skip to Main Content

Phân tích kỹ thuật là gì? Triết lý của phân tích kỹ thuật

  1. Phân tích kỹ thuật chứng khoán (Level 2)
  2. Phân tích kỹ thuật là gì? Triết lý của phân tích kỹ thuật
  3. Các nguyên tắc cơ bản của lý thuyết Dow (Phần 1)
  4. Các nguyên tắc cơ bản của lý thuyết Dow (phần 2)
  5. Các loại biểu đồ trong phân tích kỹ thuật
  6. Các phương pháp giao dịch chứng khoán theo phân tích kỹ thuật
  7. Phương pháp giao dịch theo hành động giá (Price Action)
  8. Phương pháp giao dịch theo xu hướng (Trend Trading)
  9. Tìm hiểu về mô hình giá trong phân tích kỹ thuật
  10. Một số chỉ báo kỹ thuật áp dụng trong đầu tư Chứng Khoán
  11. Một số chiến lược giao dịch kỹ thuật phổ biến
  12. Các chỉ báo phân tích kỹ thuật phổ biến nhất trong chứng khoán

Để đạt được lợi nhuận khi đầu tư vào chứng khoán, Forex hay bất cứ loại tài sản nào trên thị trường tài chính, chúng ta cần phải có những chiến lược và cách tiếp cận khác nhau. Về cơ bản, có hai trường phái phong cách giao dịch chính mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng cần phải nắm rõ, đó là phương pháp phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản. Nếu phân tích cơ bản xem xét các yếu tố kinh tế và tài chính ảnh hưởng đến giá chứng khoán thì phân tích kỹ thuật xem xét chuyển động giá trong quá khứ và sử dụng dữ liệu này để dự đoán chuyển động giá trong tương lai.

Các nguyên tắc của phân tích kỹ thuật xuất phát từ hàng trăm năm dữ liệu của thị trường tài chính. Trước khi bắt đầu nghiên cứu về các công cụ chỉ báo được sử dụng trong phân tích kỹ thuật hiện nay, chúng ta cần đưa ra định nghĩa về phân tích kỹ thuật, thảo luận về các tiền đề khoa học của phân tích kỹ thuật cũng như phác họa một số khác biệt rõ ràng giữa phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài học này nhé!

Phân tích kỹ thuật là gì?

Phân tích kỹ thuật là nghiên cứu về các biến động của thị trường, chủ yếu thông qua việc sử dụng các đồ thị, nhằm dự đoán xu hướng giá trong tương lai.

Thuật ngữ “biến động thị trường” bao gồm ba nguồn thông tin cơ bản có sẵn – giá, khối lượng giao dịch và số lượng hợp đồng chưa tất toán (open interest). Trong đó, số lượng hợp đồng chưa tất toán chỉ được sử dụng trong giao dịch tương lai và giao dịch quyền chọn.

Triết lý của phân tích kỹ thuật

Phương pháp phân tích kỹ thuật được dựa trên cơ sở nền tảng của ba tiền đề:

1. Biến động thị trường phản ánh tất cả.

2. Giá dịch chuyển theo xu huỡng.

3. Lịch sử sẽ tự lặp lại.

Chúng ta sẽ cùng đi sâu vào từng yếu tố cơ sở tạo nên triết lý phân tích kỹ thuật.

Biến động thị trường phản ánh tất cả

Chuyên gia phân tích kỹ thuật tin rằng, bất cứ thứ gì mang tính cơ bản, chính trị, tâm lý hay những yếu tố khác đều có thể tác động đến giá cả và chúng được phản ánh qua giá của thị trường đó. Về cơ bản, biến động giá sẽ phản ánh sự thay đổi trong cung và cầu. Nếu cầu vượt cung, giá sẽ tăng và các yếu tố cơ bản cũng theo xu hướng tăng. Ngược lại, nếu cung vượt cầu, giá giảm, từ đó, các yếu tố cơ bản sẽ theo xu hướng giảm.

Bản thân các đồ thị không hề khiến cho thị trường dịch chuyển lên xuống mà chỉ đơn thuần phản ánh tâm lý tăng hoặc giảm của thị trường. Bằng việc nghiên cứu các đồ thị giá và hàng loạt các chỉ báo kỹ thuật hỗ trợ khác, nhà đầu tư sẽ tìm hiểu xem nên đi theo xu hướng nào là tốt nhất thông qua các thông tin từ thị trường.

Giá di chuyển theo xu hướng

Khái niệm xu hướng đóng vai trò rất quan trọng trong phân tích kỹ thuật. Mục đích của việc vẽ đồ thị biến động giá là để xác định các xu hướng trong giai đoạn phát triển ban đầu và giao dịch theo những hướng đó. Trên thực tế, về bản chất, phần lớn các kỹ thuật được sử dụng trong phương pháp này đều phục vụ cho việc giao dịch theo xu hướng, nghĩa là mục đích của chúng nhằm xác định và đi theo các xu hướng hiện tại cho đến khi nó có tín hiệu đảo chiều.

Phân tích kỹ thuật là gì? Triết lý của phân tích kỹ thuật
Ví dụ về một xu hướng tăng. Phân tích kỹ thuật dựa vào giả thuyết là các thị trường đi theo xu hướng và những xu hướng đó có khuynh hướng tiếp diễn.

Lịch sử lặp lại

Phần lớn nội dung của quá trình phân tích kỹ thuật và nghiên cứu về biến động thị trường đều có liên quan đến nghiên cứu tâm lý con người. Chẳng hạn như các mô hình giá, vốn được nhận diện và phân loại hơn một thế kỷ nay, đã phản ánh những sự việc nhất định xuất hiện trên các đồ thị giá. Những sự việc này cho thấy tâm lý đi theo xu hướng tăng hoặc giảm của thị truờng. Vì đã từng hoạt động khá tốt trong quá khứ nên những mô hình này được cho rằng sẽ tiếp tục hoạt động tốt trong tương lai. Các mô hình này được dựa trên những nghiên cứu về tâm lý con người – thứ vốn có xu hướng không thay đổi.

Điểm khác biệt trong dự đoán bằng phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật

Cả hai phương pháp dự đoán thị trường đều nhằm giải quyết một vấn đề – xác định xu hướng di chuyển của giá. Chúng chỉ tiếp cận vấn đề theo những hướng khác nhau mà thôi. Chuyên gia phân tích cơ bản nghiên cứu nguyên nhân khiến thị trường thay đổi, ngược lại, nhà phân tích kỹ thuật lại nghiên cứu kết quả của thị trường.

Trong khi phân tích kỹ thuật tập trung vào việc nghiên cứu những biến động của thị trường thông qua biểu đồ lịch sử giá và các công cụ chỉ báo kỹ thuật thì phân tích cơ bản lại tập trung vào các nguồn lực kinh tế về cung và cầu – vốn là các nguyên nhân khiến giá tăng cao hơn, thấp hơn, hoặc không thay đổi. Phương pháp phân tích cơ bản nghiên cứu tất cả các yếu tố liên quan có tác động đến giá thị trường nhằm xác định giá trị thực chất của thị trường đó. Nếu giá trị thực chất này nằm dưới giá trị hiện tại của thị trường, thì thị trường sẽ được định giá cao và cần được bán ra. Nếu giá thị trường thấp hơn giá trị thực chất thì thị trường sẽ được định giá thấp và cần được mua vào.

Trên đây là những cơ sở tiền đề cấu thành nên triết lý của phương pháp phân tích kỹ thuật trong thị trường tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng. Mỗi phong cách giao dịch đều có những điểm mạnh, yếu riêng, do đó, nhà đầu tư cần nghiên cứu và lựa chọn cho mình một trường phái giao dịch phù hợp với năng lực, chiến lược và mục tiêu cá nhân.

Investing.vn

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận