skip to Main Content

Bức tranh tổng thể thị trường chứng khoán Mỹ qua các đời tổng thống

Mọi người thường có quan niệm rằng những chính trị gia của Đảng Dân chủ thường không đem lại kết quả tốt cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán; còn những người thuộc Đảng Cộng Hòa sẽ thúc đẩy nền kinh tế đi lên. Nguyên nhân được cho là do Đảng Dân chủ thường có xu hướng thắt chặt kiểm soát. Thế nhưng, niềm tin rộng rãi này lại là sai lầm nếu như nhà đầu tư nhìn vào dữ liệu từ thời điểm kết thúc Thế chiến thứ hai.

Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng Hòa mang lại lợi ích nhiều hơn cho nền kinh tế Mỹ?

Nhận định về quan niệm này, Jeremy Siegel – Giáo sư tài chính tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania cho rằng “Thị trường giá lên và giá xuống cứ đến rồi lại đi và chúng phụ thuộc vào chu kì kinh doanh nhiều hơn là các tổng thống”.

Ông nói thêm “Thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt hơn dưới thời của Đảng Dân chủ so với Đảng Cộng hòa. Đây là sự thật ai cũng biết, nhưng nó không có ý nghĩa về nguyên nhân và kết quả”. Theo báo cáo, kể từ năm 1952 đến tháng 6 năm 2020, lợi nhuận thị trường chứng khoán hàng năm dưới thời Đảng Dân chủ là 10,6%, gấp 2 lần so với 4,8% dưới thời cai trị của Đảng Cộng hòa.

Để xem xét kĩ hơn mối quan hệ giữa tổng thống và mức tăng trưởng của thị trường chứng khoán Mỹ, các chuyên gia đã phân tích hiệu suất thị trường, bao gồm cả cổ tức, từ nhiệm kì Tổng thống Herbert Hoover trở đi và liệt kê các cuộc suy thoái và giai đoạn nền kinh tế đi lên.

Bức tranh tổng thể của thị trường chứng khoán Mỹ qua các đời tổng thống
Chỉ số Dow Jones và S&p 500 qua các đời tổng thống (Nguồn: eToro)

Trong đó, giai đoạn kinh tế thịnh vượng và thị trường giá lên ấn tượng nhất trong lịch sử là dưới thời Tổng thống Bill Clinton với mức tăng ấn tượng của Dow Jones là 225%, S&P là 209%. Tuy nhiên, giai đoạn này không liệt kê vào danh sách các giai đoạn thị trường mở rộng vì nó đã được nhen nhóm từ trước, tức từ thời Tổng thống George H.W. Bush.

Có thể nói, các sự kiện liên quan đến Tổng thống có tác động đến thị trường chứng khoán Mỹ, nhưng không nhiều và ngắn hạn. Chẳng hạn như vào tháng 9/1955, chứng khoán Mỹ sụt 6,5% trong một ngày khi Tổng thống Eisenhower lên cơn đau tim khi chơi golf; hay khi Tổng thống Kennedy bị ám sát vào tháng 11/1963, thị trường ngay lập tức giảm 3%. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp chứng khoán đều phục hồi nhanh chóng.

Do đó, các nhà đầu tư có thể yên tâm bỏ qua các biến động ngắn hạn, thay vào đó tập trung lựa chọn, mua và nắm giữ dài hạn để đạt được hiệu suất lớn nhất. Theo ước tính, khoản đầu tư 1.000 đô la vào một chỉ số chứng khoán lớn của Hoa Kỳ vào tháng 1 năm 1945 sẽ đem lại tổng lợi nhuận hàng năm là 11% và đến năm 2019, số tiền đó sẽ lớn hơn gấp bội, trị giá khoảng 2,3 triệu đô la.

Chi tiết nền kinh tế Mỹ qua các đời Tổng thống Mỹ

Dưới đây là bức tranh tổng thể của nền kinh tế Mỹ qua một số đời Tổng thống Mỹ dưới góc nhìn đánh giá của Forbes:

1. Tổng thống Harry S. Truman (Đảng Dân chủ – Nhiệm kỳ: 1945-1953)

  • Giai đoạn tăng trưởng: 2
  • Giai đoạn suy thoái: 1
  • Mức tăng trưởng S&P 500: 85%

Sau Thế chiến II, hoạt động sản xuất trong thời chiến chững lại, tỷ lệ thất nghiệp cao. Kết quả, Tổng thống Truman phải đối mặt với suy thoái và thị trường gấu ngay khi nhận nhiệm kỳ.

Theo James Stack – chủ tịch InvesTech Research và Stack Financial Management nhận xét “Tỷ lệ thất nghiệp cao do số lượng người trở về từ cuộc chiến rất nhiều, dẫn đến việc Mỹ rơi vào tình trạng suy thoái. Và đây là điều không thể tránh khỏi”.

Một thời gian sau, nền kinh tế phục hồi nhanh chóng khi niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp quay trở lại. Nhưng sau đó ông Truman lại đối mặt với một cuộc suy thoái ngắn khác vào năm 1949 sau khi thực hiện chính sách Fair Deal (Thỏa thuận công bằng). Ông Truman đã nâng mức lương tối thiểu và cố gắng bảo đảm quyền việc làm bình đẳng.

2. Tổng thống Richard Nixon (Đảng Cộng hòa – Nhiệm kỳ: 1969-1974)

  • Giai đoạn tăng trưởng: 1
  • Giai đoạn suy thoái: 2
  • Mức tăng trưởng S&P 500: -21%

Việc thắt chặt chính sách tiền tệ vào cuối nhiệm kì Tổng thống Johnson đã dẫn đến một cuộc suy thoái nhẹ kéo dài trong 2 năm, từ 1969 đến 1970, ngay sau khi Tổng thống Nixon nhậm chức. Kinh tế Mỹ lao dốc vì lạm phát cao, tốc độ tăng trưởng thấp và tỉ lệ thất nghiệp lớn.

Để chống lại lạm phát, năm 1970, Tổng thống Nixon kí lệnh hành pháp đóng băng tiền lương và giá cả. Tuy nhiên, biện pháp này lại phản tác dụng và ông Nixon phải nhanh chóng thu hồi quyết định. Năm tiếp theo, ông chấm dứt hoàn toàn chế độ bản vị vàng tại Mỹ.

Năm 1973, lệnh cấm vận dầu mỏ của Arab khiến giá dầu leo thang khủng khiếp. Và vụ bê bối Watergate gây tổn hại nghiêm trọng đến sự nghiệp chính trị của ông Nixon.

Cú sụp đổ của thị trường chứng khoán xóa sổ gần một nửa giá trị của S&P 500 từ tháng 1/1973 đến tháng 10/1974. Kèm theo đó là lạm phát hai chữ số và cuộc suy thoái dài 16 tháng bắt đầu từ mùa thu năm 1973.

3. Tổng thống Barack Obama (Đảng Dân chủ – Nhiệm kỳ: 2009-2016)

  • Giai đoạn tăng trưởng: 1
  • Giai đoạn suy thoái: 0
  • Mức tăng trưởng S&P 500: 166%

Khi Obama nhậm chức, nền kinh tế Mỹ đã sẵn sàng phục hồi từ cuộc Đại suy thoái. Cuối nhiệm kì Tổng thống Bush, lãi suất đã được giảm, Fed bơm hàng núi tiền vào nền kinh tế và Quốc hội thông qua gói cứu trợ lớn.

Vào giữa năm 2009, Mỹ đã phục hồi từ khủng hoảng tài chính, mở đường cho thị trường giá lên dài nhất lịch sử trong 8 năm sau đó. Nhiệm kì của ông Obama được đánh dấu bằng sự gia tăng đột biến trong đổi mới công nghệ, thu nhập và việc giảm lãi suất giảm giúp thị trường chứng khoán tăng vọt lên đỉnh cao mới.

4. Tổng thống Donald Trump (Đảng Cộng Hòa – Nhiệm kỳ: 2017 – ?)

  • Giai đoạn tăng trưởng: 0
  • Giai đoạn suy thoái: 1
  • Mức tăng trưởng S&P 500: 47,54%
Bức tranh tổng thể của thị trường chứng khoán Mỹ qua các đời tổng thống
Nền kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump (Nguồn: vietnambiz)

Khi ông Trump đắc cử, Hoa Kỳ đang ở năm thứ 8 của cuộc phục hồi kinh tế dài nhất lịch sử. Thị trường chứng khoán tăng mạnh ngay sau khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Nhà đầu tư kì vọng vị tổng thống Đảng Cộng hòa sẽ hạ mức thuế và nới lỏng quy định doanh nghiệp. Và thực tế, Tổng thống Trump đã sớm đáp ứng được nguyện vọng đó.

Chương trình nghị sự ủng hộ kinh doanh của ngài tỷ phú về cắt giảm thuế, bãi bỏ quy định và chi tiêu cơ sở hạ tầng đã đẩy chỉ số Dow Jones vọt từ mức 18,332 điểm tại ngày bầu cử lên trên mốc 21,000 vào tháng 3/2017.

Thành tựu lập pháp đặc trưng của ông Trump – đại tu thuế – đã khiến thị trường ngày càng bùng nổ. Chỉ số Dow Jones cuối cùng đã vượt ngưỡng 26,000. Tăng trưởng kinh tế tăng tốc trên 4% vào giữa năm 2018. Lợi nhuận doanh nghiệp tăng đột biến. Và tỷ lệ thất nghiệp sụt mạnh xuống 3.7%.

Tổng thống Trump tuyên bố thị trường chứng khoán Mỹ hoạt động tốt nhất trong thời gian ông nắm quyền, nhưng Giám đốc Stovall của CFRA không đồng tình.

Các sự kiện như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và đại dịch COVID-19 “là những rủi ro cực kì lớn đối với thị trường”. Với phần lớn đất nước phải đối phó với lệnh phong tỏa khi số ca nhiễm COVID-19 tăng cao, Mỹ rơi thẳng xuống suy thoái trong tháng 2/2020. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng xóa sạch thành qua tích lũy trong ba năm đầu nhiệm kì của ông Trump.

Tổng kết số giai đoạn tăng trưởng và suy thoái theo đánh giá của Forbes:

Bức tranh tổng thể của thị trường chứng khoán Mỹ qua các đời tổng thống

Trên đây là bức tranh nền kinh tế Mỹ qua các đời Tổng thống Mỹ.

Chỉ còn vài ngày nữa là diễn ra ngày bỏ phiếu, các bạn nghĩ ai sẽ là người đắc cử? Liệu Donald Trump hay Joe Biden sẽ giành chiếc ghế đương nhiệm và đem lại hiệu quả tốt cho nền kinh tế Mỹ?

Investing.vn

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận