skip to Main Content

Bảng cân đối tài chính cá nhân là gì ? Xây dựng bảng cân đối tài chính cá nhân

  1. Quản lý vốn trong đầu tư chứng khoán (Level 4)
  2. Tầm quan trọng của quản lý vốn trong đầu tư chứng khoán
  3. Bảng cân đối tài chính cá nhân là gì ? Xây dựng bảng cân đối tài chính cá nhân
  4. Phân bổ nguồn vốn cá nhân vào đầu tư chứng khoán
  5. Xác định mục tiêu tài chính khi đầu tư chứng khoán
  6. Xác định khả năng chấp nhận rủi ro (Risk Tolerance) trong đầu tư chứng khoán
  7. Quy tắc 2% trong đầu tư chứng khoán
  8. Xác định điểm đặt chặn lỗ trong đầu tư chứng khoán
  9. Quản lý danh mục đầu tư để đầu tư hiệu quả

Bảng cân đối tài chính cá nhân là điều được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Bên cạnh việc nghiên cứu thị trường và tích lũy kinh nghiệm giao dịch, một trong những việc quan trọng nhất mà bạn cần làm trước khi tham gia vào thị trường chứng khoán đó là xây dựng bảng cân đối tài chính cá nhân. Nói cách khác, bạn cần xác định xem bạn đang có bao nhiêu tiền, bạn đang nợ bao nhiêu tiền và bạn có thể chi bao nhiêu tiền vào đầu tư chứng khoán. Trong bài học này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu sự cần thiết của việc xây dựng bảng cân đối tài chính cá nhân trước khi bắt đầu đầu tư chứng khoán cũng như các bước để xây dựng một bảng cân đối tài chính hoàn thiện.

Bảng cân đối tài chính cá nhân là gì?

Bảng cân đối tài chính cá nhân đơn giản là danh sách các tài sản bạn hiện có, các khoản nợ bạn phải trả từ đó bạn có thể xác định được giá trị ròng của bạn. Giá trị ròng là tổng tài sản trừ đi tổng nợ phải trả. Nghe thì có vẻ giống như những công việc của một kế toán, tuy nhiên, việc xác định chính xác giá trị ròng là vô cùng quan trọng đối với sự thành công về tài chính của bạn trong tương lai. Bạn nên theo dõi và cập nhật bảng cân đối tài chính của bạn ít nhất một lần một năm để theo dõi tiến trình tài chính của bạn, giá trị ròng của bạn có tăng lên hay không.

Lập bảng cân đối tài chính khá đơn giản. Bạn có thể làm thủ công với một cây bút và một tờ giấy hoặc sử dụng một số phần mềm bảng tính trên máy tính. Tập hợp tất cả các tài liệu tài chính của bạn, ví dụ như giấy tờ ngân hàng, báo cáo môi giới, sổ tiết kiệm,…sau đó làm theo các bước mà chúng tôi sẽ hướng dẫn trong phần tiếp theo của bài học này.

Tài liệu thứ 2 mà bạn cần chuẩn bị đó là báo cáo thu nhập. Một báo cáo thu nhập cho biết tổng thu nhập của bạn và tổng chi phí mà bạn phải chi trả. Nếu tổng thu nhập của bạn cao hơn tổng chi phí mà bạn phải trả, bạn có một thu nhập ròng rất tốt. Ngược lại, nếu tổng chi phí của bạn vừa bằng hay vượt quá tổng thu nhập của bạn, bạn nên xem xét cắt giảm chi phí hoặc gia tăng thu nhập của mình. Bạn cần chắc chắn rằng mình có một thu nhập ròng ổn định và có thể sử dụng số tiền đó để mua cổ phiếu.

Sự cần thiết của việc thiết lập bảng cân đối tài chính cá nhân

Bảng cân đối tài chính cá nhân của bạn có thể xem là giống với bảng cân đối kế toán mà một công ty lớn cần chuẩn bị. Vì sao nói việc xây dựng một bảng cân đối tài chính cá nhân trước khi đầu tư chứng khoán là cần thiết? Bởi vì khi bạn càng hiểu về cách thiết lập một bảng cân đối tài chính của cá nhân bạn, bạn càng dễ dàng nắm được bảng cân đối kế toán của những công ty mà bạn có ý định đầu tư. Một điều quan trọng nữa đó là, sau khi xây dựng bảng cân đối tài chính cá nhân, bạn có thể biết được liệu mình có đủ khả năng tài chính để tham gia vào thị trường chứng khoán hay không và số tiền bạn có thể chi trả cho việc đầu tư chứng khoán là bao nhiêu.

bảng cân đối tài chính cá nhân

Các bước xây dựng bảng cân đối tài chính cá nhân

Bước 1: Đảm bảo rằng bạn có một quỹ khẩn cấp

Đầu tiên, hãy xác định số tiền mặt mà bạn có trong bảng cân đối tài chính cá nhân. Bạn cần có số tiền mặt tương ứng với tổng chi phí sinh hoạt mà bạn phải chi trả trong ít nhất từ 3 đến 6 tháng. Số tiền này giúp bạn có thể vượt qua những khủng hoảng thường gặp như thất nghiệp. Việc tìm kiếm một công việc mới hay một nguồn thu nhập mới thường mất từ 3 đến 6 tháng. Nếu chi phí hàng tháng của bạn là $2000, bạn cần có ít nhất $6000 tiền mặt hoặc gửi trong tài khoản ngân hàng. Hãy coi đây là một quỹ khẩn cấp chứ không phải quỹ đầu tư. Đừng dùng số tiền này để mua cổ phiếu.

Nếu bạn mất việc, bạn sẽ gặp khó khăn về tài chính và điều đó sẽ ảnh hưởng đến danh mục đầu tư chứng khoán của bạn. Bạn có thể phải bán một số cổ phiếu trong tài khoản của bạn chỉ để lấy tiền thanh toán cho các chi phí khác. Quỹ khẩn cấp sẽ giúp bạn vượt qua một cuộc khủng hoảng tiền mặt tạm thời.

Bước 2: Liệt kê tài sản của bạn theo thứ tự thanh khoản giảm dần

Thanh khoản đề cập đến việc bạn có thể dễ dàng chuyển đổi tài sản (thứ bạn sở hữu có giá trị) thành tiền mặt. Nếu bạn biết cách thanh khoản tài sản của bạn, bạn có thể có một vài lựa chọn khi bạn cần tiền mặt để mua cổ phiếu hoặc chi trả hóa đơn.

Liệt kê tài sản của bạn theo thứ tự thanh khoản trên bảng cân đối kế toán giúp bạn ngay lập tức biết được tài sản nào bạn có thể nhanh chóng chuyển đổi thành tiền mặt và tài sản nào không thể. Nếu bạn cần tiền mặt ngay bây giờ, những tài sản thanh khoản nhất là tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm hay vàng, ngoại tệ. Những tài sản khác như bất động sản nên được xếp cuối cùng trong danh sách bởi nó mất nhiều thời gian và cân nhắc để có thể chuyển đổi thành tiền mặt.

Những nhà đầu tư không có các tài sản thanh khoản lưu động có nguy cơ phải bán tài sản một cách nhanh chóng và chịu thua lỗ vì cần tiền mặt cho các khoản đầu tư ngắn hạn. Đối với các nhà đầu tư chứng khoán, họ có thể sẽ phải bán sớm các cổ phiếu mà ban đầu dự định sử dụng như một khoản đầu tư dài hạn.

Bước 3: Liệt kê các khoản nợ của bạn

Nợ phải trả đơn giản là những hóa đơn mà bạn có nghĩa vụ phải trả, cho dù đó là một hóa đơn thẻ tín dụng hoặc thanh toán thế chấp. Nếu bạn không theo dõi các khoản nợ của mình, bạn có thể nghĩ rằng bạn có nhiều hơn số tiền mà bạn thực sự có.

Bước 4: Tính giá trị ròng của bạn

Giá trị ròng của bạn thể hiện tổng tài sản của bạn. Bạn có thể tính toán giá trị ròng với công thức cơ bản sau:

Giá trị ròng = Tổng tài sản – Tổng nợ 

Bước 5: Phân tích bảng cân đối tài chính của bạn

Thiết lập một bảng cân đối tài chính để xem tình hình tài chính hiện tại của bạn. Hãy nghiên cứu nó và cố gắng tìm kiếm một vài thay đổi mà bạn có thể làm để gia tăng tài sản của mình. Đôi khi bạn có thể đạt được mục tiêu tài chính của mình chỉ đơn giản bằng cách tập trung lại các mục trên bảng cân đối tài chính cá nhân. Dưới đây là một vài vấn đề bạn cần xem xét khi phân tích một bảng cân đối tài chính:

  • Số tiền được sử dụng như một quỹ khẩn cấp của bạn có đang được đặt trong một tài khoản an toàn và có lãi suất cao hay không?
  • Bạn có thể thay thế các tài sản khấu hao bằng các tài sản có giá trị cao?
  • Bạn có thể thay thế các khoản đầu tư năng suất thấp bằng các khoản đầu tư năng suất cao?
  • Bạn có thể trả hết nợ lãi suất cao bằng tiền từ các tài sản lãi suất thấp?
  • Nếu bạn đang mang nợ, bạn có đang sử dụng số tiền đó để đầu tư không, số tiền lãi từ đầu tư có lớn hơn số tiền mà bạn phải trả?
  • Bạn có thể bán bất kỳ các tài sản cá nhân để lấy tiền mặt hay không?

bảng cân đối tài chính cá nhân

Sau khi thực hiện 5 bước trên, bạn đã có thể thiết lập một bảng cân đối tài chính cá nhân của mình. Các nhà đầu tư thường chỉ tập trung nghiên cứu thị trường, tích lũy kinh nghiệm giao dịch mà quên đi tầm quan trọng của việc cân đối tài chính. Nhiều người vội vàng đem tiền đi đầu tư mà không tính đến các khoản nợ, các chi phí phải trả và các trường hợp khẩn cấp. Điều này vô tình đặt nhà đầu tư vào tình thế “không đường lui” khi gặp rủi ro, thua lỗ. Vì vậy, hãy xây dựng một bảng cân đối tài chính cá nhân thật hoàn thiện trước khi quyết định tham gia vào bất cứ lĩnh vực nào trong thị trường tài chính.

Investing,vn

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận