skip to Main Content

Những điều bạn cần biết khi đầu tư vào các quỹ tương hỗ (Mutual Funds)

Đầu tư vào các quỹ tương hỗ (Mutual Funds) không khó, tuy nhiên, nó không hoàn toàn giống như việc đầu tư vào cổ phiếu hay các quỹ hoán đổi danh mục khác ( ETFs). Do cấu trúc và đặc tính riêng biệt của nó, một số khía cạnh trong giao dịch quỹ tương hỗ có thể gây trở ngại cho những nhà đầu tư mới thử sức trong lĩnh vực tài chính này. Do sự lạm dụng quỹ tương hỗ trong quá khứ, ngày nay nhiều công ty đầu tư đã áp đặt các hạn chế và tiền phạt đối với một số loại hoạt động giao dịch. Trước khi bạn bắt đầu đầu tư vào quỹ tương hỗ, hãy xem xét các nguyên tắc giao dịch sau. Việc hiểu biết cơ bản về những giao dịch trong quỹ tương hỗ có thể giúp bạn xây dựng chiến lược đầu tư hiệu quả và tận dụng tối đa khoản đầu tư của mình.

Trước tiên hãy cùng tìm hiểu quỹ tương hỗ là gì?

Quỹ tương hỗ là một hình thức đầu tư tập thể, được điều hành bởi một công ty đầu tư nhằm huy động vốn cổ đông và đầu tư vào các loại hình chứng khoán khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, tiện tệ hay hàng hóa…Bởi vậy, quỹ tương hỗ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ hay những người mới bắt đầu có cơ hội tiếp cận với một danh mục đầu tư đa dạng, dưới sự quản lý chuyên môn chuyên nghiệp. Mỗi cổ đông đều được hưởng lãi từ hoạt động đầu tư của quỹ nhưng đồng thời cũng phải chịu rủi ro nếu đầu tư thua lỗ.

Cách giao dịch trong quỹ tương hỗ

Mua cổ phiếu quỹ tương hỗ

Mua cổ phiếu quỹ tương hỗ khá đơn giản. Mặc dù chứng khoán quỹ tương hỗ không được giao dịch tự do trên thị trường mở như cổ phiếu và các quỹ ETF, nhà đầu tư có thể dễ dàng mua trực tiếp từ quỹ hoặc thông qua các nhà môi giới được ủy quyền, thường là trên một nền tảng trực tuyến.

Trước khi mua cổ phần trong một quỹ tương hỗ, hãy tìm hiểu kỹ về loại quỹ bạn đang đầu tư và các điều khoản đầu tư cụ thể. Một số quỹ yêu cầu một khoản đầu tư tối thiểu từ 1000 USD đến 10.000 USD. Giống như bất kì khoản đầu tư nào khác, nhà đầu tư nên hiểu rõ những gì bạn đang tham gia bằng cách nghiên cứu về những cổ đông đang nắm giữ quỹ; chi phí quản lý, giao dịch cũng như hồ sơ theo dõi của người quản lý quỹ, nhằm xác định chiến lược đầu tư, đảm bảo an toàn và hạn chế những rủi ro có thể xảy ra.

Bán cổ phiếu quỹ tương hỗ

Giống như giao dịch mua ban đầu của bạn, việc bán cổ phiếu quỹ tương hỗ được thực hiện trực tiếp thông qua quỹ hoặc thông qua một nhà môi giới được ủy quyền. Số tiền mà bạn nhận được bằng với số cổ phần được bán đi nhân với giá trị tài sản hiện tại, trừ đi mọi khoản phí phải trả.

Tùy thuộc vào thời gian bạn giữ khoản đầu tư của mình, bạn có thể phải chịu phí CDSC. Nếu bạn muốn bán cổ phần của mình rất sớm sau khi mua chúng, bạn có thể phải chịu phí bổ sung để bán lại sớm.

Giá cổ phiếu quỹ tương hỗ

Không giống như các quỹ hoán đổi danh mục ETF hay cổ phiếu, bạn chỉ có thể mua cổ phiếu của quỹ tương hỗ vào cuối ngày, do đó, giá trị của nó không biến động suốt cả ngày. Thay vào đó, quỹ tính toán giá trị ròng của tất cả các tài sản trong danh mục đầu tư của mình sau khi thị trường đóng cửa mỗi ngày, được gọi là giá trị tài sản ròng (NAV). Sàn giao dịch đóng cửa lúc 4 giờ chiều ( giờ phương Đông ) và các quỹ tương hỗ thường giao dịch các tài sản ròng hiện tại của họ trước 6 giờ chiều. Nếu bạn muốn mua cổ phiếu, đơn đặt hàng của bạn sẽ được thực hiện sau khi công ty đầu tư tính toán giá trị tài sản ròng trong ngày. Ví dụ nếu bạn muốn đầu tư 1.000 USD, bạn có thể đặt hàng bất cứ lúc nào tuy nhiên bạn sẽ không biết mình sẽ phải trả bao nhiêu cho mỗi cổ phiếu cho đến khi NAV được đăng. Nếu giá trị tài sản ròng trong ngày là 50 USD thì khoản đầu tư 1000 USD của bạn sẽ mua được 20 cổ phiếu. Các quỹ tương hỗ thường chỗ phép các nhà đầu tư mua cổ phiếu phân đoạn, Nếu giá trị tài sản ròng trong ví dụ trên là 51 USD thì 1000 USD của bạn sẽ mua được 19.6 cổ phiếu.

Một số lưu ý khi giao dịch trong quỹ tương hỗ

Lệ phí

Hãy xem xét các chi phí mà bạn phải trả trước khi đầu tư vào bất kì một lĩnh vực nào. Các quỹ tương hỗ cỏ tỷ lệ chi phí hàng năm bằng tỷ lệ phần trăm của khoản đầu tư của bạn và một số khoản phí khác mà quỹ có thể tính.

Một số quỹ tương hỗ tính phí bán (load fees), phí này không đi vào quỹ mà được xem như tiền hoa hồng trả cho các nhà môi giới đã bán cổ phần của quỹ cho các nhà đầu tư. Những phí này còn thường được gọi là phí bán gia nhập (front-end loads). Khi bạn mua cổ phần của một quỹ có phí bán, bạn phải trả giá cao hơn giá trị của tài sản ròng, được gọi là giá chào bán (offering price). Chênh lệch giữa giá chào bán và giá trị tài sản ròng chính là phí bán.

Ngoài ra, thay vì khoản phí bán như truyền thống, một số quỹ còn tính các khoản phí “rút vốn” ( back-end loads) khi bạn muốn chuộc lại cổ phần của mình sau nhiều năm. Khoản phí này còn được gọi là “phí doanh thu hoãn lại” (contingent deferred sale charges). Phí “cấp độ” (level loads) là khoản phụ phí mà nhà đầu tư phải trả khi tham gia đầu tư, thường là 1% khoản đầu tư mỗi năm.

Các quỹ tương hỗ còn có thể tính phí mua hàng (tại thời điểm đầu tư) hoặc phí mua lại (khi bạn bán cổ phiếu trở lại quỹ), để trả các chi phí phát sinh của quỹ. Hầu hết các quỹ cũng tính phí 12b-1, dành cho việc tiếp thị và quảng cáo quỹ. Nhiều quỹ cung cấp các loại cổ phần khác nhau, được gọi là cổ phiếu A, B hoặc C, yêu cầu các cấu trúc chi phí và phí khác nhau.

Ngày giao dịch và ngày thanh toán

Khi giao dịch trong các quỹ tương hỗ, hãy tìm hiểu về cách thức và thời điểm mà giao dịch của bạn sẽ được thực hiện. Ngày mà bạn đặt lệnh mua hoặc bán cổ phiếu được gọi là ngày giao dịch. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) yêu cầu các giao dịch trong quỹ tương hỗ phải được giải quyết trong vòng hai ngày sau ngày giao dịch. Ví dụ, nếu bạn đặt lệnh mua cổ phiếu vào thứ Sáu, ngày 2 tháng 1, đơn hàng của bạn sẽ được giải quyết trước Thứ Ba, ngày 6 tháng 1, vì giao dịch không thể được giải quyết vào cuối tuần.

Ngày chia cổ tức và ngày báo cáo

Nhận cổ tức đồng nghĩa với việc thu nhập chịu thuế trong năm của bạn sẽ tăng lên, vì vậy nếu tạo thu nhập ổn định từ cổ tức không phải là mục tiêu chính của bạn, đừng mua cổ phiếu trong quỹ sắp phát hành phân phối cổ tức.

Các nhà đầu tư cần thực hiện các giao dịch mua cổ phiếu trước ngày giao dịch không hưởng quyền để được được hưởng các quyền liên quan đến việc chi trả cổ tức. Do thời hạn thanh toán, ngày thanh toán cổ tức thường là ba ngày trước ngày báo cáo – ngày mà quỹ xem xét danh sách các cổ đông sẽ được hưởng cổ tức.

Như vậy, nếu bạn muốn nhận khoản thanh toán cổ tức sắp tới, hãy mua cổ phiếu trước ngày giao dịch không hưởng quyền để đảm bảo tên của bạn được liệt kê trong danh sách cổ đông vào ngày ghi nhận. Nếu bạn không muốn phải nộp mức thuế thu nhập cao hơn, hãy trì hoãn việc mua cổ phiếu của bạn cho đến sau ngày giao dịch không hưởng quyền.

Quy định bán lại sớm

Các quỹ tương hỗ được xây dựng để đầu tư dài hạn. Không giống như cổ phiếu và quỹ ETF, giao dịch ngắn hạn cổ phiếu quỹ tương hỗ có thể làm giảm nghiêm trọng lợi nhuận của các cổ đông còn lại.

Khi bạn bán lại cổ phần quỹ tương hỗ của mình, quỹ thường phải thanh lý tài sản để trang trải việc mua lại, vì các quỹ tương hỗ không có thói quen giữ tiền mặt trong tay. Bất cứ khi nào một quỹ bán đi một tài sản với lợi nhuận, nó sẽ kích hoạt phân phối lãi vốn cho tất cả các cổ đông, do đó làm tăng thu nhập chịu thuế trong năm và giảm giá trị danh mục đầu tư của quỹ. Những giao dịch này khi thường xuyên diễn ra cũng khiến chi phí hành chính và vận hành của quỹ tăng lên, làm tăng tỷ lệ chi phí.

Để ngăn chặn những giao dịch bán lại sớm diễn ra thường xuyên và bảo vệ lợi ích cho các nhà đầu tư dài hạn, các quỹ tương hỗ có thể tính phí chuộc sớm hoặc họ có thể cấm các cổ đông sử dụng chiến thuật này thường xuyên thực hiện giao dịch trong một số ngày nhất định.

Bài viết trên đây hi vọng sẽ đem đến cho các nhà đầu tư những thông tin cơ bản về quỹ tương hỗ và các khía cạnh liên quan. Hiểu được quỹ tương hỗ là gì cũng như cách thức hoạt động khi tham gia vào hình thức đầu tư này sẽ giúp các nhà đầu tư đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn và tối ưu nhất.

Investing.vn

Theo dõi
Thông báo của
guest
2 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận