skip to Main Content

Đầu tư cổ phiếu theo đà tăng trưởng là gì? Các công cụ phân tích kỹ thuật để phát hiện xu hướng thị trường

  1. Chiến lược đầu tư chứng khoán (Level 5)
  2. Lựa chọn chiến lược đầu tư phù hợp
  3. Chiến lược đầu tư cổ phiếu thu nhập
  4. Chiến lược đầu tư vào các công ty vốn hóa nhỏ
  5. Danh mục cổ phiếu đầu tư dài hạn tốt nhất
  6. Khi nào nên mua cổ phiếu trong một thị trường đang đi xuống?
  7. 6 chiến lược đầu tư phổ biến được áp dụng thành công nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ hiện nay
  8. Đầu tư giá trị là gì? Tất tần tật từ A đến Z về đầu tư giá trị và cách định giá cổ phiếu
  9. Đầu tư tăng trưởng là gì? Cách lựa chọn cổ phiếu và 4 bước để tối đa hóa lợi nhuận từ chiến lược này
  10. Đầu tư cổ phiếu theo đà tăng trưởng là gì? Các công cụ phân tích kỹ thuật để phát hiện xu hướng thị trường

Đầu tư theo đà tăng trường là một chiến lược đầu tư đi ngược lại với chiến lược mua thấp và bán cao thông thường trong thị trường chứng khoán Mỹ. Vậy chiến lược đầu tư cổ phiếu theo đà tăng trưởng (hay đầu tư theo xu hướng) là gì? Các nhà đầu tư theo đà hướng tới mục tiêu mua cao và bán cao hơn nữa. Họ kỳ vọng rằng trong một xu hướng tăng, giá sẽ tiếp tục tăng lên thêm trong một thời gian và cho họ cơ hội bán với giá cao hơn nữa. Bài viết dưới đâu tìm hiểu các khía cạnh về chiến lược đầu tư cổ phiếu theo đà tăng trưởng, cách thức hoạt động, các công cụ bạn cần để áp dụng chiến lược thành công, cũng như những ưu và nhược điểm của phương pháp này.

Đầu tư theo đà tăng trưởng ( theo xu hướng thị trường) là gì?

Đầu tư cổ phiếu theo đà tăng trưởng (hay còn được gọi là đầu tư theo xu hướng) có tên gọi trong tiếng Anh là Momentum Investing – là một chiến lược giao dịch trong đó các nhà đầu tư mua tài sản có xu hướng tăng giá và bán chúng khi chúng tăng giá cao hơn nữa và được đánh giá là đã đạt mức giá cao nhất.

Đầu tư theo đà dựa trên giả định rằng các xu hướng thị trường có nhiều khả năng tiếp tục xu hướng hiện tại của chúng từ bất kỳ thời điểm nào. Đúng là xu hướng thị trường sẽ đảo ngược, nhưng theo thống kê, điều này xảy ra ít thường xuyên hơn so với việc tiếp tục xu hướng. Chiến lược này trái ngược với quan niệm mua cổ phiếu bị định giá thấp. Một số nhà phân tích đã mô tả đầu tư theo đà tăng trưởng là “mua cao và bán cao hơn”.

Mục tiêu của chiến lược đầu tư theo đà là tìm các cơ hội mua có xu hướng tăng ngắn hạn và sau đó bán khi chứng khoán mất đà và lặp lại quá trình đó.

Lịch sử đầu tư theo đà tăng trưởng

Hiện nay, không biết chính xác ai là người đầu tiên phát minh ra phương pháp đầu tư theo đà tăng trưởng, nhưng có một giả thuyết là năm 1993 các nhà nghiên cứu đã công bố trên Tạp chí Tài chính rằng: Từ năm 1965 đến năm 1988, các nhà đầu tư đã nhận được những khoản lợi nhuận lớn bằng cách mua vào khi cổ phiếu tăng giá và bán ra khi giảm giá.

Ý tưởng đầu tư này được nhà quản lý quỹ Richard Driehaus áp dụng và xây dựng nó thành một chiến lược để điều hành quỹ của mình. Năm 2004, ông trả lời phỏng vấn trên Crain’s Chicago Business: “Tôi tin rằng có thể kiếm được nhiều tiền hơn khi mua cổ phiếu ở mức giá cao và bán ở mức giá cao hơn. Tôi cố gắng mua những cổ phiếu đã có biến động giá tốt, thường tạo ra những đỉnh mới và có sức tăng tương đối mạnh.” Kết quả là, nhiều kỹ thuật mà ông sử dụng đã trở thành nền tảng cơ bản của chiến lược đầu tư theo đà tăng trưởng hiện nay.

Một số chỉ báo phân tích kỹ thuật sử dụng trong đầu tư theo đà tăng trưởng

Phân tích kỹ thuật là phương pháp chính được các nhà đầu tư theo đà tăng trưởng sử dụng. Các nhà giao dịch thường cố gắng xác định độ mạnh của xu hướng giá nên việc sử dụng các chỉ báo kỹ thuật là rất quan trọng để quyết định sự thành công trong chiến lược giao dịch theo đà tăng trưởng. Sau đây là một số chỉ báo kỹ thuật được sử dụng phổ biến nhất trong giao dịch theo đà tăng trưởng:

1. Đường xu hướng (Trend lines)

Một công cụ phân tích kỹ thuật cơ bản để theo dõi biến động giá là các đường xu hướng. Đường xu hướng là một đường thẳng được vẽ bằng cách nối hai điểm liên tiếp trên biểu đồ giá.

  • Nếu đáy sau cao hơn đáy trước, tạo ra đường xu hướng hướng lên trên, nó thể hiện xu hướng tăng, nhà đầu tư có thể cân nhắc mua (BUY) cổ phiếu.
  • Nếu đáy sau thấp hơn hơn đáy trước, tạo ra đường xu hướng hướng xuống, nó thể hiện xu hướng giảm giá, nhà đầu tư có thể bán khống (SELL) hoặc đứng ngoài thị trường chờ cơ hội mua thích hợp.

2. Đường trung bình động (Moving averages)

Đường trung bình động (Moving averages) là chỉ báo tính trung bình giá của cổ phiếu trong một khoảng thời gian nhất định. Chỉ báo này giúp các nhà giao dịch xác định xu hướng phổ biến bằng cách loại bỏ hết những biến động giá nhỏ, không đáng kể.

  • Khi giá nằm trên hơn đường trung bình động, và đường trung bình động hướng lên trên, nó thể hiện xu hướng tăng.
  • Ngược lại, nếu giá nằm dưới đường trung bình động, và đường trung bình động hướng xuống dưới, nó thể hiện xu hướng giảm.

3. Chỉ báo dao động ngẫu nhiên (Stochastic oscillator)

Chỉ báo dao động ngẫu nhiên (Stochastic oscillator) là chỉ báo so sánh mức giá đóng cửa gần nhất với một phạm vi giá trong một khoảng thời gian xác định.

  • Chỉ báo Stochastic oscillator nằm trong khoảng từ 0 đến 100.
  • Nếu chỉ báo hoạt động ở trên mức 50 cho thấy xu hướng tăng mạnh. Nếu chỉ báo đang ở dưới mức 50, cho thấy giá đang đi vào xu hướng giảm mạnh hơn.
  • Nếu chỉ báo đang ở dưới mức 20, cho thấy thị trường đang ở tình trạng quá bán, có thể sẽ đảo chiều đi lên. Tương tự, nếu chỉ báo đang ở trên mức 80, có thể thị trường đang trong tình trạng quá mua, và có thể đảo chiều giảm giá.

4. Chỉ báo định hướng trung bình (Average Directional Index – ADX)

Chỉ báo định hướng trung bình (hay tên gọi quen thuộc hơn là chỉ báo ADX) là một chỉ báo để xác định thị trường đang đi ngang hay bắt đầu một xu hướng và xu hướng đó có mạnh hay không.

  • Chỉ báo ADX nằm trong khoảng từ 0 đến 100.
  • Nếu ADX có giá trị dưới 25 (một số nhà giao dịch sử dụng 20 thay vì 25) thể hiện thị trường đang dao động hoặc không có xu hướng rõ ràng. Nếu chỉ báo trên 25 cho thấy có một xu hướng.
  • Chỉ số ADX càng cao thể hiện xu hướng càng mạnh, ví dụ: Chỉ báo ADX đang ở mức 40 cho thấy xu hướng mạnh hơn chỉ báo ADX ở mức 30.

5. Chỉ báo trung bình động hội tụ phân kỳ (Moving Average Convergence Divergence – MACD)

Chỉ báo trung bình động hội tụ phân kỳ (Moving Average Convergence Divergence – MACD) là một chỉ báo động lượng thể hiện mối quan hệ giữa hai đường trung bình động (EMA26 và EMA12).

Chỉ báo MACD bao gồm đường MACD và đường tín hiệu. Đường MACD thể hiện sự khác biệt giữa EMA26 và EMA12, và đường tín hiệu là EMA9.

  • Khi đường MACD cắt đường tín hiệu từ dưới lên là tín hiệu mua (BUY)
  • Khi đường MACD cắt đường tín hiệu từ phía trên xuống là tín hiệu bán (SELL).
  • MACD cũng tạo ra các tín hiệu mua và bán bằng các phân kỳ tăng và giảm khi so với xu hướng giá.

6. Chỉ báo sức mạnh tương đối (Relative Strength Index – RSI)

Chỉ báo sức mạnh tương đối (Relative Strength Index – RSI) là chỉ báo đo mức độ biến động của giá cổ phiếu để đánh giá tình trạng quá mua hoặc quá bán có đang diễn ra hay không.

  • Chỉ báo RSI có giá trị từ 0 đến 100.
  • Khi RSI ở trên mức 70, cổ phiếu được coi là quá mua và giá có thể giảm.
  • Khi RSI xuống dưới 30, cổ phiếu đang bị bán ra quá nhiều và có thể sẽ tăng giá.

Chiến lược đầu tư theo đà tăng trưởng hoạt động như thế nào?

Việc áp dụng các chiến lược đầu tư theo đà tăng trưởng rất dễ thực hiện. Bạn chỉ cần chọn một khung thời gian, sau đó đánh giá tất cả các cổ phiếu bạn sở hữu trong thời gian đó.

Một kịch bản đầu tư theo đà tăng trưởng phổ biến đó là mua những cổ phiếu có xu hướng tăng trong vòng 3 đến 12 tháng qua và bán những cổ phiếu hoạt động kém hiệu quả trong cùng khoảng thời gian đó.

Xu hướng là sự chuyển động của thị trường theo một hướng nhất định trong một khoảng thời gian đủ dài. Thị trường có 3 chiều xu hướng chính:

  • Xu hướng tăng (uptrend) là giai đoạn thị trường chuyển động tăng giá, được biểu thị bởi một loạt các đỉnh và các đáy cao hơn theo thời gian. Xu hướng tăng của cổ phiếu cho thấy dòng tiền lớn hay đám đông nhà đầu tư đang duy trì vị thế mua.
  • Xu hướng giảm (downtrend) là giai đoạn thị trường chuyển động giảm giá, được đặc trưng bởi một loạt các đỉnh và đáy thấp hơn theo thời gian. Xu hướng tăng của cổ phiếu cho thấy dòng tiền lớn hay đám đông nhà đầu tư đang duy trì vị thế bán.
  • Xu hướng đi ngang (sideways) là giai đoạn thị trường chuyển động trong một vùng giá nhất định, đỉnh sau = đỉnh trước, đáy sau = đáy trước. Trạng thái không rõ xu hướng của cổ phiếu cho thấy dòng tiền lớn hay đám đông nhà đầu tư đang giằng co giữa mua và bán.

Theo thời gian, xu hướng được chia thành 3 loại:

  • Xu hướng dài hạn là xu hướng kéo dài từ 5 năm trở lên.
  • Xu hướng trung hạn là xu hướng kéo dài từ 1 đến 5 năm.
  • Xu hướng ngắn hạn là xu hướng kéo dài dưới 1 năm.

Chiến lược giao dịch chứng khoán theo xu hướng yêu cầu nhà đầu tư phải xác định hướng đi của thị trường và giao dịch theo nó. Cụ thể, nhà đầu tư sẽ mở vị thế mua khi thị trường tăng và cổ phiếu đó đang trong xu hướng tăng. Ngược lại, vị thế bán được thực hiện khi tài sản có xu hướng đi xuống. Những nhà giao dịch theo xu hướng sẽ giữ nguyên vị thế ban đầu của họ cho đến khi họ tin rằng xu hướng này đã đảo chiều.

Chiến lược giao dịch theo xu hướng thường tạo ra tỷ suất sinh lợi vượt trội cao và có được thông qua một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, đây lại là chiến lược mà hầu hết các nhà đầu tư chứng khoán khó áp dụng được vì những lý do mang tính chất tâm lý của con người trong quá trình giao dịch.

Một nhược điểm khác của đầu tư theo đà tăng trưởng là nó có thể đòi hỏi rất nhiều công sức, thời gian, hoặc chuyên môn để nghiên cứu xem cổ phiếu nào đang có xu hướng tốt và cổ phiếu nào không. Điều này đặc biệt đúng đối với các phương pháp phân tích kỹ thuật để đầu tư theo đà tăng trường cụ thể hơn, bao gồm việc sử dụng các chỉ báo kỹ thuật phức tạp để xác định khi nào nên mua và bán chứng khoán.

Có rất nhiều công cụ kỹ thuật hỗ trợ các nhà giao dịch theo xu hướng xác định khi nào xu hướng bắt đầu và xu hướng kết thúc. Một số chỉ báo phổ biến thường được sử dụng như đường xu hướng (Trendline), kênh xu hướng ((Price Chanel), các đường hỗ trợ, kháng cự…

Tuy nhiên, phương pháp đầu tư theo đà tăng trưởng cũng có thể được áp dụng một cách tổng quát. Các nhà đầu tư không cần phân tích từng cổ phiếu, họ chỉ cần đầu tư vào các quỹ giao dịch chỉ số chứng khoán (ETF) khi thị trường chung đang hoạt động tốt. Điều này áp dụng chiến lược đầu tư theo đà tăng trưởng theo nghĩa rộng hơn.

Một số quỹ ETF cho phép nhà đầu tư đầu tư theo đà tăng trưởng bao gồm: iShares Edge MCSI USA Momentum Factor ETF (MTUM) và SPDR Russell 1000 Momentum Focus ETF (ONEO).

Đánh giá hiệu quả đầu tư của chỉ số đầu tư theo đà tăng trưởng

Dưới đây là bảng so sánh về hiệu suất hàng năm của Chỉ số MSCI USA Momentum Index so với chỉ số gốc của nó là MSCI USA INDEX và chỉ số S&P 500.

Hiệu suất đầu tư trong quá khứ không đảm bảo cho lợi nhuận trong tương lai, nhưng chúng ta cũng có thể đưa ra một số đặc điểm chung của các chỉ số này. Có thể thấy, Chỉ số theo đà tăng trưởng MSCI USA Momentum Index có kết quả vượt trội so với hai chỉ số còn lại trong bảy năm từ 2008 đến 2019. Tuy nhiên, trong năm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008, chỉ số này hoạt động kém hơn hai chỉ số còn lại. Điều này cho thấy đầu tư theo đà tăng trưởng có thể mang lại lợi nhuận tốt trong thời kỳ thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt, nhưng nó không thể bảo vệ được vốn đầu tư của bạn trong các giai đoạn biến động.

Chiến lược đầu tư theo đà tăng trưởng

Bằng cách sử dụng chiến lược đầu tư theo đà tăng trưởng, các nhà đầu tư có thể tìm kiếm lợi nhuận từ việc mua hoặc bán khống chứng khoán khi chúng đang có động lượng cao, tức là có xu hướng giá rõ ràng, có thể là một loạt các đợt tăng giá hoặc giảm giá diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn.

Đầu tư theo đà nói chung là một chiến lược đầu tư ngắn hạn, vì mục đích chính của các nhà giao dịch là nắm bắt một phần biến động giá theo xu hướng.

Đầu tư theo xu hướng tăng

Xu hướng tăng mô tả sự biến động giá của một cổ phiếu có hướng tổng thể đi lên. Trong một xu hướng tăng, các đỉnh và đáy sau luôn cao hơn các đỉnh và đáy trước đó. Một khi giá bắt đầu xuất hiện các lower swing highs (đỉnh sau thấp hơn các đỉnh trước) và lower swing lows (đáy sau thấp hơn đáy trước), xu hướng tăng có thể đã chấm dứt. Một xu hướng đảo ngược giá có thể đang được hình thành hay còn gọi là xu hướng giảm.

Nhà đầu tư chứng khoán theo xu hướng sẽ thực hiện lệnh BUY khi giá bắt đầu tăng cao và tiếp tục mua cho đến khi xu hướng này chấm dứt.

Đầu tư cổ phiếu theo đà tăng trưởng là gì? Một số chỉ báo phân tích kỹ thuật, chiến lược đầu tư theo đà, ưu và nhược điểm

Có nhiều phương pháp để nhà đầu tư theo xu hướng phân tích và giao dịch trong một xu hướng tăng, một là theo dõi các tin tức cơ bản và dữ liệu thị trường (phân tích cơ bản), hai là sử dụng các công cụ chỉ báo như đường xu hướng, đường trung bình động để phân tích hướng đi của giá cổ phiếu (phân tích kỹ thuật).

Đầu tư theo xu hướng giảm

Trái ngược với xu hướng tăng, xu hướng giảm cho thấy giá của một cổ phiếu có hướng tổng thể đi xuống. Trong một xu hướng giảm, bạn sẽ thấy thị trường tạo các đỉnh và đáy mới thấp hơn các đỉnh và đáy cũ. Nhà đầu tư chứng khoán theo xu hướng sẽ thực hiện lệnh SELL (bán khống), cho đến khi xu hướng giảm kết thúc.

Đầu tư cổ phiếu theo đà tăng trưởng là gì? Một số chỉ báo phân tích kỹ thuật, chiến lược đầu tư theo đà, ưu và nhược điểm

Tuy nhiên, trong một giai đoạn tăng hay giảm, giá cổ phiếu sẽ không chỉ đi theo một hướng mà nó sẽ thực hiện các giai đoạn hồi kỹ thuật để tiếp tục đà tăng sau đó. Ví dụ trong một xu hướng tăng, một số nhà đầu tư mua được khi xu hướng mới bắt đầu đã đạt được mục tiêu lợi nhuận và bán chốt lời. Việc này sẽ khiến cho giá giảm nhẹ trước khi trở lại với xu hướng tổng thể của nó.

Làm gì khi thị trường không có xu hướng?

Thị trường không có xu hướng hay còn gọi là trạng thái sideway xảy ra khi giá đi ngang trong một biên độ tương đối ổn định và không hình thành một xu hướng cụ thể nào trong một khoảng thời gian tương đối dài. Giá dao động trong một kênh theo chiều ngang và không có bên mua hay bên bán chiếm ưu thế. Thị trường cổ phiếu cũng thường có trạng thái side-way và dù giá đi ngang, cơ hội vẫn xuất hiện dành cho nhà đầu tư.

Đầu tư cổ phiếu theo đà tăng trưởng là gì? Một số chỉ báo phân tích kỹ thuật, chiến lược đầu tư theo đà, ưu và nhược điểm

Có hai cách phổ biến nhất để nhà đầu tư kiếm lợi nhuận từ trạng thái sideway: một là kiếm lời khi giá dao động trong biên độ đi ngang (hay còn gọi là Mua thấp – Bán cao) , hoặc chờ đợi giá breakout.

Tùy vào độ rộng của biên độ, nhà đầu tư vẫn kiếm được lợi nhuận nhờ vào chiến lược “Mua thấp – Bán cao”. Điều này cũng sẽ đòi hòi một sự khéo léo nhất định khi tùy thuộc vào khoảng thời gian sideway. Tuy nhiên, đây không phải là phương pháp đầu tư theo đà tăng trưởng.

Cách thứ 2 khi gặp tình huống thị trường đi ngang đó là đợi giá breakout. Phạm vi sideway có thể chỉ là trạng thái nghỉ của một xu hướng tăng hoặc giảm lớn hơn. Các tín hiệu bất thường của khối lượng giao dịch tại vùng giá sát kháng cự – hỗ trợ của kênh sideway có thể là tín hiệu cảnh báo trạng thái sideway kết thúc. Đây là lúc nhà đầu tư chờ đợi một xu hướng mới để tận dụng sớm chiến lược đầu tư theo đà tăng trưởng.

Các bước thực hiện đầu tư theo đà tăng trưởng

Đầu tư cổ phiếu theo đà tăng trưởng là gì? Một số chỉ báo phân tích kỹ thuật, chiến lược đầu tư theo đà, ưu và nhược điểm

Chọn chứng khoán có đà tăng trưởng an toàn

Khi sử dụng chiến lược đầu tư theo xu hướng, bạn cần chọn chứng khoán có khả năng thanh khoản tốt. Nếu có thể, hãy tìm kiếm các chứng khoán có khối lượng giao dịch hơn 5 triệu cổ phiếu mỗi ngày. Có rất nhiều cổ phiếu phổ biến đáp ứng tiêu chuẩn này, nhưng ngay cả những cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp cũng có khả năng thanh khoản cao khi phản ứng của nhà đầu tư tăng lên khi ngay cả những cổ phiếu thả nổi thấp cũng có thể trở nên thanh khoản cao trong các điều kiện thị trường xuất hiện nhiều tin tức.

Tránh sử dụng đòn bẩy hoặc quỹ ETF đảo ngược (inverse ETFs). Các quỹ thường bao gồm nhiều cổ phiếu khác nhau do đó biến động giá của chúng thường không thể hiện chính xác xu hướng của thị trường. Các quỹ là một công cụ đầu tư hiệu quả nhưng nó thường có tỷ lệ lãi và lỗ nhỏ hơn so với các chứng khoán riêng lẻ.

Xác định thời gian vào lệnh

Các cơ hội để giao dịch theo đà tăng trưởng tốt nhất là sau các chu kỳ tin tức lớn, gây ra các biến động giá thay đổi từ mức giá này sang mức giá khác và tạo ra các tín hiệu mua hoặc bán.

Mặc dù các lệnh vào sớm nhất thường sẽ mang lại lợi nhuận lớn nhất với rủi ro nhỏ nhất, và nên tránh vào lệnh khi các xu hướng đã hết động lực đi tiếp. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các nhà giao dịch thường không nhìn thấy cơ hội vào lệnh cho đến khi chu kỳ đã đi qua những thời điểm tốt nhất.

Để biết nắm bắt những cơ hội tốt nhất, cách duy nhất đó là phải luyện tập để bạn có phản xạ với thị trường và có chiến lược quản lý rủi ro chặt chẽ.

Quản lý giao dịch

Sau khi đã vào lệnh, việc quản lý giao dịch đó sao cho hiệu quả là điều quan trọng. Thị trường chứng khoán thường có spread khá lớn. Do đó sau khi vào lệnh, giá cần phải có biến động đủ lớn để mang lại lợi nhuận cho bạn.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng với chiến lược này, càng giữ lệnh lâu thì rủi ro càng tăng lên, nên họ lựa chọn giao dịch trong ngày. Tuy nhiên, vì tận dụng các biến động trong ngày để kiếm lợi nhuận, nên nhà đầu tư cần phải có số vốn lớn để kiếm được khoản lợi nhuận đáng kể.

Ngược lại, nếu bạn nắm giữ giao dịch trong thời gian dài, bạn có thể không cần sử dụng số vốn lớn và có thể chốt lời ở cách xa vị trí vào lệnh để kiếm lợi nhuận tốt hơn.

Lựa chọn thời điểm chốt lời/dừng lỗ

Khi giá đã tăng mạnh trong một thời gian và xuất hiện các dấu hiệu đảo chiều, hãy thoát khỏi giao dịch đó và nhận về lợi nhuận. Ngoài ra, hãy luôn nhớ đặt chặn lỗ cho các giao dịch của mình.

Có thể sử dụng nhiều phương pháp phân tích kỹ thuật để nhất biết các dấu hiệu đảo chiều như đường trendline, hoặc Bollinger Band….

Ưu và nhược điểm của đầu tư theo đà tăng trưởng

Nếu bạn là một nhà giao dịch sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao để nhận được lợi nhuận trong thời gian ngắn thì chiến lược đầu tư theo đà tăng trưởng có thể phù hợp với bạn. Việc bạn có khả năng lựa chọn sai thời điểm giao dịch và thua lỗ là rất cao, nên hãy sẵn sàng chấp nhận rủi ro đó khi lựa chọn phương pháp đầu tư này.

Đầu tư cổ phiếu theo đà tăng trưởng là gì? Một số chỉ báo phân tích kỹ thuật, chiến lược đầu tư theo đà, ưu và nhược điểm

Ưu điểm của đầu tư theo đà tăng trưởng

  • Đầu tư theo đà tăng trưởng có tiềm năng thu được lợi nhuận cao trong một thời gian ngắn. Giả sử một nhà đầu tư mua một cổ phiếu tăng từ $50 lên $75 sau khi phân tích và nhận ra cổ phiếu đó có rất nhiều tín hiệu tích cực. Sau đó, họ bán khi đạt lợi nhuận 50% trước khi giá cổ phiếu điều chỉnh, chỉ trong vài tuần hoặc vài tháng (không phải là lãi hàng năm).
  • Cho phép nhà giao dịch tận dụng các xu hướng thị trường. Các nhà đầu tư theo đà tăng trưởng tìm kiếm các cổ phiếu đang trên đà tăng giá để đầu tư và sau đó bán chúng trước khi giá bắt đầu giảm trở lại. Do đó, họ phải luôn dẫn đầu về xu hướng thị trường;
  • Chiến lược đầu tư cổ phiếu theo đà tăng trưởng thường tận dụng xu hướng đang bắt đầu hình thành và khi giá cổ phiếu thay đổi họ thu về lợi nhuận của mình. Chiến lược này được thực hiện một cách có hệ thống, bao gồm một điểm mua và bán cụ thể.

Nhược điểm của đầu tư theo đà tăng trưởng

  • Một nhược điểm của hầu hết các nhà giao dịch cổ phiếu theo xu hướng đó là phí hoa hồng và spread khi giao dịch cổ phiếu cao có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ;
  • Đầu tư theo đà tăng trưởng có thể khá tốn thời gian vì các nhà giao dịch phải theo dõi chi tiết thị trường hàng ngày, thậm chí là hàng giờ. Vì họ cần phải tìm thời điểm vào lệnh sớm và chốt lời khi cổ phiếu đạt đỉnh và giảm trở lại nhanh chóng. Điều đó khiến họ phải liên tục theo dõi biểu đồ giá, cập nhật tin tức thị trường để xem liệu có điều gì khiến nhà đầu tư hoảng sợ hay không;
  • Đầu tư theo đà tăng trưởng hoạt động tốt nhất trong một thị trường giá lên vì các nhà giao dịch có xu hướng bầy đàn nhiều hơn.
  • Khả năng đảo ngược xu hướng là rất cao. Yếu tố chính của chiến lược này là tin rằng xu hướng sẽ tiếp tục theo cùng một hướng đang diễn ra. Tuy nhiên, đôi khi xu hướng đảo ngược nhanh chóng và chiến lược này thất bại.

Các câu hỏi thường gặp

Đầu tư cổ phiếu theo đà tăng trưởng là gì? Một số chỉ báo phân tích kỹ thuật, chiến lược đầu tư theo đà, ưu và nhược điểm

Đầu tư đà tăng trưởng là gì?

Đầu tư theo đà tăng trưởng (hay còn gọi là đầu tư theo xu hướng), tiếng anh là Momentum investing. Đây là chiến lược mua cổ phiếu hoặc các chứng khoán khác hoạt động tốt, có xu hướng tăng trong vòng ba đến mười hai tháng qua và bán những chứng khoán có lợi nhuận kém trong cùng kỳ. Đầu tư theo đà tăng trưởng thực hiện mua cao và bán ở giá cao hơn, về cơ bản là ngược lại với mua thấp và bán cao.

Một số ưu điểm của giao dịch theo đà tăng trưởng là gì?

Giao dịch theo đà tăng trưởng có vẻ hấp dẫn hơn so với mua thấp và bán cao, bởi vì bạn đã mua một tài sản đang có xu hướng tăng. Bạn không cần phải mua một tài sản bị định giá thấp và đợi thị trường thay đổi lại đánh giá về cổ phiếu đó để khoản đầu tư của bạn sinh lãi. Ngoài ra, đầu tư theo đà tăng trưởng còn có tiềm năng lợi nhuận cao trong một thời gian ngắn.

Một số rủi ro của giao dịch theo đà tăng trưởng là gì?

Giống như tất cả các chiến lược giao dịch, giao dịch theo đà tăng trưởng không phải là không có rủi ro. Ví dụ bạn phải xác định chính xác thời điểm vào và thoát lệnh, bởi mỗi quyết định không chính xác đều có thể gây thua lỗ. Ngoài ra, việc thực hiện nhiều giao dịch cũng tốn chi phí và tăng tỷ lệ thua lỗ cho nhà giao dịch.

Điều gì ảnh hưởng đến đà tăng giá của cổ phiếu?

Có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến việc thay đổi giá trong ngắn hạn của cổ phiếu hạn như: tình hình kinh doanh của công ty, sự kiện tin tức, biến động thị trường và hiệu ứng bầy đàn (xu hướng của các nhà giao dịch theo số đông).

Làm thế nào để phát hiện đà tăng giá của cổ phiếu?

Để nhận biết đà tăng cổ phiếu đang diễn ra, các nhà giao dịch sử dụng các chỉ báo kỹ thuật như đường xu hướng, đường trung bình động (moving averages), chỉ báo dao động ngẫu nhiên (stochastic oscillator) và chỉ báo định hướng trung bình (average directional indicator – ADI).

Cuốn sách nào viết về chiến lược đầu tư theo đà tăng trưởng?

Cuốn sách “Những bậc thầy đầu tư theo đà tăng trưởng” là một tài liệu cho những ai quan tâm đến chiến lược đầu tư theo đà tăng trưởng. Tác giả đã tập hợp 130 câu hỏi thường gặp trong giao dịch thực tế được tổng hợp từ những chuyên gia trong chiến lược này như Mark Minervini, David Ryan, Dan Zanger và Mark Ritchie II.

Cuốn sách giúp độc giả nắm được cách đầu tư theo đà tăng trưởng: cách đọc đồ thị, lựa chọn thời điểm giao dịch, cách bảo vệ lợi nhuận, xác định quy mô giao dịch hợp lý, phân tích yếu tố cơ bản (FA) và nâng cao kỹ năng kiểm soát tâm lý, tránh những sai lầm đáng tiếc…

Để nắm rõ và biết cách thực hành chiến lược này, tham khảo cuốn sách: “Những bậc thầy đầu tư theo đà tăng trưởng”.

Phần kết luận

Giao dịch theo đà tăng trưởng (hay theo xu hướng) cũng có những rủi ro có thể gặp phải giống như bất kỳ chiến lược giao dịch nào khác. Khi bạn đang quyết định đầu tư vào một cổ phiếu hoặc ETF dựa trên hành động của những người tham gia thị trường khác.

Mặc dù có rất nhiều quy tắc xác định xu hướng và chiến lược giao dịch với xu hướng, yếu tố con người và tâm lý giao dịch vẫn là quan trọng nhất. Nhà đầu tư theo xu hướng sẽ không bao giờ chỉ tập trung mua ở giá đáy và bán ở giá đỉnh. Họ xác định xu hướng, giao dịch theo nó và giữ lệnh cho đến khi xu hướng đảo chiều mà không bị tác động bởi những yếu tố tâm lý khác.

Để giao dịch theo xu hướng hiệu quả nhất, nhà đầu tư nên kết hợp sử dụng các chỉ báo kỹ thuật để có thể xác định thời điểm mua/bán hợp lý nhất nhằm tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa thua lỗ. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng áp lực mua sẽ tiếp tục đẩy giá lên.

Đặc biệt, chiến lược giao dịch này không dành cho tất cả mọi người. Cần có kỷ luật nghiêm ngặt để giao dịch theo phong cách này vì tất cả các giao dịch phải được đóng lại khi thị trường có dấu hiệu suy yếu đầu tiên, ngay cả khi bạn chưa đạt được lợi nhuận, nếu không bạn sẽ bị thua lỗ lớn hơn.

Investing.vn

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận