skip to Main Content

6 nguyên tắc quản trị rủi ro để bảo vệ vốn và tối ưu hiệu quả trong khi đầu tư chứng khoán

Đầu tư chứng khoán Mỹ là một hình thức đầu tư hấp dẫn và có nhiều tiềm năng để tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, khi thị trường bắt đầu biến động, những nhà đầu tư ra quyết định dựa trên cảm xúc thường rơi vào tình huống mua cao và bán thấp. Làm thế nào để tránh mắc phải những sai lầm đầu tư phổ biến này? Có một số nguyên tắc quản trị rủi ro không thể thiếu trong khi đầu tư chứng khoán để để tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và vẫn bảo vệ an toàn cho vốn đầu tư của bạn bao gồm:

  1. Phân bổ tài sản và đa dạng hóa danh mục đầu tư
  2. Giảm sự biến động của danh mục đầu tư
  3. Đầu tư một cách nhất quán
  4. Phân tích rủi ro đầu tư
  5. Đưa ra biên độ an toàn
  6. Xác định trước tổn thất tối đa có thể chịu được

Các yếu tố quyết định mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư

Quản trị rủi ro khi đầu tư chứng khoán không có nghĩa là chỉ giữ tiền trong két hay chỉ đầu tư vào những khoản đầu tư an toàn nhất có thể. Mà là để đảm bảo thua lỗ không bao giờ vượt quá ranh giới chấp nhận được của nhà đầu tư. Nói cách khác, mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư là mức thua lỗ khiến nhà đầu tư vẫn cảm thấy thoải mái. Và mục tiêu của quản trị rủi ro là giúp nhà đầu tư xây dựng được danh mục đầu tư vừa hướng tới mục tiêu lợi nhuận vừa đảm bảo mức độ chấp nhận rủi ro phù hợp.

Mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư thường được xác định bởi ba yếu tố chính:

  • Khả năng rủi ro: Nhà đầu tư có thể chịu lỗ bao nhiêu mà không ảnh hưởng đến tình hình tài chính thực tế của cá nhân và gia đình? Khả năng chịu rủi ro có thể thay đổi tùy theo độ tuổi, mục tiêu tài chính cá nhân và thời hạn của nhà đầu tư để đạt được những mục tiêu đó.
  • Mục tiêu đầu tư: Những khoản đầu tư này cần mang lại bao nhiêu lợi nhuận để đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của nhà đầu tư? Một nhà đầu tư cần cân bằng giữa việc đạt được mục tiêu đầu tư và chấp nhận rủi ro có thể gặp phải.
  • Kiểm soát cảm xúc khi đầu tư: Nhà đầu tư sẽ phản ứng thế nào khi thị trường đi xuống? Sợ hãi, hoảng loạn hay chủ động kiểm soát cảm xúc? Những cảm xúc đó sẽ có ảnh hưởng gì đến các quyết định đầu tư?

Nếu quản trị rủi ro tốt, nhà đầu tư có thể bảo toàn vốn của mình trong thời kỳ thị trường đi xuống và có điều kiện để đầu tư mạnh khi thị trường tốt trở lại.

* Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hướng dẫn sử dụng Capital.com

6 nguyên tắc quản trị rủi ro trong khi đầu tư chứng khoán

1. Phân bổ tài sản và đa dạng hóa danh mục đầu tư

Phân bổ tài sản

Phân bổ tài sản phù hợp là cách bạn lựa chọn các loại tài sản đầu tư khác nhau trong danh mục đầu tư của mình để đáp ứng một mục tiêu cụ thể. Các loại tài sản khác nhau như: cổ phiếu, trái phiếu, các quỹ đầu tư và tiền mặt…

Ví dụ: Nếu bạn có mục tiêu tăng trưởng tài sản của mình và sẵn sàng chấp nhận rủi ro thị trường để đạt được mục tiêu đó, thì bạn có thể quyết định đặt 80% tài sản của mình vào cổ phiếu và chỉ 20% vào trái phiếu. Những người sắp nghỉ hưu có thể lựa chọn một quỹ với chứng khoán tạo thu nhập thụ động từ cổ tức.

Trước khi bạn quyết định tỷ lệ phân chia các loại tài sản trong danh mục đầu tư của mình, hãy tìm hiểu về thời gian sẽ đầu tư để đạt được lợi nhuận kỳ vọng, cũng như những rủi ro và lợi nhuận có thể đạt được của từng loại tài sản.

Các loại tài sản khác nhau có các mức lợi nhuận tiềm năng và rủi ro thị trường khác nhau, hiệu suất trong quá khứ cũng không đảm bảo kết quả trong tương lai. Và việc phân bổ tài sản không đảm bảo bạn chắc chắn sẽ thu về lợi nhuận và tránh xa được những rủi ro khi đầu tư.

Đa dạng hóa danh mục đầu tư

Đa dạng hóa danh mục đầu tư là quá trình lựa chọn nhiều khoản đầu tư khác nhau trong mỗi loại tài sản, điều này có thể giúp những người đang tìm cách giảm thiểu rủi ro đầu tư. Đa dạng hóa giữa các loại tài sản cũng có thể giúp giảm bớt tác động của những biến động lớn của thị trường đối với danh mục đầu tư của bạn.

Nếu bạn chỉ đầu tư vào cổ phiếu của một công ty, bạn sẽ gặp rủi ro lớn hơn khi chỉ dựa vào kết quả hoạt động của công ty đó để phát triển khoản đầu tư của mình. Điều này được gọi là “rủi ro chứng khoán đơn lẻ” – khoản đầu tư của bạn sẽ biến động lớn phụ thuộc vào giá của một cổ phiếu đang nắm giữ.

Nhưng thay vào đó, nếu bạn mua cổ phiếu của 15 hoặc 20 công ty trong một số ngành khác nhau, bạn sẽ giảm rủi ro đầu tư bằng cách giảm thiểu khả năng thua lỗ đáng kể. Nếu lợi tức của một khoản đầu tư đang giảm, thì lợi tức của khoản đầu tư khác có thể tăng lên, điều này có thể giúp bù đắp cho hoạt động kém hiệu quả.

Nhưng các nhà đầu tư cũng nên cẩn thận với sự chồng chéo khi đầu tư vào các quỹ đầu tư. Nhiều người thường nghĩ rằng họ đa dạng hóa vì họ sở hữu một vài quỹ ETF khác nhau, nhưng nếu những quỹ đó đều được đầu tư vào cùng một loại cổ phiếu hoặc tương tự nhau, khi những công ty hoặc lĩnh vực đó gặp khó khăn, các nhà đầu tư có thể mất một khoản tiền lớn.

2. Giảm sự biến động của danh mục đầu tư

Một trong những cách dễ nhất để giúp giảm bớt sự biến động trong danh mục đầu tư là giữ một số phần trăm được phân bổ cho tiền mặt và các khoản tương đương tiền. Điều này có thể giúp nhà đầu tư không phải bán các tài sản khác khi cần thiết gây thua lỗ nếu thị trường đi xuống.

Giữ lượng tiền mặt bao nhiêu phụ thuộc vào thời gian và mục tiêu của nhà đầu tư. Nếu giữ quá nhiều tiền mặt trong thời gian dài, khoản đầu tư có thể không thu về đủ lợi nhuận để theo kịp lạm phát.

Cũng có một số cách khác để làm giảm sự biến động của danh mục đầu tư, bao gồm:

Tái cân bằng

Tái cân bằng danh mục đầu tư là một cách để điều chỉnh hỗn hợp tài sản của các khoản đầu tư. Nó có nghĩa là sắp xếp lại danh mục đầu tư để phù hợp với mục tiêu mong muốn của nhà đầu tư .

Việc phân bổ các khoản đầu tư mong muốn trong danh mục đầu tư của nhà đầu tư có sự kết hợp của các tài sản như cổ phiếu, trái phiếu, quỹ tương hỗ, hàng hóa và bất động sản phù hợp với mục tiêu tài chính và chấp nhận rủi ro cá nhân của mỗi người.

Ví dụ: Một nhà đầu tư có mức độ chấp nhận rủi ro thận trọng có thể xây dựng danh mục đầu tư có nhiều tài sản ít biến động hơn, chẳng hạn như trái phiếu. Nhà đầu tư thận trọng có thể có danh mục đầu tư với 60% trái phiếu và 40% cổ phiếu. Ngược lại, một nhà đầu tư trẻ tuổi có thể cảm thấy thoải mái hơn với các tài sản rủi ro hơn và xây dựng danh mục đầu tư với nhiều cổ phiếu hơn. Danh mục đầu tư của nhà đầu tư trẻ tuổi có thể phân bổ tài sản gồm 70% cổ phiếu và 30% trái phiếu.

Tuy nhiên, các loại tài sản khác nhau có thể sẽ có lợi nhuận khác nhau và tỷ lệ thay đổi theo mục tiêu từng thời điểm.

Ví dụ: Nếu nhà đầu tư đang có danh mục 80% cổ phiếu và giá đã tăng mạnh trong một năm. Khi đó, họ có thể có nhu cầu giảm tỷ lệ cổ phiếu xuống chỉ còn 70% cổ phiếu theo mục tiêu mới để bảo toàn lợi nhuận đã có.

Các nhà đầu tư cũng có thể đăng ký tái cân bằng tự động. Nếu không tái cân bằng, danh mục đầu tư hỗn hợp có thể trở nên nặng về cổ phiếu hoặc nặng về ngành, điều này có thể làm tăng đáng kể rủi ro.

Mua trái phiếu

Nếu bạn không thường xuyên tái cân bằng danh mục đầu tư (chủ động hoặc tự động), để giảm bớt biến động của thị trường, bạn có thể nắm giữ trái phiếu trong danh mục đầu tư của mình.

Trái phiếu có thể không được coi là nơi trú ẩn an toàn như trước đây, nhưng trái phiếu có thời hạn thấp hơn vẫn có thể đóng vai trò phòng thủ trong danh mục đầu tư đa dạng. Và trái phiếu thường có thể được sử dụng để tạo ra một dòng thu nhập ổn định có thể được tái đầu tư hoặc sử dụng cho chi phí sinh hoạt và đảm bảo an toàn khi thị trường đi xuống.

3. Đầu tư đều đặn để được trung bình giá

Có những người muốn tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng bằng cách cố gắng lựa chọn đúng cổ phiếu và bán nó đúng thời điểm. Nhưng có một cách để quản trị rủi ro khi đầu tư chứng khoán đó là áp dụng chiến lược: Trung bình giá (dollar-cost averaging).

Chiến lược trung bình giá nghĩa là các nhà đầu tư đóng góp cùng một số tiền theo định kỳ (thường là một hoặc hai lần một tháng) vào tài khoản đầu tư. Khi thị trường đi xuống, số tiền đó sẽ mua được nhiều cổ phiếu hơn. Khi thị trường đi lên, cũng số tiền đó sẽ mua được ít hơn. Thị trường thường tăng theo thời gian dài, giá trung bình của cổ phiếu bạn mua sẽ thấp hơn giá của những cổ phiếu đó trong tương lai.

Trung bình giá là chiến lược đầu tư đều đặn và kỷ luật và có thể giúp làm dịu tác động của những biến động thị trường trong danh mục đầu tư của bạn. Đối với những người đang băn khoăn về cách giảm thiểu rủi ro trong đầu tư, đây là một chiến lược đầu tư có hệ thống và có thể giúp bạn tránh đưa ra các quyết định đầu tư theo cảm tính.

Để chiến lược này hiệu quả hơn, hãy tập trung vào những công ty có mức tăng trưởng bền vững theo thời gian.

4. Phân tích rủi ro đầu tư

Khả năng chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư được chia ra các mức độ khác nhau, bao gồm: Khả năng chấp nhận rủi ro cao, vừa phải hoặc thận trọng.

Tuy nhiên, cách phân chia đó cũng khá chủ quan. Ví dụ, mức độ “vừa phải” với một nhà đầu tư trẻ tuổi sẽ khác với một nhà đầu tư lớn tuổi.

Thậm chí, một nhà đầu tư cũng sẽ không biết mình sẽ phản ứng như thế nào khi thị trường sụt giảm cho đến khi nó xảy ra. Hoặc một người có thể sẽ rất phấn khích khi vừa được thừa kế (hay may mắn kiếm được một số tiền lớn), nhưng sẽ rất dè dặt sau khi phải thanh toán một hóa đơn viện phí lớn.

Các yếu tố quyết định mức độ chấp nhận rủi ro và nguyên tắc quản trị rủi ro trong đầu tư chứng khoán để đầu tư an toàn và tối ưu hiệu quả

Để xác định rõ mức độ rủi ro đầu tư, trong ngành tài chính thường sử dụng một bảng câu hỏi hoặc dựa trên danh mục đầu tư hiện tại để xác định một “điểm rủi ro” cụ thể.

Có một cách khác là phân tích danh mục đầu tư hiện tại sẽ như thế nào trong thời kỳ suy thoái đã từng diễn ra (năm 2000 hoặc 2008).

Kiểm tra lại danh mục đầu tư và mục tiêu hiện tại giúp nhà đầu tư có thể tạo ra kế hoạch đầu tư hiệu quả hơn. Nhà đầu tư có thể sắp xếp lại danh mục hiện có để giảm bớt áp lực hoặc chủ động hơn về quản trị rủi ro trong danh mục đầu tư chứng khoán của mình.

5. Đưa ra biên độ an toàn

“Mua thấp, bán cao” là một câu quen thuộc trong ngành tài chính, nhưng thực sự để khái niệm này hoạt động hiệu quả lại không đơn giản. Bạn sẽ không biết khi nào là cao và khi nào là thấp để đưa ra quyết định chắc chắn đúng.

Các yếu tố quyết định mức độ chấp nhận rủi ro và nguyên tắc quản trị rủi ro trong đầu tư chứng khoán để đầu tư an toàn và tối ưu hiệu quả

Các nhà đầu tư giá trị xác định biên độ an toàn bằng cách chỉ mua một cổ phiếu nếu giá thị trường hiện tại của nó thấp hơn đáng kể so với giá trị nội tại mà họ cố gắng xác định và tin là nó đúng.

Ví dụ: Một nhà đầu tư sử dụng biên độ an toàn 20% sẽ quan tâm tới một cổ phiếu có giá trị nội tại ước tính là 100 USD/cổ phiếu nhưng giá mỗi cổ phiếu hiện đang được giao dịch ở mức 80 USD hoặc thấp hơn.

Nếu giá trị tài sản bị định giá càng thấp so với giá trị thực tế, thì đầu tư vào tài sản đó sẽ càng mang lại lợi nhuận cao và giảm thiểu rủi ro thua lỗ. Nên biên độ an toàn càng cao thì tiềm năng thu được lợi nhuận chắc chắn càng cao và và rủi ro càng thấp.

Biên độ an toàn của mỗi nhà đầu tư có thể khác nhau có thể là 20% hoặc 30% hoặc thậm chí 40%. Biên an toàn phụ thuộc vào mức độ người đó cảm thấy thoải mái.

Để xác định giá trị nội tại có thể phải nghiên cứu khá phức tạp. Bạn có thể bắt đầu với tỷ lệ P/E và so sánh với tỷ lệ P/E của các công ty khác trong cùng ngành.

Con số này càng thấp so với đối thủ cạnh tranh thì cổ phiếu càng “rẻ”. Con số càng cao thì càng “đắt”.

6. Xác định mức tổn thất tối đa

Xác định mức tổn thất tối đa là một phương pháp các nhà đầu tư có thể sử dụng để quản lý việc phân bổ tài sản của họ. Nó giúp các nhà đầu tư không đưa ra những quyết định cảm tính khi có biến động trên thị trường.

Để đánh giá rủi ro cho danh mục đầu tư, bạn cần đo mức sụt giảm tối đa từ đỉnh giá cao nhất của tài sản xuống mức đáy thấp nhất trong một khoảng thời gian.

Chiến lược này tính được giới hạn thua lỗ tối đa một người có thể chấp nhận được và sử dụng tỷ lệ phần trăm đó để xác định phân bổ tài sản phù hợp. Nhưng việc phân bổ tài sản đó không nhất thiết phải phù hợp với tất cả mọi người. Nó là một kế hoạch riêng của từng nhà đầu tư khác nhau.

Các yếu tố quyết định mức độ chấp nhận rủi ro và nguyên tắc quản trị rủi ro trong đầu tư chứng khoán để đầu tư an toàn và tối ưu hiệu quả

Dưới đây là các bước cơ bản:

  1. Dựa trên lịch sử thị trường, nhà đầu tư chọn mức lỗ tối đa có thể xảy ra đối với cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Ví dụ: kể từ năm 1926, chỉ có 3 năm tổng lợi nhuận của S&P 500 thấp hơn -30%. Năm thấp nhất là năm 1931, ở mức -44,20%. Vì vậy, nhà đầu tư có thể chọn 40% là con số thua lỗ tối đa có thể xảy ra, hoặc có thể là 35% hoặc 30%.
  2. Tiếp theo, dựa trên cảm nhận cá nhân về những mức sụt giảm trên thị trường, nhà đầu tư chọn số tiền tối đa mà họ sẵn sàng mất trong năm tới. Tùy thuộc vào từng cá nhân để xác định con số này. Nó có thể là 20% hoặc 30%, hoặc một mức ở giữa.
  3. Cuối cùng, nhà đầu tư chia số lỗ tối đa của danh mục đầu tư cá nhân đó cho số lỗ tối đa có thể xảy ra giả định. (Ví dụ: 0,20 chia cho 0,35 = 0,57 tương đương 57%.)

Trong ví dụ này, khi giá trị thị trường đang ở mức trung bình (hay có mức giá hợp lý), nhà đầu tư có thể phân bổ 57% cho tài sản chứng khoán. Nhà đầu tư có thể tăng hoặc giảm các con số tùy thuộc vào những gì đang xảy ra trên thị trường.

Phần kết luận

Rủi ro khi đầu tư chứng khoán luôn tồn tại và không thể tránh khỏi. Bất kể bạn đầu tư theo chiến lược nào, quản trị rủi ro trong đầu tư chứng khoán là vô cùng quan trọng để giữ cho khoản tiền đầu tư của bạn được an toàn hơn và tổn thất ở mức tối thiểu.

Hãy nhớ rằng: Khi tổn thất ngày càng lớn, lợi nhuận cần thiết để quay trở lại vị trí ban đầu càng tăng lên. Phải đạt 11% để vốn đầu tư phục hồi trở lại sau khi lỗ 10%. Nhưng phải đạt được 100% để phục hồi sau khi thua lỗ 50%.

Qua bài viết này, chúng ta đã tìm hiểu về các yếu tố quyết định mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư và cách thức áp dụng các nguyên tắc quản lý rủi ro khi đầu tư chứng khoán. Hi vọng bài viết đã giúp bạn nâng cao kiến thức và kỹ năng đầu tư, từ đó đạt được lợi nhuận cao nhất và giảm thiểu rủi ro trong các giao dịch chứng khoán.

Investing.vn

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận