skip to Main Content

Philip Fisher chia sẻ bí quyết mua “cổ phiếu thường”, thu về “lợi nhuận phi thường”

Philip Fisher chính là cha đẻ của học thuyết đầu tư tăng trưởng và là một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại trên thị trường chứng khoán với cuốn sách nổi tiếng “Cổ phiếu thường, Lợi nhuận phi thường” (Common Stocks and Uncommon Profits) – một trong những giáo trình đầu tư kinh điển dành cho các nhà đầu tư hiện đại.

Philip Fisher chia sẻ bí quyết mua "cổ phiếu thường", thu về "lợi nhuận phi thường”

Bản thân tỉ phú lừng danh Warren Buffett cũng từng thừa nhận 15% quan điểm đầu tư của ông được kế thừa từ Fisher. Ông từng chia sẻ “Tôi đã tìm gặp Phil Fisher sau khi đọc cuốn “Cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường”… và thật ấn tượng trước con người cũng như ý tưởng của người đàn ông này. Vốn hiểu biết kinh doanh sâu rộng và kỹ năng đầu tư của Phil…có thể giúp chúng ta đầu tư thông minh và hiệu quả”.

Philip Fisher chia sẻ bí quyết mua "cổ phiếu thường", thu về "lợi nhuận phi thường”

Năm 1982, Philip Fisher bắt đầu sự nghiệp chuyên gia phân tích chứng khoán của mình. Sự nghiệp của ông bắt đầu khi ông từ bỏ trường kinh doanh Stanford để trở thành nhà phân tích chứng khoán tại ngân hàng Anglo-London ở San Francisco. Năm 1931, ông thành lập công ty quản lý quỹ Fisher & Company – một công ty tư vấn đầu tư. Fisher quản lý các công việc của công ty cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1999 ở tuổi 91. Khoản đầu tư nổi tiếng nhất của ông là những cổ phiếu của Motorola mà ông mua từ những năm 1955 khi doanh nghiệp thời điểm đó mới chỉ là nhà sản xuất radio và nắm giữ nó cho tới tận khi qua đời.

15 tiêu chí lựa chọn cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường

Fisher đã chỉ ra cho các nhà đầu tư cách thức tìm nguồn thông tin xác thực để đầu tư với rủi ro thấp nhất nhưng thu lợi nhuận cao nhất. Đối với cá nhân ông “để đầu tư thành công, thông tin luôn có một vai trò nhất định để ra quyết định có hay không nên bỏ vốn”. Nguồn thông tin đó không nằm trên Phố Wall nơi chứa đựng vô số những cơn đồng bóng, những mốt nhất thời khiến chúng ta không thể xác định nổi đâu là giá trị thực của một cổ phiếu.

Không chạy theo đám đông, thay vào đó tìm kiếm, nghe ngóng nguồn thông tin từ các đối tác, đối thủ cạnh tranh, ngân hàng cho vay, các khách hàng của công ty mục tiêu, thậm chí là tìm kiếm thông tin từ chính đối tượng nhân viên hay thậm chí những người đã từng làm việc cho doanh nghiệp…đó mới chính là nơi để chúng ta kiếm tìm những nguồn thông tin cần thiết giúp đưa ra nhận định chính xác.

Dưới đây là 15 tiêu chí để lựa chọn cổ phiếu mà Philip Fisher lưu ý với các nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán:

  1. Doanh nghiệp kinh doanh những sản phẩm, dịch vụ có tiềm năng thị trường đủ lớn để tăng trưởng doanh thu vài năm đến.
  2. Bộ máy quản lý doanh nghiệp liên tục phát triển các dòng sản phẩm, dịch vụ hay những quy trình sản xuất nhằm gia tăng doanh thu, tối ưu chi phí khi tiềm năng tăng trưởng dòng sản phẩm hiện tại đã bị hạn chế.
  3. Doanh nghiệp có chủ động chi đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) hay không?
  4. Cách thức tổ chức bán hàng của doanh nghiệp có hiệu quả không thông qua đánh giá độ rộng của mạng lưới phân phối cũng như các chi phí về marketing của doanh nghiệp.
  5. Doanh nghiệp hoạt động cần có một biên lợi nhuận cao, nếu trong ngành nghề biên lợi nhuận thấp thì doanh nghiệp đó phải đạt được mức hàng đầu.
  6. Doanh nghiệp có những hành động gì để duy trì và cải thiện mức biên lợi nhuận theo thời gian hay không?
  7. Mối quan hệ giữa ban lãnh đạo và người lao động có tốt không?
  8. Đội ngũ ban lãnh đạo doanh nghiệp cần có sự đồng lòng, sẳn sàng tuân thủ những nguyên tắc cần thiết cho sự tăng trưởng bền vững.
  9. Ưu tiên lựa chọn những doanh nghiệp phát triển đội ngũ quản lý từ nội bộ đi lên hơn là lựa chọn từ bên ngoài.
  10. Doanh nghiệp cần có khả năng kiểm soát chi phí thấp hơn trong ngành mà nó tham gia, với mức điểm hòa vốn thấp không những giúp cho doanh nghiệp trụ vững qua những giai đoạn khó khăn, mà còn có khả năng tăng vị thế sau đó khi các đối thủ yếu hơn bị loại khỏi thị trường.
  11. Doanh nghiệp nếu không thể hiện sự nổi trội ở việc chiếm lĩnh thị phần hàng đầu, thì cần phải có những sự khác biệt ở sản phẩm, dịch vụ mang đến cho khách hàng so với tính chất ngành.
  12. Doanh nghiệp hoạt động nhằm tối đa hóa lợi nhuận trước mắt hay tập trung vào các chiến lược để đặt nền móng cho lợi nhuận bền vững tương lai.
  13. Lựa chọn những doanh nghiệp tăng trưởng bằng việc lợi nhuận tái đầu tư hơn từ việc huy động vốn từ cổ đông hay vay nợ.
  14. Bộ máy quản lý của doanh nghiệp có luôn minh bạch với cổ đông cả trong các giai đoạn tốt và khi nó có vấn đề hay không?
  15. Ban quản lý doanh nghiệp có liêm khiết hay không?

Thật khó để 1 doanh nghiệp đáp ứng tất cả các tiêu chí lựa chọn của Fisher, tuy vậy một doanh nghiệp chỉ đáp ứng được số ít tiêu chí trên thì cổ phiếu của doanh nghiệp đó thật chưa nên để xem xét. Những ý tưởng trên như một khuôn mẫu giúp cho nhà đầu tư dựa vào đó có những đánh giá về các doanh nghiệp để từ đó có thể ra quyết định đầu tư.

Theo Happy.live

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận