skip to Main Content

Quản lý danh mục đầu tư để đầu tư hiệu quả

  1. Quản lý vốn trong đầu tư chứng khoán (Level 4)
  2. Tầm quan trọng của quản lý vốn trong đầu tư chứng khoán
  3. Bảng cân đối tài chính cá nhân là gì ? Xây dựng bảng cân đối tài chính cá nhân
  4. Phân bổ nguồn vốn cá nhân vào đầu tư chứng khoán
  5. Xác định mục tiêu tài chính khi đầu tư chứng khoán
  6. Xác định khả năng chấp nhận rủi ro (Risk Tolerance) trong đầu tư chứng khoán
  7. Quy tắc 2% trong đầu tư chứng khoán
  8. Xác định điểm đặt chặn lỗ trong đầu tư chứng khoán
  9. Quản lý danh mục đầu tư để đầu tư hiệu quả

Quản lý danh mục đầu tư là một trong những yếu tố sống còn của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Biết cách quản lý danh mục sẽ giúp các bạn tối đa hóa lợi nhuận và bảo vệ tài khoản trước những rủi ro bất ngờ. Và trong bài học ngày hôm nay, chúng tôi sẽ giúp các bạn tìm hiểu về phương pháp quản lý danh mục đầu tư cũng như yếu tố ảnh hưởng quan trọng cần chú ý.

Quản lý danh mục đầu tư để đầu tư hiệu quả

Quản lý danh mục đầu tư chứng khoán là gì?

Quản lý danh mục đầu tư là nghệ thuật hay cách thức lựa chọn và giám sát một danh mục các khoản đầu tư đáp ứng các mục tiêu tài chính dài hạn và khả năng chấp nhận rủi ro của khách hàng, công ty hoặc tổ chức.

Quản lý danh mục đầu tư đòi hỏi các nhà giao dịch cần có kỹ năng tìm kiếm và cân nhắc điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và rủi ro đối với mọi khoản đầu tư.

Quản lý danh mục đầu tư là một nghiệp vụ quan trọng trong đầu tư chứng khoán, là công cụ hữu hiệu để hạn chế rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận. Nếu muốn đầu tư chứng khoán lâu dài với nguồn lợi nhuận an toàn, tỷ lệ rủi ro thấp thì các nhà đầu tư cần thiết lập một hệ thống danh mục đầu tư hợp lý và hiệu quả. Vì vậy, quản lý danh mục trong đầu tư chứng khoán sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc quyết định khả năng sinh lời của các nhà đầu tư.

Các yếu tố trong quản lý danh mục đầu tư 

1. Phân bổ tài sản

Phân bổ tài sản là một chiến lược đầu tư nhằm cân bằng rủi ro và lợi nhuận bằng cách phân bổ các tài sản trong danh mục đầu tư theo mục tiêu, khả năng chấp nhận rủi ro và thời hạn đầu tư của một cá nhân.

Quản lý danh mục đầu tư để đầu tư hiệu quả

Ba lớp tài sản chính là cổ phiếu thường, chứng khoán có thu nhập cố định, tiền và các khoản tương đương tiền, có mức rủi ro và lợi nhuận khác nhau, do đó mỗi lớp tài sản có cách thức hoạt động khác nhau theo thời gian.

Hiện tại vẫn chưa có công thức tổng quát nào có thể đưa ra tỉ trọng phân bổ tài sản phù hợp cho mọi nhà đầu tư.Tuy nhiên, việc lựa chọn cách phân bổ tài sản (cổ phiếu, trái phiếu, tiền và các khoản tương đương tiền) là yếu tố quyết định chính cho kết quả đầu tư của bạn.

2. Đa dạng hóa danh mục đầu tư

Các nhà đầu tư chứng khoán thường được khuyên không nên “bỏ hết trứng vào một giỏ”. Thay vào đó, đa dạng hóa danh mục đầu tư với nhiều mã cổ phiếu ở nhiều ngành nghề khác nhau hoặc kết hợp với các loại tài sản khác để hạn chế rủi ro phi hệ thống. Đây chính là phong cách đầu tư đa dạng hóa danh mục.

Ví dụ nhà đầu tư có thể tham gia mua cổ phiếu của các ngành bất động sản, bán lẻ, dầu khí. Nếu giá dầu giảm, nhà đầu tư vẫn có thể bù rủi ro từ hai khoản đầu tư vào bất động sản và bán lẻ.

Nếu một cổ phiếu chiếm 80% danh mục và cổ phiếu đó giảm 30% thì tổng tài sản của nhà đầu tư sẽ mất đi gần một phần tư và nhà đầu tư đó sẽ cần phải lãi 33% để gỡ lại khoản lỗ 25% trước kia.

Tuy nhiên, nếu cổ phiếu đó chỉ chiếm 15% danh mục, khoản thua lỗ sẽ chỉ xấp xỉ 5% và đồng thời các cổ phiếu khác có thể sinh lời làm giảm tác động thực tế của cổ phiếu này lên danh mục đầu tư.

2. Tái cân bằng

Tái cân bằng là việc phân bổ lại danh mục đầu tư theo định kỳ nhằm đảm bảo tỷ trọng từng loại tài sản được phân bổ phù hợp theo mục tiêu cá nhân.

Hoạt động tái cân bằng thường diễn ra khi việc phân bổ tài sản trong danh mục đầu tư không còn hiệu quả và phù hợp với biến động thị trường hiện tại.

Ví dụ, danh mục đầu tư ban đầu được thiết kế với vốn chủ sở hữu 70% và chứng khoán có thu nhập cố định 30%. Khi thị trường tăng trưởng mở rộng, nhà đầu tư có thể phân bổ lại danh mục theo cấu trúc 80/20 để gia tăng lợi nhuận nhưng đồng thời cũng chịu mức độ rủi ro lớn hơn.

Hoạt động tái cân bằng thường liên quan đến việc bán chứng khoán đang được giao dịch với mức giá cao, thu về lợi nhuận và tiếp tục đầu tư vào các cổ phiếu bị định giá thấp hơn.

Việc thực hiện tái cân bằng hàng năm cho phép nhà đầu tư nắm bắt lợi nhuận và mở rộng cơ hội tăng trưởng trong các lĩnh vực tiềm năng trong khi vẫn giữ danh mục đầu tư phù hợp với tỷ lệ rủi ro/lợi nhuận ban đầu.

Các phương pháp quản lý danh mục đầu tư

Quản lý danh mục đầu tư để đầu tư hiệu quả

1. Quản lý danh mục đầu tư chủ động

Quản lý danh mục đầu tư chủ động là việc sử dụng yếu tố con người (một nhà quản lí, người đồng quản lí hay một nhóm quản lí) chủ động tham gia vào quản lí danh mục đầu tư. Những người quản lí chủ động sẽ dựa vào báo cáo phân tích, dự báo, cũng như phán đoán và kinh nghiệm của người quản lý danh mục đầu tư hoặc đội ngũ quản lý để quyết định mua hoặc bán một cổ phiếu.

Những nhà đầu tư theo phương pháp quản lý danh mục chủ động sẽ không tin vào thuyết thị trường hiệu quả. Họ tin tưởng rằng có thể kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán bằng cách tìm ra các cổ phiếu bị định giá sai.

Mục đích chính của việc quản lý danh mục đầu tư chủ động là tìm kiếm những cơ hội mang lại tỉ suất lợi nhuận cao hơn so với hình thức thụ động. Ví dụ như việc một nhà quản lí quỹ chuyên đầu tư vào những cổ phiếu vốn hóa lớn nhằm đánh bại tỉ suất lợi nhuận của chỉ số S&P 500.

2. Quản lý danh mục đầu tư thụ động

Trái ngược với quản lý danh mục đầu tư chủ động là quản lý danh mục đầu tư thụ động, hay còn được biết đến là phương pháp đầu tư theo chỉ số.

Quản lý danh mục đầu tư thụ động là việc tạo dựng một danh mục đầu tư được đa dạng hóa để tích lũy lợi nhuận, hạn chế rủi ro và tối thiểu các khoản phí.

Theo đó, các nhà đầu tư theo phương pháp quản lý danh mục thụ động sẽ mua cổ phiếu trong các chỉ số phổ biến chẳng hạn như chỉ số S&P 500 và giữ nó trong một khoảng thời gian dài.

Duy trì một danh mục đầu tư đa dạng tốt rất quan trọng để có thể đầu tư thành công. Và việc tạo lập danh mục đầu tư thông qua chứng chỉ quỹ là một cách tuyệt vời để có được sự đa dạng hóa. Các chứng chỉ quỹ phân tán rủi ro rộng rãi bằng việc nắm giữ tất cả hoặc cổ phiếu đại diện, tránh việc liên tục mua và bán chứng khoán. Nhờ đó, chúng có các phí và chi phí hoạt động thấp hơn so với các quỹ được quản lí chủ động.

Không giống như các nhà quản lý danh mục chủ động, các nhà quản lý thụ động không tìm cách kiếm lời từ biến động giá ngắn hạn hoặc thời điểm thị trường. Giả định cơ bản của phương pháp quản lý danh mục đầu tư thụ động là thị trường tích cực kéo theo lợi nhuận đi lên theo thời gian.

Có thể nói, quản lý danh mục đầu tư đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Tối ưu trong danh mục đầu tư phụ thuộc vào tuổi tác, phong cách giao dịch, tâm lý đối với rủi ro…. Nhiệm vụ của nhà quản lý danh mục đầu tư là tập hợp danh mục các chứng khoán phù hợp với các tiêu chí này. Hy vọng rằng, qua bài học trên, các bạn đã hiểu hơn về quản lý danh mục đầu tư cũng như các phương pháp quản lý danh mục trong đầu tư chứng khoán.

Investing.vn

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận