skip to Main Content

Các thuật ngữ chứng khoán cần nhớ khi thị trường đi xuống

Khi tham gia vào thị trường tài chính, điều quan trọng đó là bạn cần phải nắm được các thuật ngữ tài chính dành riêng cho thị trường này để việc giao dịch được diễn ra chính xác và dễ dàng hơn. Bên cạnh những thuật ngữ phổ biến, khi thị trường tài chính biến động mạnh và tụt dốc như hiện nay, Wall Street sử dụng những thuật ngữ riêng để mô tả các yếu tố quan trọng tại thời điểm khó khăn và không chắc chắn này. Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi tìm hiểu một số thuật ngữ được sử dụng phổ biến nhất trong giai đoạn khủng hoảng và ý nghĩa của chúng.

Bear Market

Bear Market (còn được gọi là thị trường giá xuống hay thị trường con gấu), trái ngược với Bull Market (thị trường giá lên hay thị trường con bò tót). Khi chỉ số chứng khoán, trái phiếu hoặc giá hàng hóa giảm và liên tục lao dốc, nó được xem là đang ở trong thị trường giá xuống. Một ví dụ điển hình của thị trường giá xuống là cuộc Đại suy thoái của thập kỉ 1930.

Giá cổ phiếu biến động từng phút trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên, không phải sự giảm giá nào cũng làm cho thị trường trở thành bear market. Thông thường, mức giảm từ 20% trở lên của chỉ số chứng khoán so với mức giá cao nhất trước đó được dùng làm tiêu chuẩn để xác định thị trường giá xuống. Một khi giá xuống chạm mốc 20% so với trước đó, nó sẽ có xu hướng giảm tiếp, giảm sâu.

Các thuật ngữ chứng khoán cần nhớ khi thị trường đi xuống

Quá mua/Quá bán (Overbought/oversold)

Quá mua và quá bán là 2 thuật ngữ chỉ điều kiện hay trạng thái của thị trường thông qua diễn biến giá cả. Trong đó, qúa mua (overbought) được hiểu là mua vượt mức, và quá bán ( oversold) chỉ sự bán quá mức.

Nhà giao dịch thường sử dụng chỉ số RSI (Relative Strength Index) để đo sức mạnh tương quan giữa hai thế lực mua và bán. Thang đo chỉ số RSI biểu diễn từ số 0 đến 100, trong đó mức 50 được xem là mức cân bằng, từ 70 trở lên thể hiện thị trường đang trong tình trạng mua vượt mức và từ dưới 30 thể hiện tình trạng bán vượt mức.

Bong bóng (Bubble)

Khi giá cả cổ phiếu, nhà ở hay các tài sản khác tăng lên đột ngột không thể giải thích được, đó được gọi là bong bóng. Chắc chắn, sau đó bong bóng sẽ nổ và giá sẽ lao dốc không phanh.

Công cụ ngắt mạch thị trường (circuit breaker)

Khi thị trường chứng khoán lao dốc đột ngột, công cụ ngắt mạch sẽ được kích hoạt. Bộ ngắt mạch lấy các mốc giảm lần lượt là mức 7%, 13% và 20% so giá đóng cửa của chỉ số S&P 500 của ngày giao dịch trước đó và được tính lại hằng ngày. Nếu giá giảm 7% trong một phiên duy nhất, các hoạt động giao dịch bị tạm dừng trong 15 phút và tùy thuộc vào những gì xảy ra tiếp theo, việc tạm dừng có thể xảy ra trong 15 phút tiếp hoặc trong toàn bộ thời gian giao dịch hôm đó.

Bán tháo (Sell-off)

Một đợt bán tháo xảy ra khi giá cổ phiếu, trái phiếu hoặc chứng khoán khác giảm mạnh; những người tham gia thị trường cùng nhau bán số lượng lớn những chứng khoán với giá thấp để ngăn chặn tổn thất từ ​​việc giảm giá trong tương lai.

Cú nảy mèo chết (Dead cat bounce)

Cú nảy mèo chết (Dead cat bounce) là sự hồi phục tạm thời sau một đợt sụt giảm kéo dài hay thị trường gấu lại tiếp tục tiếp diễn trong xu hướng giảm. Cái tên “Dead cat bounce” (Cú nảy mèo chết) ra đời dựa trên khái niệm rằng thậm chí một con mèo chết vẫn có thể nảy lên lại nếu nó rơi đủ xa và đủ nhanh.

Các thuật ngữ chứng khoán cần nhớ khi thị trường đi xuống

Thanh khoản

Thanh khoản là một khái niệm trong tài chính, chỉ mức độ mà một tài sản bất kì có thể được mua hoặc bán trên thị trường mà không làm ảnh hưởng đến giá thị trường của tài sản đó. Một tài sản có tính thanh khoản cao nếu nó có thể được bán nhanh chóng mà giá bán không giảm đáng kể, thường được đặc trưng bởi số lượng giao dịch lớn.

Khi lựa chọn chứng khoán để đầu tư, ngân hàng hay các nhà đầu tư nên xem xét đến tính thanh khoản của chứng khoán. Nếu tính thanh khoản kém, nghĩa là khó tìm được người mua hoặc phải bán mất giá, nhà đầu tư sẽ gánh chịu những tổn thất tài chính lớn.

Trên đây là một số thuật ngữ phổ biến mà bạn thường thấy khi thị trường đi xuống. Hãy tìm hiểu về những khái niệm dành riêng cho lĩnh vực tài chính, chứng khoán này khi bắt đầu tham gia vào thị trường bởi nó sẽ giúp cho giao dịch của bạn được diễn ra chính xác và hiệu quả hơn. Chúc bạn thành công!

Investing.vn

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận