skip to Main Content

Các nhóm ngành của chứng khoán Mỹ và Cách lựa chọn ngành hiệu quả

Thị trường chứng khoán có nhiều nhóm ngành nghề khác nhau. Mỗi ngành lại có đặc điểm riêng, và thường tăng trưởng trong một bối cảnh nhất định.

Ví dụ, công nghệ thông tin là ngành luôn có nhiều đổi mới và dẫn đầu các xu thế. Khi thị trường bình ổn, đây là một ngành đầu tư rất hiệu quả. Tuy nhiên, trong dịch Covid, ngành y tế mới là lĩnh vực tăng trưởng vượt bậc. Trong khi khủng hoảng kéo theo biến động của ngành năng lượng, và thúc đẩy các loại hình năng lượng mới…

Các công ty trong cùng ngành cũng có xu hướng vận động cùng nhau. Do đó, việc hiểu và phân tích ngành rất cần thiết với nhà đầu tư. Nếu hiểu biết về xu thế ngành, bạn dễ dàng chọn lựa các cổ phiếu tốt và mang lại lợi nhuận hơn.

Nhóm ngành là gì?

Nhóm ngành chứng khoán (tiếng Anh: Stock Market Sectors) là một nhóm cổ phiếu thuộc cùng một khu vực kinh tế hay ngành nghề kinh doanh. Thị trường Mỹ có 11 nhóm ngành. Chúng được phân loại theo hệ thống GICS (Global Industry Classification Standard).

Các nhóm ngành chứng khoán Mỹ

11 nhóm ngành của chứng khoán quốc tế là:

  • Ngành Năng lượng
  • Ngành Vật liệu
  • Ngành Công nghiệp
  • Ngành Tiện ích
  • Ngành Y tế & Chăm sóc sức khỏe
  • Ngành Tài chính
  • Ngành Tiêu dùng không thiết yếu
  • Ngành Tiêu dùng thiết yếu
  • Ngành Công nghệ & Thông tin
  • Ngành Truyền thông
  • Ngành Bất động sản

Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sơ lược về các nhóm ngành nói trên trong bài viết này.

11 Nhóm ngành tiêu chuẩn của chứng khoán Mỹ

1. Nhóm ngành Năng lượng (Energy)

Nhóm ngành này gồm các công ty kinh doanh trong ngành dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Nó bao gồm việc khai thác và sản xuất dầu khí. Bên cạnh đó là các loại nhiên liệu khác như than đá hay ethanol. Tất nhiên, lĩnh vực này có cả những công ty phụ trợ. Họ có thể cung cấp trang thiết bị, vật liệu và dịch vụ cho nhà sản xuất dầu khí.

Các nhà sản xuất điện hay năng lượng tái tạo thường không được xếp vào nhóm này.

Một số cổ phiếu Năng lượng nổi tiếng: ExxonMobil (XOM), Chevron (CXV), Shell PLC (SHEL)…

2. Nhóm ngành Vật liệu (Materials)

Nhóm ngành Vật liệu là các doanh nghiệp cung cấp các hóa chất, vật liệu dùng trong sản xuất hàng hóa hoặc các ứng dụng khác. Chúng bao gồm các nhà sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất, thùng chứa & bao bì của vật liệu. Các nhà khai thác mỏ, khai thác lâm sản và sản xuất giấy cũng nằm trong nhóm này.

Một số cổ phiếu Vật liệu nổi tiếng: Sherwin-Williams (SHW), DuPont (DD), CHR PLC (CHR)…

3. Nhóm ngành Công nghiệp (Industrials)

Nhóm ngành Công nghiệp thường là các doanh nghiệp liên quan đến sử dụng thiết bị nặng. Chẳng hạn như ngành Vận tải (hàng không, đường sắt, hậu cần logistics…), ngành quốc phòng, hàng không vũ trụ, xây dựng và kỹ thuật. Nhóm này cũng bao gồm các công ty xây dựng, sản xuất thiết bị điện và máy móc.

Một số cổ phiếu Công nghiệp nổi tiếng: Boeing (BA), Union Pacific (UNP), General Electric (GE)…

4. Nhóm ngành Tiện ích (Utilities)

Nhóm ngành Tiện ích là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cơ bản cho cuộc sống như điện, nước, khí đốt hoặc một số nhu cầu khác… Các công ty này có thể phục vụ khách hàng cá nhân, gia đình hoặc ở quy mô thương mại.

Ngành tiện ích hướng đến các nhu cầu cơ bản của con người. Vì vậy, chúng thường có sự ổn định và được đánh giá cao ngay cả khi kinh tế biến động.

Một số cổ phiếu Tiện ích nổi tiếng: American Electric Power (AEP), Ameren Corp (AEE), NextEra Energy (NEE)…

5. Nhóm ngành Y tế và Chăm sóc sức khỏe (Healthcare)

Nhóm ngành Y tế có hai thành phần chính. Một là các công ty phát triển dược phẩm và phương pháp điều trị dựa trên công nghệ sinh học. Bên cạnh đó là cung cấp phương tiện cho các nghiên cứu và thử nghiệm y học. Hai là công ty thiết bị và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bao gồm vật tư phẫu thuật, công cụ chẩn đoán y tế và bảo hiểm y tế…

Một số cổ phiếu Y tế và Chăm sóc sức khỏe: Johnson & Johnson (JNJ), UnitedHealth Group (UNH), Eli Lilly (LLY)…

6. Nhóm ngành Tài chính (Financials)

Nhóm ngành Tài chính bao gồm các doanh nghiệp liên quan đến tiền tệ và đầu tư. Các ngân hàng là một nhóm quan trọng trong lĩnh vực này. Bạn cũng sẽ tìm thấy các công ty bảo hiểm, công ty môi giới, nhà cung cấp tài chính tiêu dùng và ủy thác đầu tư…

Một số cổ phiếu Tài chính nổi tiếng: Berkshire Hathaway (BRK-A và BRK-B), JPMorgan Chase (JPM), Bank of America Corporation (BAC), HSBC Holdings (HSBC)…

7. Nhóm ngành Tiêu dùng không thiết yếu (Consumer Discretionary)

Lĩnh vực Tiêu dùng không thiết yếu bao gồm hàng hóa và dịch vụ mà nhu cầu của chúng phụ thuộc vào tình trạng tài chính của người tiêu dùng. Con người sẽ chi tiêu cho lĩnh vực này khi họ dư dả. Nhưng cũng có thể cắt bớt khi cần vì nó không bắt buộc.

Nhóm ngành này gồm các công ty bán các mặt hàng có giá trị cao như ô tô và hàng xa xỉ, cũng như các sản phẩm giải trí. Bạn sẽ tìm thấy các công ty bán lẻ và thương mại điện tử trong nhóm này. Bên cạnh đó là cổ phiếu của các khách sạn và nhà hàng.

Một số cổ phiếu Tiêu dùng không thiết yếu nổi tiếng: Amazon.com (AMZN), McDonald’s (MCD), Tesla (TSLA)…

8. Nhóm ngành Tiêu dùng thiết yếu (Consumer Staples)

Lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu bao gồm hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng cần đến bất kể điều kiện tài chính. Nhóm này bao gồm các công ty trong ngành thực phẩm, đồ uống và thuốc lá.

Cùng với đó là các sản phẩm chăm sóc gia đình và cá nhân. Bạn cũng sẽ thấy các công ty bán lẻ chuyên bán mặt hàng cơ bản như hệ thống siêu thị trong nhóm này.

Một số cổ phiếu Tiêu dùng thiết yếu nổi tiếng: Coca-Cola (KO), P&G (PG), Pepsico (PEP), Nike (NKE)…

9. Nhóm ngành Công nghệ & thông tin (Technology)

Lĩnh vực công nghệ bao gồm các công ty nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới. Đặc biệt là công nghệ thông tin, điện tử.

Một số công ty trong nhóm này tập trung vào lĩnh vực phần mềm. Mốt số khác tập trung vào phần cứng và hạ tầng công nghệ. Nhóm này cũng bao gồm các nhà sản xuất chất bán dẫn và các thiết bị dùng để sản xuất chíp bán dẫn.

Một số cổ phiếu Công nghệ nổi tiếng: Apple (AAPL), Microsoft (MSFT), Adobe (ADBE), Netflix (NFLX)…

10. Nhóm ngành Truyền thông (Communication Services)

Đây là nhóm ngành mới nhất trong hệ thống phân loại của GICS. Do vậy, các doanh nghiệp trong nhóm này trước kia có thể từng thuộc một nhóm khác.

Nó bao gồm các doanh nghiệp làm về dịch vụ viễn thông (như các nhà mạng điện thoại, mạng internet). Bên cạnh đó là các công ty truyền thông và giải trí. Chẳng hạn như truyền hình, phát thanh, báo chí, và các hình thức truyền thông qua internet.

Một số cổ phiếu Truyền thông nổi tiếng: Meta – trước kia là Facebook (FB), Alphabet – công ty mẹ của Google (GOOG), AT&T (T), Vodafone (VOD)…

11. Nhóm ngành Bất động sản (Real Estate)

Nhóm ngành bất động sản bao gồm hai loại hình chính. Một là các công ty phát triển các dự án bất động sản, nhằm bán hoặc cho thuê các bất động sản này. Hai là các quỹ đầu tư bất động sản. Tiếng Anh gọi là Real Estate Investment Trusts (REITS). Quỹ đầu tư bất động sản là loại hình phổ biến ở thị trường Mỹ. Nhưng tại Việt Nam thì chúng mới hình thành và chưa để lại nhiều dấu ấn.

Một số cổ phiếu Bất động sản nổi tiếng: American Tower (AMT), Simon Property Group (SPG), Equinix (EQIX), Prologis (PLD)…

Bên cạnh tiêu chí phân loại của GICS, bạn có thể bắt gặp nhiều cách phân loại khác. Nhiều website phân loại cổ phiếu theo những lĩnh vực cụ thể cho nhà đầu tư dễ tìm kiếm. Chẳng hạn: Lĩnh vực bán lẻ, lĩnh vực game, lĩnh vực sản xuất chip, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo… Tuy vậy, 11 nhóm ngành trên vẫn là cách phân loại phổ biến nhất.

Kinh nghiệm lựa chọn nhóm ngành

Nếu bạn hình dung mỗi cổ phiếu là một con tàu, nhóm ngành giống như một dòng nước. Dòng nước thuận chiều giúp con tàu đi nhanh hơn. Ngược lại, dòng nước ngược chiều làm tàu bị chậm lại.

Với việc có một nhóm ngành tốt, bạn sẽ dễ thành công hơn khi lựa chọn cổ phiếu trong nhóm ngành đó. Đây là một cách làm thường gặp trong phương pháp phân tích top down. Nghĩa là xem xét yếu tố từ cao đến thấp.

Đầu tiên, bạn xem xét yếu tố kinh tế vĩ mô, chọn một điều kiện thị trường chung tốt. Sau đó, chọn những nhóm ngành tiềm năng. Rồi cuối cùng mới chọn những công ty xuất sắc nhất trong nhóm ngành đó.

Dưới đây sẽ là một số kinh nghiệm giúp bạn lựa chọn nhóm ngành phù hợp.

1. Lựa chọn cái bạn am hiểu

Sẽ không gì tốt hơn khi đầu tư vào lĩnh vực chúng ta hiểu rõ. Bạn là một môi giới bất động sản? Hãy tìm hiểu ngành bất động sản. Bạn là lập trình viên? Hãy đi vào các công ty phần mềm.

Hiểu biết về ngành nghề là một vũ khí lợi hại trong đầu tư. Sẽ không ai biết rõ hơn bạn về công ty nào đang làm tốt, hay người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm của thương hiệu nào.

Sau cùng, những doanh nghiệp làm ăn tốt thì việc đầu tư vào chúng luôn đem lại hiệu quả. Vì thế, đừng bỏ lỡ lợi thế về tri thức của chính mình.

2. Nhóm ngành nào biểu hiện tốt

Dữ liệu không biết nói dối. Vì thế một cách nữa để chọn ngành đó là dựa trên sự tăng trưởng của ngành đó. Hãy nhìn lại dữ liệu tăng trưởng của các nhóm ngành ở Mỹ trong khoảng 12 tháng năm 2022 và đầu 2023 ở cột thứ ba (1 Year change).

Rõ ràng ở thời kỳ này, dù nhiều ngành nghề gặp khó khăn. Nhóm ngành Năng lượng lại bứt phá mạnh mẽ với mức tăng hơn 40%. Bên cạnh đó có 2 ngành cũng có kết quả dương là Y tế và Tiện ích. Vậy thì bạn có thể tự trả lời là mình nên ưu tiên cho nhóm ngành nào rồi đấy!

Tăng trưởng theo nhóm ngành
Tăng trưởng của các nhóm ngành chứng khoán Mỹ năm 2022

3. Đầu tư vào một ngành thông qua ETF

Nhiều nhà đầu tư không thích lựa chọn những cổ phiếu riêng lẻ. Thay vào đó, họ muốn đầu tư thẳng vào một ngành nghề nào đó. Lúc này, các quỹ ETF sẽ là một lựa chọn tuyệt vời.

Ở thị trường Mỹ, có rất nhiều ETF dành cho ngành nghề. Chúng được giao dịch trên sàn giống như một cổ phiếu. Bạn có thể mua, nắm giữ, thậm chí hưởng cổ tức từ chúng. Việc này thuận tiện hơn rất nhiều so với phân bổ cho từng cổ phiếu. Ngoài ra, quỹ ETF cũng được sàng lọc định kỳ để đảm bảo nó chỉ bao gồm các cổ phiếu đang hoạt động tốt, có tính đại diện cho ngành nghề.

Một số mã ETF mà bạn có thể tham khảo: XLE (ngành năng lượng), XLV (ngành y tế và chăm sóc sức khỏe), XLU (ngành tiện tích), XLP (ngành tiêu dùng thiết yếu), XLF (ngành tài chính)….

Tổng kết

Phân tích và lựa chọn nhóm ngành là một kỹ năng cần thiết trong đầu tư chứng khoán. Với 11 nhóm ngành kể trên, bạn nên tìm cho mình những ngành nghề phù hợp và đang trong thời kỳ thuận lợi. Nhóm ngành tốt sẽ là nền móng vững chắc cho những giao dịch tốt.

Chúc bạn thành công!

Investing.vn

Xem thêm: chứng khoán mỹ

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận