quan đến việc đăng ký hợp pháp của Winbank hay Wefinex cũng như Winsfun.

Theo Investing.vn tìm hiểu, Winbank, Winsfun hay Wefinex đều được thành lập bởi người Việt, và một trong những key person của dự án có thể là “Tuấn Cam” hay Lê Ngọc Tuấn, cái tên đình đám trong cộng đồng crypto Việt Nam với những phi vụ lừa đảo khét tiếng. Y là người đứng sau iFan, Moderntech & Pincoin – tất cả đều áp dụng mô hình ponzi lừa đảo nghìn tỷ “hút máu” đồng bào, hay mới đây là BeeGroup – một nền tảng bán khóa học online lừa đảo cũng đã được nhiều trang truyền thông cảnh báo.

Wefinex có lừa đảo không ?

3.2. Wefinex đã phủ sóng truyền thông như thế nào?

Investing.vn cho rằng quyết định đầu tư mà chỉ dựa vào thông tin đăng tải trên báo chí là quyết định không khôn ngoan. Thực vậy, Winbank và Wefinex đều được viết bài nói rất tốt trên báo Dân Trí hay Pháp Luật Việt Nam. Tuy nhiên, các bạn nên nhớ rằng tất cả những bài báo này là dạng bài “có trả phí”, tức là họ bỏ tiền để được xuất hiện trên các tờ báo này. Mỗi báo sẽ có một khuôn khổ đánh giá riêng trước khi chấp thuận cho một bài viết có mặt trên nền tảng của mình, và tất nhiên có những báo loại trừ những dự án mập mờ, rủi ro và có thể gây hại cho người đọc, nhưng cũng có những báo họ không xem xét kỹ lưỡng trước khi đăng tải.

Bên cạnh đó, phải nói rằng chi phí truyền thông marketing của Wefinex không hề rẻ chút nào! Lên tới vài trăm triệu cho 1 lần xuất hiện trên truyền hình, 50 tới 100 cho mỗi lần xuất hiện trên các trang báo thuộc hàng top! Với tần suất xuất hiện liên tục trên website, báo chí và các kênh truyền hình, có thể nói Wefinex đã chi mạnh tay cho mảng truyền thông để “khuếch trương thanh thế”. Không dừng lại ở đó, nhằm thu hút người tham gia, Wefinex còn thuê nhiều KOL với đời tư khá ồn ào, nhưng có đông đảo người theo dõi nhằm mục đích quảng bá cho thương hiệu của mình.

[Review dự án] Wefinex là gì? Wefinex có lừa đảo không ?

Điều này cho thấy Wefinex thực sự đã có những bước PR rất bài bản! Và tất nhiên một khi đã làm bài bản thì Wefinex không bao giờ làm để chơi! Bởi vì đã bỏ công sức lên một kế hoạch rầm rộ, nhằm thu hút sự chú ý, đặc biệt rất biết cách để làm về truyền thông, thì những người đứng đằng sau Wefinex không phải là những tay mơ ! Họ chắc chắn phải có mục đích, nếu không muốn nói thẳng ra là vì tiền, nếu không thì đã không tốn công, tốn sức để bài bản. Và mức độ bài bản như thế này chắc chắn không phải ai cũng làm được !

3.3. Chính sách hoa hồng đa cấp

Bản chất của Wefinex chỉ là mô hình MLM, tuyển các cấp tuyến dưới để ăn hoa hồng.

MẠNG LƯỚI PHÂN TẦNG 10 CẤP NHƯNG VẪN CHỐI BAY CHỐI BIẾN KHÔNG HOẠT ĐỘNG THEO HÌNH THỨC LENDING ĐA CẤP MLM. WEFINEX CÓ LẼ CHỈ LÀ ĐANG MUỐN “GIÚP ĐỠ” NHỮNG NGƯỜI NGHÈO TRỞ NÊN NGHÈO HƠN MÀ THÔI !

[Review dự án] Wefinex là gì? Wefinex có lừa đảo không ?

Và dù nhiều lần cố gắng ngụy biện nhưng nhìn hình ảnh phía trên, có thể thấy có tất cả 10F, quá nhiều lớp lang, điều này cho thấy nếu chủ đại lý càng tuyển được nhiều ref thì càng kiếm được nhiều hoa hồng. Trước đây, trên website Wefinex hoa hồng chỉ có 7 bậc, tuy nhiên khi vào website công ty mẹ là Winsbank có thể thấy hệ thống các cấp tuyến dưới đang được mở rộng ra. Điều này càng tạo động lực cho các leader cố gắng PR và chiêu mộ tuyến dưới thật nhiều để hưởng mức chiết khấu hoa hồng tối đa.

Không dừng lại ở đó, Wefinex rất biết cách “làm tiền” khi tìm mọi cách để đục khoét túi tiền của nhà đầu tư. Người chơi sẽ phải bỏ ra 100 USD để mua quyền đại lý. Nếu bạn muốn “dụ” người khác vào hệ thống của mình, trước tiên bạn phải bỏ ra 100 USD để mua quyền đại lý. Sau đó khi những cấp dưới tiếp tục mua quyền đại lý, bạn sẽ được hưởng hoa hồng từ chính những F vừa mua. Và để nâng đời lên F  cao hơn, hưởng mức hoa hồng tốt hơn, thì những người này bắt buộc phải tuyển được càng nhiều “gà” càng tốt.

4. Cảnh báo từ cá nhân, tổ chức uy tín 

Thực chất đồng coin WIN không hề được xây dựng dựa trên công nghệ blockchain, toàn bộ các chi tiết kỹ thuật (specs), và mã nguồn (source code) đều không được công khai phát hành thông qua nền tảng Github – vốn là cổng thông tin để lập trình viên tìm đọc mọi dự án tiền điện tử. Điều này đồng nghĩa công nghệ của Wefinex là công nghệ “đóng” chứ không hề mở theo định nghĩa về Blockchain mà chúng ta được biết.

“Wefinex hoạt động theo mô hình kim tự tháp (ponzi). Các hệ thống thường dành toàn bộ thời gian lên mạng xã hội khoe xe sang, khoe hình chụp tiền mặt, tung hô Wefinex với lời khẳng định dự án của họ là uy tín, là giúp người đầu tư kiếm ra rất nhiều tiền nhanh và dễ dàng, chỉ cần nghe lời họ”, Đỗ Phương Quỳnh – chuyên gia phân tích tài chính làm việc tại Ant Financial Thượng Hải, Trung Quốc chia sẻ. “Nhưng điều đó là sai lầm, tất cả nhà đầu tư không hề đầu tư vào sản phẩm tài chính thực sự, họ sẽ bị lôi kéo đổ tiền vào mô hình hệ thống đại lý”, bà Quỳnh nói thêm. Theo vị chuyên gia, Wefinex sử dụng nền tảng MT6. Từ lâu, giới tài chính nhận định MT6 là một nền tảng được những kẻ lừa đảo đặt ra để lừa trader rằng nó có liên quan tới MT4 & MT5, 2 phần mềm giao dịch tài chính nổi tiếng và rất phổ biến thuộc sở hữu của MetaQuotes. Bản chất MT6 thậm chí không phải là một phần mềm, nó chỉ xuất hiện trên các website tài chính bẩn. “Quyền chọn nhị phân lại cung cấp bảng giá thay đổi trong vài chục giây, khoảng thời gian không chuyên gia tài chính nào có thể đưa ra phán đoán giá chính xác. Nói cách khác, cách chơi của Wefinex không khác gì tài xỉu”, bà Quỳnh nói thêm. 

Ngoài ra, công ty mẹ của Wefinex tự nhận là “huyền thoại” nhưng chưa có một tổ chức tài chính nào công nhận hay cấp phép hoạt động. Trên một số website do các đại lý của Wefinex tạo ra, họ tuyên bố sàn được bảo trợ và cấp giấy chứng nhận của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Cộng hòa Síp (CySEC). Tuy vậy, khi kiểm tra danh sách giấy phép do CySEC cấp thì không có tên Winsbank Holding Ltd hay WORLD BlockChain Holding Ltd. “Việc không được quản lý, cấp phép bởi tổ chức uy tín cho thấy Wefinex không có ý định hoạt động lâu dài, luôn trong tư thế sẵn sàng bỏ chạy“, bà Quỳnh phân tích.

Wefinex nói riêng hay hình thức giao dịch quyền chọn nhị phân nói chung hiện tại ở Việt Nam là không hợp pháp, nhưng luật pháp Việt Nam cũng chưa cấm hình thức giao dịch tài chính này. Tuy nhiên, trên thế giới đã có khá nhiều quốc gia coi trade BO như một hình thức cờ bạc và bị cấm, trong khi một số nước thì đưa cảnh báo rủi ro cho công chúng. 

Wefinex có lừa đảo không ?

“Vì yếu tố rất dễ biến tướng thành cờ bạc mà giao dịch BO bị kiểm soát rất chặt chẽ trên thế giới. Thậm chí cơ quan quản lý chứng khoán và thị trường Châu Âu cấm hẳn loại hình giao dịch này”, JVevermind – vlogger lọt Top 30 under 30 Forbes Châu Á chia sẻ.

Hiện mô hình nhị phân đang được kiểm soát chặt thậm chí là cấm tại nhiều nước. Cơ quan Quản lý Tài chính Vương quốc Anh (FCAUK) áp dụng lệnh cấm vĩnh viễn mô hình giao dịch nhị phân với khách hàng phổ thông. Trong khi đó, Cơ quan Chứng khoán và Thị trường Châu Âu (ESMA) cấm tất cả hình thức giao dịch nhị phân trên toàn lãnh thổ châu Âu. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng đã lên tiếng cảnh báo mô hình giao dịch nhị phân với bài viết Binary Options Fraud – A Word of Warning to the Investing Public (Lừa đảo quyền chọn nhị phân – Lời cảnh tỉnh cho nhà đầu tư không chuyên). Ở phạm vi quốc gia, Canada yêu cầu các sàn nhị phân phải được cấp phép mới có thể hoạt động. Trên thực tế, tại Canada không sàn nào được cấp phép. Các nước như Pháp, Bỉ đều xem mô hình nhị phân là trái pháp luật. BaFin – Cơ Quan Quản lý Dịch vụ Tài chính Đức đang có kế hoạch cấm tổ chức marketing, quảng cáo và bán hàng đối với giao dịch nhị phân tại Đức.

Kết luận

Wefinex chính là mô hình lấy tiền người sau trả cho người trước. Investing.vn khuyên các nhà đầu tư tránh xa dự án này ! Chỉ là vấn đề thời gian trước khi mô hình lừa đảo xuyên lục địa này đổ vỡ. 

Trong trường hợp nhà đầu tư từng trải nghiệm mô hình đa cấp biến tướng tương tự, hãy để lại comment bên dưới để giúp người đọc ra quyết định đúng đắn và bảo vệ tài sản của mình. 

Investing.vn

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận