skip to Main Content

Fmarket có lừa đảo không? Đánh giá chi tiết về pháp lý, dòng tiền và mô hình kinh doanh

Liệu Fmarket có lừa đảo không? Đó là câu hỏi đầu tiên nhà đầu tư nên đặt ra. Thị trường tài chính bùng nổ dẫn đến sự ra đời của nhiều Fintech tại Việt Nam, trong đó có Fmarket. Fmarket là giải pháp đầu tư vào các quỹ mở. Trong bài viết này, chúng ta cùng đi vào chi tiết các vấn đề xoay quanh tính an toàn của Fmarket.

Tính pháp lý của Fmarket

Fmarket là một sản phẩm của Công ty CP Công Nghệ Tài Chính Fincorp. Đăng ký giấy ĐKKD số 0314127430 do Sở Kế hoạch & Đầu tư TPHCM cấp ngày 23/11/2016.

Về thông tin ngành nghề đăng ký kinh doanh, công ty Fincorp có ngành nghề chính là hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính, hợp lệ với mảng kinh doanh của công ty.

Nền tảng giao dịch Quỹ mở tập trung Fmarket đã được Ủy ban chứng khoán nhà nước cấp Giấy phép vào năm 2018.

Từ đó có thể khẳng định, Fmarket được quản lý bởi Ủy ban chứng khoán nhà nước cũng như pháp luật Việt Nam.

Xem thêm Review chi tiết về Fmarket

Fmarket có được kiểm toán?

Hiện chưa có thông tin Fmarket được kiểm toán bởi đơn vị nào.

Mô hình kinh doanh Fmarket

Fmarket là cái tên được cho là viết tắt từ “Fund Market” – Siêu thị quỹ. Nó là nền tảng được tạo ra bởi các công ty đầu tư, đại lý môi giới chứng khoán. Nhằm cung cấp cho khách hàng nhiều sản phẩm đầu tư từ các quỹ đầu tư khác nhau trên cùng một nền tảng đầu tư.

Nếu như trước đây, khi bạn muốn mua một ít chứng chỉ quỹ quỹ cổ phiếu VESAF, một ít quỹ trái phiếu SSIBF, và một ít chứng chỉ quỹ VCBFTBF. Bạn sẽ phải tạo tài khoản ở 3 công ty, đăng ký 3 bộ hồ sơ. Sau đó đăng ký mua, theo dõi hiệu quả đầu tư một cách riêng lẻ. Việc này sẽ rất tốn thời gian, công sức. 

Mô hình siêu thị quỹ ra đời giúp nhà đầu tư có thể tiếp cận nhiều sản phẩm đầu tư tốt trên cùng một nền tảng. Cũng như dễ dàng theo dõi hiệu quả đầu tư của toàn bộ danh mục ở cùng một chỗ.

Mặt khác, điều này cũng giúp các công ty quản lý quỹ tương tác và phục vụ tốt các nhà đầu tư cá nhân vốn ít. Những người có nhu cầu với các sản phẩm đầu tư chuyên nghiệp là rất lớn.

Mô hình kinh doanh này không mới. Trên thế giới đã có các dạng nền tảng này. Ví dụ như TD Ameritrade, Vanguard dành cho khách hàng Âu Mỹ.

Fmarket là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này tại Việt Nam.

Fmarket vận hành như nào nếu không thu phí người dùng

Fmarket là trung gian kết nối nhà đầu tư với các quỹ mở, hiện Fmarket không thu phí người dùng. Khi đầu tư trên Fmarket, người dùng chỉ phải trả phí cho các công ty quỹ mà họ chọn mua sản phẩm.

Theo Quy định của UBCK NN, các đại lý phân phối được cấp phép như Fmarket không được thu bất kỳ một khoản phí nào đối với Nhà đầu tư

Vậy Fmarket sẽ thu lợi từ đâu? Fmarket sẽ nhận được phí hoa hồng khi giới thiệu khách hàng cho các công ty quỹ từ mô hình kinh doanh của họ.

Các đối tác kinh doanh của Fmarket

Có thể nói, Fmarket là nền tảng tập trung nhiều quỹ mở nhất Việt Nam hiện nay. Dưới đây là danh sách các quỹ mở, đối tác của Fmarket.

VCBF (Vietcombank Fund), VINACAPITAL, DCVFM (Dragon Capital VietFund Management),  BAOVIETFUND, SSIAM (SSI Asset Management), DFVN (DAI-ICHI Fund Vietnam). Danh sách này vắng mặt một số cái tên ông lớn như TCBF (Techcombank Fund), VNDAF của VNDIRECT. Ngoài ra FMarket cũng chưa bán các sản phẩm quỹ hoán đổi danh mục ETF khá hot trên thị trường như ETF VN30, VN FIN LEAD

Dòng tiền đầu tư trên Fmarket đi đâu?

Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta cùng xem cơ chế giám sát giao dịch chứng chỉ quỹ thông qua các Đại lý phân phối được Ủy ban chứng khoán nhà nước cấp phép.

Tiền của Nhà đầu tư mua quỹ được chuyển vào Ngân Hàng giám sát (NHGS). NHGS có trách nhiệm quản lý tài sản của quỹ.

Như vậy tiền và tài sản của quỹ hoàn toàn tách biệt với hoạt động của Công ty Quản lý Quỹ (QLQ). Nên ngay cả khi Công ty quản lý Quỹ thua lỗ hay phá sản, thì tài sản của Khách vẫn còn nguyên tại NHGS và lưu ký thông tin đầy đủ trên Trung tâm lưu ký chứng khoán.

Do đó, thực tế hiện nay nhiều Công ty QLQ vẫn lỗ hoạt động nhưng quỹ vẫn lời. Vì mảng quỹ tại Việt Nam còn mới và nhỏ.

Đại lý phân phối (ĐLPP) có chức năng gì?

ĐLPP như Fmarket (cũng giống như các Công ty Chứng khoán) chỉ làm chức năng tiếp nhận lệnh và hỗ trợ Nhà đầu tư.

Thông tin đăng ký và lệnh giao dịch của Nhà đầu tư qua Fmarket sẽ được đẩy lên Trung tâm lưu ký chứng khoán.

Trung tâm lưu ký chứng khoán có chức năng gì?

Trung tâm lưu ký chứng khoán là nơi tổng hợp thông tin đăng ký và giao dịch của Nhà đầu tư. Tại đây lưu đầy đủ thông tin của Khách hàng như: Thông tin tài khoản, lệnh mua/bán, số lượng nắm giữ từng quỹ…

Khi Khách hàng mua, ĐLPP sẽ đẩy lệnh lên Trung tâm lưu ký chứng khoán. Trung tâm lưu ký sẽ đối chiếu với báo có tiền của Khách hàng từ NHGS để khớp lệnh và thực hiện phân bổ chứng chỉ quỹ về tài khoản của Khách hàng tại ĐLPP.

Công ty Quản lý Quỹ làm gì?

Nhiệm vụ chính của Công ty QLQ là ra quyết định đầu tư và phân bổ danh mục. Tại đây đội ngũ chuyên gia sẽ phân tích tình hình Kinh tế – Thị trường. Cũng như phân tích ngành, phân tích cổ phiếu, trái phiếu để lựa chọn vào danh mục đầu tư của quỹ.

Và quỹ chỉ có một mục tiêu duy nhất là mang lại lợi nhuận ổn định và tốt hơn trong trung và dài hạn.

Các quỹ sẽ phải cạnh tranh nhau về mức độ hiệu quả đầu tư và giảm thiểu rủi ro để thu hút Khách hàng. Vì quỹ chỉ thu trung bình 0.3%-1.5% phí quản lý hàng năm, đây là khoản thu duy nhất của Công ty QLQ.

Điều gì đảm bảo rằng tiền sẽ được đầu tư đúng mục đích

Người dùng Fmarket có thể tự kiểm tra thông tin này.

Fmarket công khai các hợp đồng mà Fmarket đã thay mặt nhà đầu tư đăng ký với các công ty quỹ khi mở tài khoản giao dịch tại Fmarket. Sau khi đăng ký xong Fmarket, bạn sẽ được tự động đăng ký giao dịch chứng chỉ quỹ mở tại các công ty quản lý quỹ đối tác của Fmarket. Mỗi công ty đều có hợp đồng điện tử riêng.

hop dong scaled

Bạn có thể tải và lưu trữ hợp đồng điện tử. sample scaled

Giấy đăng ký giao dịch chứng chỉ quỹ Mở của VinaCapital

Về việc đảm bảo an toàn khi đầu tư vào quỹ mở thông qua Fmarket, có 2 cơ chế an toàn:

  • Thứ nhất, Fmarket không đứng ra thu tiền của người dùng. Ở mục giao dịch nếu bạn muốn mua chứng chỉ quỹ nào, bạn sẽ tự chuyển khoản vào STK của quỹ đó để mua trực tiếp, không thông qua Fmarket. Vì vậy bạn có thể an tâm, Fmarket không “nhúng tay” vào tiền của bạn. Như đã nói ở phần dòng tiền.
  • Thứ hai, theo quy định của UBCK NN, tài sản và quyền sở hữu của Nhà đầu tư tại quỹ mở có được bảo đảm không thông qua các cơ chế sau:
  1. Quỹ mở được giám sát chặt chẽ bởi UBCKNN, Ban Đại Diện quỹ, ngân hàng giám sát và công ty kiểm toán. Báo cáo tài chính, tài sản ròng, giá của chứng chỉ quỹ của các Quỹ mở của VCBF luôn được công bố trên trang web của VCBF và UBCKNN.
  2. Nhà đầu tư có thể rút vốn khỏi Quỹ mở bất kỳ lúc nào.
  3. Tiền của nhà đầu tư được cất giữ tại tài khoản ngân hàng giám sát của quỹ, quỹ không trực tiếp giữ tiền.
  4. Trong trường hợp công ty quản lý quỹ dừng hoạt động thì tiền của nhà đầu tư sẽ được phong tỏa tại ngân hàng giám sát. Đại hội Nhà đầu tư sẽ họp lại để chọn ra công ty quản lý quỹ mới tiếp tục quản lý quỹ đó. Chi tiết cụ thể Thông tư 183 -2011 TT BTC Thành lập và quản lý mở ngày 16/12/2011 về Quỹ mở bạn có thể tham khảo. 

Tiền của nhà đầu tư có mất nếu Fmarket phá sản

Trong trường hợp Fmarket phá sản, nhà đầu tư có thể yên tâm tiền của mình không thể bị mất. 

Theo quy định của Uỷ ban chứng khoán NN, các Đại lý phân phối chính thức (fmarket) trước khi chấm dứt hoạt động phải thông báo cho Ủy ban chứng khoán nhà nước và Công ty Quản lý quỹ để phối hợp xử lý tài khoản của Nhà đầu tư, theo trình tự:

1. Thông báo cho Nhà đầu tư bán ra rút tiền về trước khi chính thức dừng hoạt động.

2. Nhà đầu tư có thể chọn chuyển tài khoản qua một đại lý phân phối chính thức khác theo chỉ định của UBCK NN.

Đơn giản thì bạn có thể hình dung như, bạn ra  điện máy xanh mua cái Tivi Samsung. Tivi hư bạn chở thẳng ra trạm Samsung để bảo hành. Điện Máy Xanh nó có sập cũng không liên quan. Fmarket ở đây tương tự Điện Máy Xanh.

Kết luận

Khi đầu tư vào bất kỳ mô hình hay dự án nào, bạn nên đặt câu hỏi về tính pháp lý, được kiểm soát bởi ai, mô hình kinh doanh ra sao, dòng tiền đi như nào, và các cơ chế bảo hiểm dành cho người dùng. 

Từ những câu hỏi trên, có thể thấy Fmarket là mô hình an toàn, không lừa đảo. Để bạn có thể đầu tư Quỹ tại Việt Nam.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận