skip to Main Content

5 vụ phá sản đáng chú ý nhất của các startup công nghệ

Có vô số câu chuyện về những doanh nghiệp thành công và những doanh nhân vượt qua thất bại để vươn lên trong sự nghiệp. Những tỷ phú như Mark Cuban, Bill Gates hay Richard Branson từng chia sẻ việc học hỏi từ các cú vấp ngã đã giúp mở đường cho sự thành công của họ như thế nào. Nhưng điều đó không có nghĩa thất bại là không đau đớn, nhất là khi bạn đã đổ vào đó những khoản tiền không hề nhỏ.

Một báo cáo gần đây của CB Insights (công ty chuyên xây dựng phần mềm dự đoán xu hướng công nghệ mới) đã xem xét hơn 200 vụ thất bại lớn nhất và tốn kém nhất trong lĩnh vực kinh doanh khởi nghiệp. Danh sách này bao gồm nhiều cái tên đình đám, từ Theranos với lùm xùm gian lận và âm mưu lừa đảo, đến Pets.com – trang thương mại điện tử cho thú cưng đổ hàng triệu USD cho các chiến dịch quảng cáo.

Dưới đây là 5 trong số những thất bại khởi nghiệp đáng chú ý nhất trong báo cáo của CB Insights.

1. LeSports

Vụ thất bại khởi nghiệp đắt giá nhất mà CB Insights ghi nhận là LeSports – công ty con chuyên về mảng thể thao trực tuyến của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc LeEco. Có thời điểm, LeSports đã huy động được tới 1,7 tỷ USD từ một nhóm các nhà đầu tư với những cái tên như HNA Capital, Caissa Travel, Zhongtai Securities và Fortune Link.
Tuy nhiên, sau khi thành lập LeSports năm 2014, LeEco bắt đầu rơi vào cuộc khủng hoảng tiền mặt khi người sáng lập Jia Yueting đẩy công ty vào tình trạng nợ nần chồng chất với tham vọng mở rộng hoạt động kinh doanh.
Năm 2019, đối mặt với những bê bối ở Trung Quốc về các khoản nợ quá lớn cũng như các vấn đề trong hoạt động kế toán của công ty, Yueting phải đệ đơn phá sản, trong khi còn phải gánh vác khoản nợ 3,6 tỷ USD. LeEco, công ty mẹ của LeSports, vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến tại Trung Quốc với tên gọi Le.com, nhưng tới tháng 5/2020, công ty này đã bị Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến hủy niêm yết sau khi thua lỗ hơn 1,6 tỷ USD trong năm 2019.

5 vụ phá sản đáng chú ý nhất của các startup công nghệ.1

2. Startup công nghệ thử máu Theranos

Ra đời vào năm 2003, Theranos là startup công nghệ y học được đánh giá cao và thu hút được rất nhiều nhà đầu tư, có thời điểm công ty này được định giá lên tới 9 tỷ USD. Theranos được ca ngợi là bước đột phá trong thị trường công nghệ thử máu khi đòi hỏi lượng máu rất ít với chi phí thấp hơn rất nhiều so với các công nghệ hiện tại. Thậm chí CEO trẻ tuổi Elizabeth Holmes của dự án còn được ví là “Steve Jobs phiên bản nữ”, lọt vào bảng xếp hạng tỷ phú USD của Forbes và có mặt trong danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới của Time.
Thế nhưng, vào tháng 8/2018 start-up đầy tiềm năng này đã tuyên bố phá sản sau khi bị phóng viên điều tra John Carreyrou của tờ Wall Street Journal lật tẩy về những âm mưu lừa đảo của dự án, đưa Theranos đối mặt với rất nhiều cáo trạng về pháp lý thương mại từ giới chức, nhà đầu tư, ủy ban giao dịch chứng khoán, đối tác và bệnh nhân…

5 vụ phá sản đáng chú ý nhất của các startup công nghệ.2

3. Trang thương mại điện tử bán sản phẩm cho thú cưng Pets.com

Ra mắt năm 1998, trang thương mại điện tử chuyên bán các sản phẩm chăm sóc thú cưng Pets.com đã huy động vốn được tới 300 triệu USD từ các nhà đầu tư, trong đó bao gồm các ông lớn như Amazon và Hummer Winblad. Tuy chỉ tồn tại trong vòng 2 năm từ 1998 đến 2000, nhưng Pets.com đã huy động vốn được tới 300 triệu USD.
Thừa thắng xông lên, Công ty này đã đổ hàng triệu USD vào các chiến dịch tiếp thị, bao gồm cả việc mua quảng cáo tại sự kiện đắt đỏ nhất trong năm ở Mỹ là Super Bowl hồi tháng 1/2000. Kết quả, doanh thu sau một năm đạt 619.000 trong khi chi phí quảng cáo lên đến 11,8 triệu đô la. Doanh thu của Pets.com phụ thuộc quá nhiều vào các chiến dịch khuyến mãi, và điều này làm suy giảm lợi nhuận của công ty. Từ lúc IPO vào tháng 2/2000 đến khi tuyên bố phá sản vào tháng 11 cùng năm, giá cổ phiếu Pets.com tuột dốc không phanh từ 11 USD xuống còn vỏn vẹn 19 xu.
Bội chi quảng cáo cùng các khoản thua lỗ từ mô hình kinh doanh kém bền vững đã dẫn đến thất bại ê chề của Pets.com. Thay vì phân tích thị trường để tạo ra sản phẩm phù hợp thì công ty này lại tạo ra sản phẩm rồi cố tìm thị trường. Họ đã bỏ ra quá nhiều chi phí cho kho bãi, nguồn hàng và tiếp thị trong khi mức tiêu thụ không lớn.

5 vụ phá sản đáng chú ý nhất của các startup công nghệ.3

4. Startup xe điện Better Place

Được thành lập bởi doanh nhân Israel Shai Agassi vào năm 2007, dự án xe điện Better Place từng được kỳ vọng có thể tạo ra một làn sóng thành công tương tự đối thủ Tesla. Startup đã huy động được hơn 900 triệu USD từ các nhà đầu tư như Vantage Point Capital Partners, General Electric và các gã khổng trong ngành ngân hàng như HSBC, Morgan Stanley. Một trong những ý tưởng sáng tạo của dự án này đó là các trạm thay thế pin xe điện, nơi những chiếc xe điện hết điện của hãng có thể ra thay pin mới chỉ trong vài phút. Nhờ đó, những lo lắng của tài xế về phạm vi và thời gian sử dụng xe điện cũng giảm bớt.
Tuy nhiên, các vấn đề hậu cần cũng như chi phí cơ sở hạ tầng, xây dựng các trạm đổi pin quá cao đã đưa ý tưởng này đi vào bế tắc. Better Place chỉ có thể đưa vào vận hành khoảng 1.000 xe trước khi nộp đơn xin phá sản năm 2013.

5 vụ phá sản đáng chú ý nhất của các startup công nghệ.4

5. Công ty công nghệ năng lượng mặt trời Solyndra

Được thành lập năm 2005, nhà sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời nhanh chóng trở thành cái tên được săn đón, thậm chí còn được chính quyền Obama coi là điển hình cho sự đổi mới công nghệ trong lĩnh vực năng lượng sạch. Solyndra nhận được bảo lãnh cho khoản vay liên bang trị giá 535 triệu USD, đồng thời huy động được hơn 1,2 tỷ USD từ các nhà đầu tư như Redpoint Ventures, US Venture Partners và nhà quyên góp lớn cho ông Obama, tỷ phú George Kaiser.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Solyndra đã giảm sút mạnh mẽ khi giá cả các nguyên vật liệu sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời như silicon giảm mạnh vào thời điểm năm 2011. Sự tràn ngập các sản phẩm mô đun năng lượng mặt trời và Polysilicon do Trung Quốc và Hàn Quốc sản xuất với giá thành rẻ hơn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bội thực trên thị trường thế giới, làm giảm khả năng cạnh tranh của các sản phẩm cùng loại do các công ty Mỹ và châu u. Cuối cùng, startup này đã bị các đối thủ cạnh tranh của mình đánh bại và nộp đơn xin phá sản vào tháng 9/2011.

5 vụ phá sản đáng chú ý nhất của các startup công nghệ.5

Theo thống kê của CB Insights, tỷ lệ startup thất bại trên thế giới nói chung hiện nay dao động từ 75% – 90%. Dù ý tưởng được đánh giá cao và thu hút vốn đầu tư ‘khủng’, nhiều startup vẫn phải ngậm ngùi đóng cửa do kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng. Sự sụp đổ của những dự án nghìn tỷ trên được xem là bài học đắt giá về chiến lược kinh doanh và vận hành của các doanh nghiệp sau này.

Investing.vn

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận