skip to Main Content

Cách chọn cổ phiếu tăng trưởng hiệu quả nhất

Trong thời kỳ nền kinh tế có nhiều biến động như hiện này, cổ phiếu tăng trưởng thường được các nhà đầu tư ưu ái hơn cả bởi nó thuộc về các doanh nghiệp có tốc độ phát triển nhanh hơn so với thị trường chung. Vậy cách chọn cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất như thế nào, đem lại hiệu quả sinh lời cao nhất? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết này.

Đọc thêm: Chiến lược đầu tư cổ phiếu tăng trưởng

Cổ phiếu tăng trưởng là gì?

Nhiều nhà đầu tư thường nhầm lẫn khái niệm cổ phiếu tăng trưởng là những doanh nghiệp lâu đời và đã có mức tăng trưởng tốt trong quá khứ. Tuy nhiên, trên thực tế, cổ phiếu tăng trưởng là cổ phiếu của các công ty có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao trong tương lai. Các doanh nghiệp tăng trưởng có tốc độ phát triển nhanh hơn so với mức tăng trung bình của thị trường và họ thường dành phần lớn doanh thu hiện tại của mình cho việc tái đầu tư hoặc mở rộng quy mô. Chính vì thế, những cổ phiếu này thường không trả cổ tức, mà nhà đầu tư sẽ kiếm được tiền nhờ lãi về vốn khi họ bán cổ phiếu.

Đầu tư vào cổ phiếu tăng trưởng có thể khá rủi ro. Do không có cổ tức, cơ hội duy nhất mà một nhà đầu tư kiếm được tiền là khi họ bán cổ phần của mình. Nếu công ty không hoạt động tốt, các nhà đầu tư sẽ phải chịu lỗ khi bán cổ phiếu.

Ngày nay, cổ phiếu tăng trưởng bao gồm cổ phiếu của các công ty công nghệ máy tính, công nghệ sinh học và một số công ty trong ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu.

Cách chọn cổ phiếu tăng trưởng hiệu quả nhất

Ưu, nhược điểm của cổ phiếu tăng trưởng

Cổ phiếu tăng trưởng là những doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng cao, khoảng 20%/năm trong tương lai, cho nên giá cổ phiếu cũng sẽ được bán ở mức định giá cao. Tuy nhiên, đây cũng chính là con dao 2 lưỡi. Cổ phiếu tăng trưởng cũng được đánh giá là cổ phiếu rủi ro, bởi chỉ cần sự thất vọng nhẹ nào về tăng trưởng cũng khiến giá cổ phiếu giảm mạnh.

Cách chọn cổ phiếu tăng trưởng hiệu quả

Có nhiều cách chọn cổ phiếu tăng trưởng. Một trong những phương pháp được nhiều nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sử dụng nhất đó là phương pháp lựa chọn cổ phiếu CANSLIM của nhà đầu tư huyền thoại William J. O’Neil.

CANSLIM là một bộ nguyên tắc để lựa chọn các cổ phiếu tăng trưởng theo xu hướng, trong đó 7 chữ cái viết tắt cho 7 nguyên tắc lựa chọn cổ phiếu khác nhau.

C – Current Quarterly Earnings per Share – Lợi tức trên cổ phần quý hiện tại

A – Annual earnings growth – tăng trưởng lợi nhuận hằng năm

N – New products, New Management, New Highs – sản phẩm mới, quản lí mới, mức giá mới

S – Share outstanding – số lượng cổ phiếu lưu hành 

L – Leading industry – Cổ phiếu dẫn đầu ngành

I – Institutional Sponsorship – sự ủng hộ của các định chế tài chính

M – Market direction – định hướng thị trường

Không giống như những cách tiếp cận thông thường với những tiêu chí lọc cổ phiếu khá đơn giản, CANSLIM là sự kết hợp khá hài hòa của cả hai yếu tố phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật. Sự thành công của phương pháp dựa trên sự kiểm định khách quan 7 yếu tố thường xuất hiện ở những cổ phiếu có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm và lịch sử giao dịch của chúng.

C – Lợi tức trên cổ phần quý hiện tại

Một trong những phát hiện quan trọng nhất của O’Neil là sức mạnh tăng trưởng lợi nhuận. Tỉ suất lợi nhuận trên cổ phần quý gần nhất hoặc liền kề phải tăng ít nhất 18-20, doanh số quý gần nhất cũng phải tăng tối thiểu 25%, càng cao càng tốt. Tuy nhiên, thu nhập phải đến từ hoạt động kinh doanh chính thì chỉ tiêu này mới có ý nghĩa.

Thực tế thì trên thị trường tài chính có rất nhiều thủ thuật để làm đẹp báo cáo tài chính nhằm qua mắt các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm. Do đó, nhà đầu tư cần phải quan sát cẩn thận số liệu từ doanh thu tài chính, các mục chi phí và thu nhập khác. Đặc biệt để hiểu được rõ hơn các số liệu này thì cần đọc thêm cả báo cáo luân chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính.

Cần lưu ý là chỉ tiêu này cần có sự tương quan giữa mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Nếu doanh thu từ hoạt động tăng mạnh nhưng lợi nhuận không tăng là bao thì cho thấy doanh nghiệp hoạt động chưa được hiệu quả.

A – Tăng trưởng lợi nhuận hằng năm

Một cổ phiếu tốt thường là cổ phiếu có mức tăng trưởng lợi nhuận hàng năm đều đặn từ năm này qua năm khác. Và một doanh nghiệp mạnh cần phải có lãi và tăng trưởng liên tục trong 3 năm.

Do đó, hãy chọn những doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận ít nhất 25% trong ba năm qua và ưu tiên doanh nghiệp có doanh số tăng mạnh trong thời gian gần nhất, tính từ thời điểm hiện tại. Mức gia tăng lợi nhuận trên vốn cổ phần ROE phải từ 17% trở lên. Lợi nhuận sau thuế trong quý gần nhất liên tục tăng cao và đạt các mức đỉnh mới. 

N – Sản phẩm mới, cách quản lý mới, giá mới

Đây là một trong những yếu tố góp phần tạo ra sự chuyển biến và đột phá của doanh nghiệp. Và không phải ngẫu nhiên mà những cổ phiếu thành công trong lịch sử lại có những sản phẩm hoặc dịch vụ đột phá hay trở thành làn sóng mới.

Những doanh nghiệp sáng tạo có sản phẩm mới hoàn thiện hơn sẽ tiếp cận được nguồn khách hàng mới và góp phần gia tăng doanh thu. Vai trò quan trọng của bộ máy quản lý doanh nghiệp cũng góp phần không nhỏ vào sự phát triển đó.

Do đó, thay vì theo quan điểm lâu đời trên thị trường “mua thấp bán cao”, O’neil thì lại cho rằng “Mua cao bán cao hơn”.

S – Lượng cổ phiếu lưu hành

Bất kỳ một cổ phiếu nào cũng chịu tác động của quan hệ cung cầu trên thị trường. Số lượng cổ phiếu giao dịch cũng là một trong những tín hiệu của xu hướng giá.

Cung và cầu có tác động rất lớn đến cổ phiếu trên thị trường. Đồng thời, nó cũng ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Cầu mạnh đối với một lượng cung cổ phiếu sẵn có sẽ đẩy giá cổ phiếu lên cao. Và lượng cung cổ phiếu lớn khi nhu cầu yếu sẽ khiến giá giảm.

Nếu giá cổ phiếu tăng mạnh và khối lượng giao dịch tăng mạnh trên mức trung bình, điều đó cho thấy cầu đang lớn hơn cung. Các nhà quản lý quỹ tương hỗ và các nhà đầu tư tổ chức khác cũng tích cực mua cổ phần thì đây có thể là dấu hiệu tốt. Doanh nghiệp và các nhà đầu tư đang mong chờ sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong tương lai.

L – Cổ phiếu dẫn đầu ngành

Trong một xu hướng luôn tồn tại cổ phiếu “dẫn đầu” và cổ phiếu “đội sổ”. Bạn nên mua những doanh nghiệp thật sự tốt với cổ phiếu dẫn đầu trong ngành và là số 1 trong lĩnh vực chuyên môn.

William O’Neil sử dụng Chỉ số sức mạnh giá tương đối (RS – Relative Strength) chỉ số tính toán về giá của một cổ phiếu so với giá của cổ phiếu khác trong  52 tuần gần nhất để phân biệt cổ phiếu đầu ngành và cổ phiếu đội sổ. Chỉ số này được tính điểm từ 1-99, cổ phiếu có RS càng cao thì càng ưu việt hơn các cổ phiếu còn lại về thành tích giá.

Lưu ý: Các nhà đầu tư cần phân biệt chỉ số RS của William với chỉ báo RSI trong phân tích kỹ thuật.

I – Sự ủng hộ của các định chế tài chính

Cổ phiếu sẽ tăng giá trị khi các nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu. Vì vậy, hãy tìm kiếm những cổ phiếu có số lượng lớn những tổ chức ủng hộ, đặc biệt là những tổ chức có uy tín.

Ví dụ, nếu các quỹ ETFS, các quỹ đầu tư lớn quan tâm đến một hoặc một số cổ phiếu trên thị trường thì cổ phiếu đó đã được đội ngũ research rất kỹ, các nhà đầu tư có thể hoàn toàn yên tâm đầu tư vào cổ phiếu này. Ngoài ra các nhà đầu tư cũng cần theo dõi hoạt động của các quỹ này cũng như thành tích trên thị trường.

Lưu ý: Việc nội bộ công ty hay các tổ chức tài chính bán ra một lượng lớn cổ phiếu sẽ là một tín hiệu không tốt.

M – Xu hướng thị trường

Một cổ phiếu có thể sở hữu tất cả các đặc điểm trên, nhưng nếu không phù hợp với xu hướng thị trường, cổ phiếu dù tốt thế nào cũng sẽ không thể tăng giá thậm chí còn sụt giá. Hầu hết các cổ phiếu, dù tốt hay xấu, đều sẽ theo hướng của thị trường. Do đó, bạn nên mua cổ phiếu chuyển động theo xu hướng thị trường chung.

Đây có lẽ là yếu tố quan trọng nhất. Bạn không thể thành công nếu không chọn đúng thời điểm để mua cổ phiếu. Nhà đầu tư cần xác định xu hướng của thị trường và sự di chuyển của dòng tiền để có kế hoạch giao dịch hiệu quả.

Có thể thấy, phương pháp CANSLIM là một cách chọn cổ phiếu tăng trưởng khá toàn diện với sự kết hợp của phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật, dòng tiền, thực tế cũng như triển vọng phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, phương pháp này được áp dụng cho một thị trường tăng trưởng và để tìm được 1 cổ phiếu hội tụ toàn bộ 7 yếu tố trên là rất khó nên những yếu tố trên chỉ mang tính lý thuyết để lựa chọn cổ phiếu. Việc tìm ra những cổ phiếu gần đủ các yếu tố trên cũng đã đảm bảo rằng nhà đầu tư đã lựa chọn chọn được danh mục đầu tư ít rủi ro trong hàng trăm mã cổ phiếu trên thị trường.

Investing.vn

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận